Giành được danh hiệu Phim ngắn xuất sắc tại lễ trao giải Oscar lần thứ 84 vừa qua, bộ phim Saving Face đã giúp nữ đạo diễn Sharmeen Obaid-Chinoy (ảnh) trở thành người Pakistan đầu tiên nhận được tượng Oscar danh giá. Tuy nhiên, cuộc sống ngoài đời của các nhân vật chính trong phim - nhân chứng sống của nạn bạo hành phụ nữ, những người sống sót sau khi gương mặt bị hủy hoại vì axít lại đang bị đe dọa.
Bộ phim dài 40 phút, tập trung khai thác câu chuyện của Zakia và Rukhsana, hai phụ nữ đã kiên cường đấu tranh với số phận, không ngừng nỗ lực làm lại cuộc đời sau khi bị chồng tạt axít vào mặt. Nhờ bác sĩ phẫu thuật người Pakistan gốc Anh, cả hai đã được khôi phục một phần gương mặt bị biến dạng để người đối diện bớt kinh hãi khi nhìn thấy. Phim cũng đề cập đến tên tuổi thật của nhiều nạn nhân khác. Mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại ở niềm tự hào của những người làm phim Pakistan khi có được giải thưởng Oscar đầu tiên, đến khi bộ phim được lên kế hoạch trình chiếu rộng rãi ở Pakistan.
Cô Naila Farhat (22 tuổi), một trong những nhân vật xuất hiện trong Saving Face cho biết: “Chúng tôi không nghĩ bộ phim sẽ giành được giải Oscar và trở thành hiện tượng. Chúng tôi chưa bao giờ đồng ý để họ phổ biến bộ phim này”. Naila Farhat bị người cô từ hôn tạt axít khi mới 13 tuổi làm cô mất đi một mắt. Kẻ gây bi kịch cho Naila đã phải ngồi tù 12 năm. Còn cô, bằng nghị lực mạnh mẽ, đã vượt qua nỗi đau và được đào tạo làm y tá.
Việc xuất hiện trong một bộ phim đối với cô và gia đình trở thành điều đáng xấu hổ. Cô nói: “Rồi tôi sẽ bị người khác lấy ra làm trò cười, chủ đề bàn tán. Chúng tôi sẽ lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, thậm chí bi kịch sẽ tái diễn, không ai dám chắc được điều gì cho chúng tôi. Thật lòng, chúng tôi không muốn đưa mặt ra cho cả thế giới nhìn”.
Luật sư Naveed Muzaffar Khan, người đại diện các nạn nhân cho biết đã gửi thông báo đến đạo diễn Obaid-Chinoy và đại diện nhà sản xuất bộ phim để phản ánh việc họ tự phổ biến đến công chúng mà chưa được sự đồng ý của các nạn nhân. Những người từng vui mừng với chiến thắng hồi tháng 2 vừa qua có thời hạn 7 ngày để lựa chọn giữa việc ngừng chiếu bộ phim hoặc đối mặt trước một phiên tòa không mong đợi.
Trong khi đó, đạo diễn Obaid-Chinoy khẳng định rằng những nạn nhân đã cùng ký vào cam kết để bộ phim được chiếu ở bất cứ đâu, kể cả ở Pakistan. Nhà sản xuất đã hứa rằng lợi nhuận thu được khi bộ phim được trình chiếu ở Pakistan sẽ thuộc về những nạn nhân được nhắc đến trong phim.
Mục đích thực hiện bộ phim là tốt nhưng theo ý kiến của nhiều người dân Pakistan, bộ phim có thể tạo nguy cơ làm bùng lên những vụ tấn công bằng axít ở quốc gia Nam Á này, vì chưa ai có tiếng nói đủ mạnh để đứng ra bảo vệ phụ nữ, kể cả luật pháp.
Như Quỳnh