Về việc phòng chống dịch rầy nâu, vàng lùn-lùn xoắn lá ở ĐBSCL

Rất nhiều nơi triển khai chậm, không kiên quyết tiêu hủy

* Dự báo tháng 12 sẽ khô hạn trên diện rộng

* Dự báo tháng 12 sẽ khô hạn trên diện rộng

Tình hình phòng chống rầy nâu, vàng lùn-lùn xoắn lá (VL-LXL) ở ĐBSCL đang vào giai đoạn quyết liệt với diện tích lúa mùa, lúa thu-đông, lúa đông-xuân sớm đan xen nhau với khoảng 700.000 ha trong vùng.

Trong đó, gần 70.000 ha lúa trên 3 trà lúa này bị nhiễm VL-LXL. Việc các địa phương không tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cắt mầm bệnh bằng cách phơi đất sau khi thu hoạch, đang làm cho tình hình thêm phức tạp. Mật số rầy nâu đang gia tăng trên các trà lúa, có nơi lên đến 120 con/tép.

Đáng quan ngại, rầy xanh ngày càng xuất hiện nhiều ở các bẫy đèn - rầy xanh truyền virus gây bệnh Tungro và VL Mycoplasma. Chiều 26-11, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, tiến sĩ Phạm Văn Dư, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL nhận định: Diễn biến của rầy nâu hiện nay ở mức độ khá nghiêm trọng. Trước mắt, các địa phương phải hướng dẫn nông dân sử dụng lúa giống thận trọng – lúa phải kháng rầy; mở rộng hệ thống bẫy đèn để khi xuống giống né được rầy di trú; tăng cường phun thuốc diệt rầy trên các trà lúa nhiễm rầy để giảm mật số...

Diện tích lúa nhiễm VL-LXL rất lớn, nhưng các địa phương trong vùng mới tiêu hủy 8.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu, Ban chỉ đạo ở các địa phương quá “lề mề”; phản ứng chậm, không kiên quyết tiêu hủy – dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ cho nông dân tiêu hủy lúa nhiễm bệnh khá rõ ràng.

* Trong diễn biến khác, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi đạt đỉnh lớn nhất năm vào giữa tháng 10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống rất nhanh; đến ngày 25-11, đã xuống dưới mức trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10 đến 14cm.

Dự báo, mùa khô từ tháng 12-2006 đến tháng 5-2007, dòng chảy trên các sông sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 20%-40%, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng và xâm nhập mặn sâu vào từ tháng 2 đến tháng 4-2007. Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, trong vụ đông-xuân 2006-2007 các địa phương cần đề phòng tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng; tình trạng mặn xâm nhập sâu ở vùng cửa sông; quản lý và sử dụng nguồn nước phù hợp với từng vùng, từng địa phương để tránh thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, hiện nay trên địa bàn 2 huyện Phước Long và Hồng Dân của Bạc Liêu đã có 2.250ha đất lúa-tôm bị xâm nhập mặn từ triều biển Tây. Theo Phòng Kinh tế huyện Hồng Dân, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài và độ mặn không được cải thiện thì diện tích đất sản xuất tôm – lúa bị xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng. Các ngành chức năng khuyến cáo nông dân vùng bị xâm nhập mặn không nên bơm nước dự trữ trên ruộng nhằm tránh ảnh hưởng đến cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng. 

C.H.P - T.M.T

Tin cùng chuyên mục