Rau mầm cây trồng vùng đô thị hóa

Rau mầm cây trồng vùng đô thị hóa

Nhu cầu về rau xanh của người dân TPHCM khoảng 4.500 tấn (kể cả củ, quả)/ngày. Đây là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nhưng nguy cơ ngộ độc (cấp hoặc mãn tính) từ rau xanh do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm cho nhiều người e dè. Hiện nay, một trong những loại rau được người dân ưa chuộng là rau mầm, loại rau có thể nói là sạch, an toàn và bổ dưỡng do không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì thời gian trồng cực ngắn.

Rau mầm cây trồng vùng đô thị hóa ảnh 1

Rau mầm được trồng theo từng tầng, không mất nhiều diện tích. Ảnh: Đ.P

Từ lâu người dân đã trồng loại rau này như giá sống… nhưng kém đa dạng. Hiện nay, rau mầm được trồng với nhiều chủng loại và lượng hàng hóa khá lớn. Rau mầm có thể trồng bằng hạt cải củ, cải xanh, tần ô (cải cúc), rau muống…

Mỗi thứ có vị riêng, nhưng được trồng nhiều nhất là cải củ do có vị nồng, dễ chế biến các món ăn. Ngành nông nghiệp TPHCM xác định, rau mầm là loại cây trồng mới, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, do không cần nhiều diện tích và điều quan trọng là góp phần tăng diện tích và sản lượng rau an toàn của TP, hướng đến mục tiêu 6.500 ha đất trồng với sản lượng 600.000 tấn/năm vào năm 2010.

Năm qua Trung tâm Nghiên cứu KHKT và Khuyến Nông TP triển khai mô hình trình diễn tại 3 hộ (Quách Vĩnh Tấn, Thạch Thành, Trần Ngọc Toàn) tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Sau 3 tháng đạt kết quả khả quan, tỷ lệ nẩy mầm 90%-95%, từ 1kg hạt giống cho ra 5kg rau mầm.

Giá thành trên 13.000 đồng/kg, giá bán 30.000 đồng/kg (tính trên cây cải trắng). Sau khi trừ chi phí mỗi hộ có thể thu nhập 400.000 đồng -500.000 đồng/ngày. Điều thuận lợi của việc phát triển rau mầm là vốn đầu tư thấp, khoảng 10-15 triệu đồng/ hộ, vòng quay rất nhanh, không cần nhiều diện tích. Năm 2007, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có khoảng 100 hộ trồng rau mầm, trong đó, 10 hộ trồng quy mô sản xuất hàng hóa và đã thành lập công ty hoặc cơ sở chuyên sản xuất rau mầm cung cấp cho các siêu thị và các quán ăn.

Hiện nay mỗi ngày các hộ cung cấp cho thị trường khoảng 300kg, giải quyết khoảng 30 lao động. Tuy vậy, để rau mầm phát triển, người sản xuất phải có kế hoạch cung ứng đều đặn sản phẩm, thông qua việc liên kết giữa các hộ, cũng như xây dựng và đăng ký thương hiệu, công bố chất lượng để có lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con không nên sử dụng bất kỳ loại phân bón, hóa chất nào, vì bản thân hạt đã có đủ chất bổ dưỡng trong thời gian ngắn và không nên dùng hạt giống đã qua xử lý sâu bệnh để trồng, vì những loại hạt này nếu làm rau mầm sẽ không an toàn cho người tiêu dùng do dư lượng hóa chất vẫn còn.

Hiện nay trồng rau mầm không còn bó hẹp ở 2 địa phương trên mà đã lan rộng sang các địa bàn khác như Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức… Nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đã bắt đầu quan tâm. Theo Giáo sư Nguyễn Thơ, TPHCM nên có định hướng phát triển rau mầm theo 2 hướng: rau mầm cho gia đình và rau mầm hàng hóa.

Với rau mầm hàng hóa, nên tập hợp lại sản xuất để có lượng hàng lớn. Vấn đề kỹ thuật, ngành nông nghiệp nên có hướng dẫn khâu hạt giống (chất lượng tốt và không xử lý hóa chất, không đóng gói để giảm chi phí sản xuất), giá thể phải sạch. Điều rất quan trọng là phải đa dạng hóa sản phẩm và có tổ chức quản lý. 

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục