

Nhà nghiên cứu Daan Hobbelen ở Đại học Công nghệ Delft (TU Delft – Hà Lan) vừa phát triển một robot biết đi như người có tên “Flame” (ảnh).
Đề tài này giúp Hobbelen nhận bằng tiến sĩ vào ngày 30-5 này. Công trình quan trọng ở chỗ giúp chúng ta hiểu rõ cách đi của con người, cải thiện việc chẩn đoán, tập luyện và dụng cụ phục hồi cho những người có khó khăn trong vận động đi.
“Robot biết đi” đã có mặt từ những năm 1970 và có thể chia thành 2 loại. Một loại là robot công nghiệp, trong đó hoạt động đi được thiết kế thành một chuỗi động tác cố định. Phương pháp này có thể đạt kết quả tốt nhưng hạn chế lớn về chi phí, tiêu thụ năng lượng và sự linh hoạt.
Loại thứ 2, mà TU Delft là nhà tiền phong, sáng tạo robot đi giống như ngã về trước. Phương pháp này đã thay thế lối đi cứng nhắc, thận trọng của robot bằng động tác đi như con người, sinh động hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.
Hobbelen là người đầu tiên chứng tỏ một robot có thể vừa tiết kiệm năng lượng vừa ổn định cao và bước đột phá là sáng tạo một phương pháp thích hợp để đo độ ổn định của vận động đi. Sau đó Hobbelen xây dựng robot Flame để xác minh lý thuyết.
Với 7 động cơ và 1 cơ quan cân bằng, Flame có thể điều chỉnh cách đi, như đặt 2 chân hơi xa hơn để không ngã, sau khi nhận thông tin từ cơ quan cân bằng. Flame là robot đi bộ tiên tiến nhất thế giới, ít nhất là trong lĩnh vực áp dụng cách đi của con người.
Trong vài năm tới, TU Delft dự định có bước tiến lớn trong nghiên cứu robot đi bộ, với những robot có thể học, thấy và chạy, đặc biệt nhất là robot... đá bóng.
Vào ngày 29-5, tại hội thảo “Đi bộ động lực học” quy tụ các chuyên gia cơ sinh, chuyên gia về robot và các nhà khoa học về vận động, TU Delft, cùng Đại học Twente, TU Eindhoven và Hãng Philips, sẽ giới thiệu đội RoboCup Hà Lan tham gia giải bóng đá Cup Robot 2008 ở Trung Quốc mùa hè này.
VÕ HÀ (theo Science Daily)