Rệu rã… cơ xương khớp

Theo Hội Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cứ 5 người thì có 2 người bị bệnh về cơ khớp. Và trong môi trường làm việc áp lực cao hiện nay, nhất là nhân viên văn phòng, có xu hướng bị các bệnh phổ biến như đau lưng, đau vai, khớp tay, khớp gối… Cùng với tuổi tác, các bệnh này làm giảm hiệu quả làm việc cũng như ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống, nếu để kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện sớm và can thiệp có vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi các bộ phận cơ xương khớp.

        Dễ tàn phế

Trong các loại bệnh cơ khớp, viêm khớp dạng thấp rất hay gặp, nhất là ở người cao tuổi. Bệnh này còn là nguyên nhân hàng đầu trong nhóm bệnh lý khớp viêm gây tàn phế, mất khả năng vận động và tăng nguy cơ tử vong. Theo ThS-BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ - xương - khớp Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115, mỗi ngày BV có khoảng 200 bệnh nhân tới khám, tái khám các bệnh xương khớp thì trên 50% trong đó bị thoái hóa khớp, viêm khớp và khoảng 2/3 bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp phải nhập viện điều trị. Thực tế, bệnh thoái hóa khớp đang có tần suất mắc rất cao trong cộng đồng. BS Lan cho biết viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động. Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Ngoài khớp, các cơ quan khác cũng có thể bị tổn thương như tim, phổi, da, mắt… “Viêm khớp dạng thấp có khi khó phát hiện vì bệnh có thể bắt đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, như đau nhức khớp hoặc cứng khớp vào buổi sáng. Lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30 - 50. Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 tới 3 lần”, BS Lan cho biết.

Còn tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, trung bình mỗi ngày khám cho 250 bệnh nhân. Một bác sĩ tại phòng khám chi dưới cho biết phần lớn bệnh nhân đến khám đã ngoài tuổi 50, nhưng gần đây đã có sự trẻ hóa với những bệnh nhân có khi chỉ ngoài 30 tuổi. Thống kê những năm gần đây của BV Chợ Rẫy TPHCM cũng cho thấy lượng bệnh nhân mắc cơ xương khớp đang tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2011 có 64.000 lượt bệnh nhân được chăm sóc thì qua năm 2012 ước tăng trên 70.000 bệnh nhân.

Theo PGS-BS Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp - BV Chợ Rẫy, thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện nước ta có tới 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp.

Theo Hội Chấn thương chỉnh hình TPHCM, phần lớn người bệnh cơ xương khớp vẫn chưa ý thức được phòng, chữa bệnh, gây nên tình trạng tàn phế, tạo gánh nặng cho xã hội. Đặc biệt trong môi trường làm việc áp lực cao hiện nay, nhất là nhân viên văn phòng, có xu hướng bị các bệnh phổ biến như đau lưng, đau vai, khớp tay, khớp gối. “Thông thường do biểu hiện bệnh không quá nghiêm trọng nên nhiều người chủ quan để bệnh tiến triển nghiêm trọng mới thăm khám thì quá muộn”, BS Nguyễn Vĩnh Thống, Hội Chấn thương chỉnh hình TPHCM, chia sẻ.

        Đừng để già mới... lo

Theo Hội Chấn thương chỉnh hình TPHCM, thoái hóa sụn khớp thường có diễn tiến âm thầm theo thời gian ở lứa tuổi sau 40 mà không có dấu hiệu báo trước. Còn Th.S-BS Tăng Hà Nam Anh, chuyên Khoa xương khớp - chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết thoái hóa khớp là một quá trình bệnh lý diễn tiến theo thời gian cùng với sự lão hóa. Một số bệnh nhân thường có xu hướng chủ quan, lơ là không quan tâm. Số khác lại lo lắng quá mức và luôn đi tìm các loại thuốc với mong muốn làm cho tình trạng thoái hóa “biến mất” vĩnh viễn. Chính vì vậy đã có không ít trường hợp cứ “đau đâu tự chữa trị đó” khiến bệnh thêm trầm trọng và khó hồi phục khi điều trị bằng y học hiện đại. Tuy nhiên, nếu bỏ mặc bệnh tật thì quá trình thoái hóa khớp sẽ ngày một tăng tốc khiến cho bệnh trở nên nặng hơn. Theo các chuyên gia chấn thương chỉnh hình, đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn hoàn toàn tình trạng thoái hóa khớp mà chỉ có thể làm chậm lại quá trình này.

Cũng theo các chuyên gia xương khớp, việc chẩn đoán thoái hóa khớp không khó. Đồng thời mục tiêu của việc điều trị bệnh thoái hóa xương khớp là làm sao cho bệnh nhân không đau khi sinh hoạt hàng ngày. Và lý tưởng nhất là làm thế nào để khớp được phục hồi, đặc biệt là lớp mô sụn - thành phần quan trọng của khớp. Nhưng thực tế hầu hết người bệnh chưa ý thức phòng ngừa và tự điều trị khiến bệnh tình nặng thêm. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên chủ động thăm khám thường xuyên và bên cạnh điều trị y học, người bệnh thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt: hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh vận động quá mức mà không cho khớp nghỉ ngơi. Khi tuổi đã lớn, khớp đã đau, cần tránh các môn thể thao quá mạnh… Cùng với đó là chế độ ăn nhiều rau quả, đủ năng lượng (đạm, tinh bột…), vừa đủ chất béo giúp cung cấp dinh dưỡng cho sức khỏe của khớp xương. Người bệnh cần tránh ăn quá mặn, quá ngọt, tránh rượu bia và chất kích thích thần kinh, vì chất này gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục