Giống như GĐT.LA, ngay ở lần tham gia giải Chuyên nghiệp đầu tiên (2003), HAGL đã nhanh chóng khẳng định thương hiệu của mình bằng chức vô địch một cách thuyết phục. Một năm sau đó, đội bóng phố núi lập kỷ lục tiếp theo với tư cách đội bóng mới thăng hạng đã giành 2 chức vô địch liên tiếp.

Công Vinh - 11, vượt qua Quang Trãi -HAGL.
Những thành công liên tiếp khiến HAGL đợc mệnh danh là “dream team” của BĐVN và điều đó khiến người hâm mộ luôn mong mỏi sẽ xuất hiện một đội bóng làm đối trọng cản bước HAGL.
Thực tế, xuyên suốt 3 mùa giải vừa qua, GĐT.LA luôn là đối trọng lớn nhất của đội bóng phố núi, nhưng điều đó khiến người xứ Nghệ không hài lòng bởi theo họ, Gạch và Gỗ có cách làm khá giống nhau, cả hai khi ấy đều chưa có hệ thống đào tạo trẻ bài bản, lực lượng của họ chủ yếu là “viện binh” đến từ các cuộc “săn đầu người” rầm rộ trước mỗi mùa giải.
Còn bóng đá Nghệ An, với cách làm của riêng mình, họ trở thành “lò” đào tạo tốt nhất của cả nước. Ngay cả HAGL cũng đã từng phải cầu viện khá nhiều từ SLNA, nào là Sỹ Hùng, Thành Long, Phi Hùng, Quang Trường, Văn Hạnh… Chính sự đối lập trong cách xây dựng này, cuộc đối đầu giữa P.SLNA và HAGL luôn gây được rất nhiều sự chú ý.
Nó không đơn thuần là một trận đấu mà đằng sau là cuộc đọ sức giữa mô hình cũ, cách làm còn mang nhiều hơi hướng của cơ chế bao cấp của một đội bóng địa phương (SLNA) với một đội bóng được cho là sớm tiếp cận được tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp qua cách làm của một doanh nghiệp.
Về chuyên môn “dream team Việt Nam” của bầu Đức là tập hợp các cá nhân đến từ khắp cả nước cộng các ngoại binh hạng “sao”, họ luôn muốn thắng SLNA - đại diện xứng đáng nhất của mô hình địa phương quản lý khi ấy. Trong khi đó, các cầu thủ xứ Nghệ cũng rất muốn khẳng định: mình mới là số 1. Chính tâm lý đó là nguyên nhân quan trọng khiến cuộc đối đầu giữa hai đối thủ này luôn rất hấp dẫn và quyết liệt.
V.League 2003, lần đầu tiên trong lịch sử, HAGL có điểm trên sân Vinh (tiền thân của HAGL là Gia Lai chưa từng làm được điều tương tự trước đó) bằng trận hòa không bàn thắng. Đến lượt về, tại Gia Lai, HAGL phải rất vất vả mới vượt qua được SLNA trên sân Pleiku với cách biệt tối thiểu 2-1. Một năm sau đó, đội bóng xứ Nghệ thắng 1-0 trên sân nhà nhưng lại để thua 0-2 ở lượt về, còn trong hai cuộc đọ sức gần đây nhất ở V-League 2005, HAGL vẫn có được 4 điểm trước đối thủ này (hòa 0-0 sân khách, thắng 3-1 trên sân nhà).
Lịch sử đang đứng về HAGL khi họ thắng tới 3 trận (đều trên sân nhà), hòa 2 và để thua duy nhất 1 trận trên sân Vinh. Ở sân Vinh, thành tích cao nhất của HAGL cũng chỉ là 1 điểm và họ chưa từng ghi được bàn thắng nào mỗi khi hành quân đến đây.
Trước cuộc đọ sức này, cả hai đều có những trục trặc. Cơ chế quản lý lỏng lẻo của SLNA trước đây đã dẫn đến hàng loạt những vụ tiêu cực ở đội bóng này. Còn với “bầu” Đức, sự thẳng thắn và phóng khoáng cũng đang gặp rắc rối.
So với vấn đề của HAGL thì những rắc rối của P.SLNA trầm trọng hơn nhiều và hậu quả là họ thiếu nhiều trụ cột, phải sử dụng một HLV trẻ, cầu thủ thì hoang mang, dao động. Điều đó khiến P.SLNA mới chỉ có 2 điểm dù đối thủ của họ chỉ là tân binh Tiền Giang cùng một GĐT.LA vốn luôn là “đối tác dễ mến” của họ. Còn HAGL, những sự tăng cường đang phát huy hiệu quả mà sự tỏa sáng của họng súng “2 K” (Kiatisak – Kesley) trong trận thắng M.H.HP ở vòng trước là dấu hiệu dễ nhận biết.
Thành tích đối đầu kém, lại sa sút tâm lý trầm trọng, xem ra cơ hội để P.SLNA kiếm 3 điểm trước HAGL là rất nhỏ.
Tường Khôi