Tháng thanh niên với nhiều hoạt động liên quan đến môi trường, đang diễn ra sôi động. Tuần qua, với thông điệp “Mỗi người trẻ - một hành động cụ thể vì môi trường sống tốt đẹp hơn”, các bạn thanh niên, sinh viên (SV) TPHCM đã mang đến diễn đàn “Thanh niên TP hành động vì môi trường” do Thành Đoàn TNCS TPHCM tổ chức những ý kiến, đề xuất thiết thực.
Tại diễn đàn, TS Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM cho rằng: Việc nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của đoàn viên, thanh thiếu niên trong các hoạt động bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững… là một quá trình dài hơi.
TS Duy phân tích: Việc giáo dục ý thức phải bắt đầu từ trong trường học, trải qua các cấp từ nhỏ đến lớn một cách có lộ trình để hình thành thói quen. Đoàn - Hội phải thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Phát động phong trào thi đua trong mỗi tập thể; cá nhân làm sạch nơi mình sống; học sống tiết kiệm theo gương Bác Hồ; các hoạt động tái chế chất thải…
Cùng góp ý kiến để “hành động vì môi trường”, Phạm Hữu Phúc Ân (SV ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, trước hết, SV phải đi đầu làm gương trong việc làm xanh nơi mình sống, học tập, làm việc. Bắt đầu từ những việc làm thật đơn giản: Từ chối nhận túi ni lông khi mua hàng hóa; từ chối nhận tờ rơi quảng cáo khi dừng ở ngã tư đèn đỏ; vứt rác đúng nơi quy định; sử dụng điện, nước tiết kiệm tại nơi sinh sống, học tập, làm việc…
Không đưa ra những giải pháp cụ thể nhưng câu chuyện về môi trường được bạn Phan Minh Tồn, SV ĐH Ngoại thương TPHCM diễn tả rất dễ đi vào lòng người: Nếu có một người lạ đem rác thải đổ trước sân nhà chúng ta thì ngay lập tức chúng ta sẽ có hành động ngăn cản, phản ứng gay gắt. Tuy nhiên, nếu họ đổ đống rác thải ấy ra sông, đường mà chúng ta có vô tình bắt gặp thì rất khó để cá nhân nào đứng ra ngăn chặn hay có phản ứng mạnh.
Theo SV Phan Minh Tồn, để bảo vệ môi trường, trước hết, hãy từ bỏ tư tưởng xem môi trường là bãi rác. Mỗi người, xin góp một tay gìn giữ những “góc sân chung”.
THANH HỢP