Robot và trí tuệ nhân tạo ngày càng thông dụng

Hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) lần thứ 5 với chủ đề “Robot và trí tuệ nhân tạo” vừa diễn ra đã thu hút được sự quan tâm tham gia, chia sẻ của các diễn giả trong và nước ngoài về những chủ đề, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Điều đáng ghi nhận là ở TPHCM hiện có nhiều đơn vị nghiên cứu, ứng dụng robot và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Mang đến Triển lãm “Ứng dụng Robotics và AI” (sự kiện bên lề của hội nghị thường niên), Công ty New Ocean (phường 4, quận Tân Bình) đã tạo ấn tượng với khách tham quan bằng giải pháp điều khiển tự động và machine vision (kiểm tra lỗi ngoại quan tự động) cho các nhà máy quốc tế tại Việt Nam, thông qua xử lý ảnh công nghiệp thu được từ các camera gắn trên dây chuyền. Giải pháp được cho là sẽ phổ biến trong thời gian tới khi các nhà máy, doanh nghiệp lớn đều đang thay đổi để ứng dụng mô hình tự động hóa. Trong khi đó,  Mitsubishi Electric cũng giới thiệu về e-F@ctory - một nhà máy của tương lai - gồm các robot cảm biến lực và cảm biến hình ảnh. Robot trang bị cảm biến lực cho phép hiện thực hóa các quy trình sản xuất phức tạp; đồng thời, liên tục thu thập lại kết quả để đo lường và cải tiến dây chuyền sản xuất. Còn robot trang bị cảm biến hình ảnh với camera quan sát giúp tiết kiệm thời gian lắp đặt robot vào dây chuyển sản xuất lớn. Đặc biêt, với hệ thống mạng lưới Internet tích hợp, e-F@ctory cho phép các nhà sản xuất có thể điều khiển, kiểm soát nhà máy từ xa thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay. 

Ở các lĩnh vực khác, robot và AI cũng hiện diện một cách rõ ràng. VietnamPost vừa công bố ứng dụng robot công nghệ EMIEW3 vào phục vụ hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp bưu chính này cho biết, robot có khả năng giao tiếp tiên tiến, tự tiếp cận với khách hàng. Với AI, robot có khả năng vượt trội trong hội thoại và trả lời một số câu hỏi của khách hàng về dịch vụ bưu điện. Bên cạnh đó, robot cũng có khả năng tránh va chạm với các vật thể chuyển động đột ngột. Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Bình Dân là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ robot trong phẫu thuật nội soi ở một số bệnh, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN), một nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Viện KH-CN tính toán (Sở KH-CN TPHCM) cũng đang thực hiện dự án thiết lập hệ thống theo dõi và dự đoán sức khỏe thông minh bằng ứng dụng học máy. Cụ thể, trên cơ sở nắm bắt có hệ thống các tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe của từng cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung, nghiên cứu này sẽ đưa ra cảnh báo và đề xuất về sức khỏe, bệnh lý chủ động cho cá nhân và cộng đồng.

Trước xu hướng công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu và làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là robot và AI. Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, ngay trong SHTP các doanh nghiệp đã bước đầu hợp tác với các nhà khoa học thực hiện nhiều dự án về tự động hóa quá trình sản xuất, trong đó có ứng dụng về robot. Ngoài ra, SHTP cũng đang triển khai chương trình hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để ứng dụng AI vào quá trình sản xuất công nghiệp. Trong đó, Trung tâm Đào tạo công nghệ Việt - Nhật đang thúc đẩy quá trình đầu tư, hoàn thiện và tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục