Rào cản mới

Đúng như dự đoán, sau khi quy định ngừng việc xét duyệt nhanh thị thực cho người lao động nước ngoài (H-1B) được ban hành, tại Mỹ đã nổ ra nhiều tranh luận.

Đúng như dự đoán, sau khi quy định ngừng việc xét duyệt nhanh thị thực cho người lao động nước ngoài (H-1B) được ban hành, tại Mỹ đã nổ ra nhiều tranh luận.

Hiện nay, H-1B là loại visa làm việc phổ biến mà rất nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp thường xin để có thể ở lại Mỹ làm việc. Mỗi năm, trung bình các công ty nộp khoảng 236.000 hồ sơ xin visa cho nhân viên, cạnh tranh nhau để lấy 85.000 visa theo hạn mức mà pháp luật Mỹ quy định. Do số lượng đăng ký nhiều nên phải tổ chức quay xổ số để cấp visa. Thị thực này có thời hạn 3 năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 3 năm. Với các công ty công nghệ cao của Mỹ, visa H-1B là công cụ quan trọng để bổ sung nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, giúp  duy trì sức cạnh tranh quốc tế. Chính vì thế, một số công ty công nghệ đã và đang vận động hành lang để mở rộng hạn mức cấp visa, trong khi nhiều người kêu gọi phá bỏ hệ thống xổ số này và thay bằng cấp visa cho công ty nào trả mức lương cao nhất.

Các chuyên gia về người nhập cư cho rằng, quy định mới có thể ảnh hưởng tới hàng ngàn lao động nhập cư hoạt động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ và y tế. Còn theo giới luật sư, quy định mới sẽ đẩy nhiều công ty và nhiều lao động vào cảnh “dở khóc, dở cười”, vì công ty muốn tuyển thêm lao động nhập cư nhanh cũng khó mà người lao động muốn có việc làm ngay cũng không xong.

Theo CNN, riêng trong lĩnh vực y tế, nước Mỹ đang dựa vào nguồn lao động nhập cư phục vụ tại các trung tâm phục vụ cho cộng đồng. Trong 15 năm qua, có 15.000 bác sĩ người nước ngoài đến Mỹ theo dạng visa H-1B. Trong lĩnh vực công nghệ, thung lũng Silicon sẽ chịu nhiều tác động bởi theo giới chuyên gia, sự thành công của khu thương mại công nghệ cao này khó lòng đạt được vị trí như ngày nay nếu như không có những người lao động nhập cư. Ấn Độ - quốc gia có nguồn kỹ sư trình độ cao cũng rất lo lắng. Nhờ loại visa này mà cho đến nay gần 300.000 kỹ sư Ấn Độ được sang Mỹ làm việc trong các công ty công nghệ của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đề cao khẩu hiệu “Mang việc làm về cho người Mỹ” để thực hiện quy định này, nhưng những người chỉ trích lại cho rằng, hơn một nửa cộng đồng khởi nghiệp tại thung lũng Silicon trị giá 1 tỷ USD đều là do người nhập cư sáng lập. Theo Quỹ quốc gia về chính sách Mỹ, mỗi người sáng lập này tạo ra khoảng 760 việc làm cho công dân Mỹ.

Với tuyên bố tạm ngừng xem xét đơn xin cấp thị thực khẩn theo diện H-1B, chính quyền của Tổng thống Trump đã hành động theo hướng cứng rắn như tuyên bố lúc tranh cử. Những người ủng hộ Tổng thống Trump lên tiếng phê phán chương trình H-1B, cho rằng nhiều công ty Mỹ lợi dụng chính sách này để có thể thuê nhân công giá rẻ nước ngoài thay vì dùng nhân công trong nước đắt đỏ hơn; các công ty môi giới “làm ngập” hệ thống xin visa với nhiều ứng viên, xin visa cho lao động nước ngoài và sau đó cung cấp nhân lực cho các hãng công nghệ cao và hưởng miếng bánh lớn trong lương bổng nhân viên... 

Sau ngày 3-4 tới, quy định mới liên quan đến visa H-1B sẽ có hiệu lực. Liệu người Mỹ sẽ có thêm việc làm hay không thì lúc đó mới có thể có câu trả lời.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục