Rối rắm số nhà

Đổi số không lý do
Rối rắm số nhà

Câu chuyện rối rắm về số nhà tại TPHCM đã xảy ra từ hơn chục năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mọi thứ dường như… vẫn thế.

Một số nhà có 3 dấu / tại huyện Nhà Bè. Ảnh: Thành Trí

Đổi số không lý do

Hơn một tháng trước, chồng chị H.T.H.O. hớt hải gọi điện thoại về hỏi vợ “số nhà của mình là bao nhiêu vậy em?”. Nói chồng chờ một chút, chị chạy ra cổng xem lại biển số nhà rồi vội vã trả lời. Cười chua chát với chúng tôi, chị giải thích, gia đình chị tới ở đây từ năm 2000. Gần 16 năm qua, ngôi nhà của chị đã được đổi số tới 3 lần mà số nhà các lần sau lại dài, rắc rối hơn các số nhà trước đó. Đầu tiên, sau khi làm nhà xong, nhà của chị được mang số C21, Căn cứ 26B đường Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp. Chỉ sau vài năm, nhà của chị được đổi thành 2/1/7 Đường số 1, Căn cứ 26B, phường 7, quận Gò Vấp. Chưa kịp nhớ, nhà của chị lại phải đổi số mới là 29/2/9 Đường số 1, Căn cứ 26B, đường Lê Đức Thọ, phường 7, quận Gò Vấp.

Mới đầu, chị H.T.H.O. còn “chịu khó” nhớ các số nhà của mình và mỗi lần đi làm giấy tờ liên quan đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân… chị đều ghi rõ số cũ rồi số mới. Thế nhưng, sau đó, chị “bỏ” ghi số cũ, chỉ ghi số mới và ghi kèm số điện thoại liên lạc của mình để ai không rõ, có thể gọi điện thoại liên hệ với chị (!?). Để “chắc ăn” thư đến nhà không bị lạc, chị thường mượn địa chỉ nhà của một người thân “chưa bị đổi số nhà” làm nơi liên lạc. Mỗi khi cần gọi taxi, chị luôn lưu ý tổng đài, nên điều xe trong khu vực quận Gò Vấp, gần Căn cứ 26B để họ biết đường đến nhà của chị.

Những tưởng, câu chuyện “điên đầu” trên chỉ xảy ra ở các khu dân cư mới, song không phải vậy. Nghe câu chuyện của chị H.T.H.O., Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho hay, chính gia đình ông cũng là một “nạn nhân” của việc thay đổi số nhà. Ngôi nhà của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa nằm trong một hẻm nhỏ thông cả ra đường Võ Thị Sáu và đường Trần Quốc Thảo, quận 3. Khi gia đình ông về ở ngôi nhà này, ngôi nhà được đánh số như là một hẻm thuộc đường Võ Thị Sáu. Thế nhưng, sau đó không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương yêu cầu gia đình ông đổi số nhà sang đường Trần Quốc Thảo. Thay đổi số nhà đồng nghĩa với việc phải thay đổi lại thông tin về gia đình trên nhiều loại giấy tờ, rất phiền phức. Khi gia đình ông đến chất vấn chính quyền địa phương, đại diện Phòng quản lý đô thị trả lời, nếu gia đình ông không muốn đổi số thì cứ giữ số cũ. Kết quả, nhà Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa mang địa chỉ ở đường Võ Thị Sáu, còn các nhà gần đó mang địa chỉ ở đường Trần Quốc Thảo.

Giải quyết cách nào?

Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM cho biết, tình trạng số nhà lộn xộn ở một số khu vực trong nội thành TPHCM do việc “gom” nhiều tuyến đường lại thành một tuyến. Đơn cử như tuyến đường Trần Hưng Đạo hiện nay, vốn trước kia được chia thành nhiều tuyến đường nhỏ theo địa giới hành chính của các quận. Khi thống nhất các tuyến đường nhỏ thành một tuyến đường lớn, đáng lẽ phải đổi số nhà cho đúng nguyên tắc “từ số nhỏ đến số lớn theo hướng Đông sang hướng Tây, hướng Nam sang hướng Bắc”, thì chính quyền địa phương lại quên hoặc không chú trọng đến việc này. Còn ở khu vực mới phát triển, tình trạng số nhà lộn xộn xuất phát từ cách quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, từ đó người dân “thích” số nhà nào thì tự đánh số nhà đó, cho rằng số nào “xui” thì bỏ không nhận. Nhất trí với nhận xét của ông Hoàng Minh Trí, một lãnh đạo khác của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM - người đã trực tiếp tham gia góp ý công tác lập đồ án quy hoạch khu Căn cứ 26B, nơi chị H.T.H.O. ở nêu trên khẳng định, khu Căn cứ 26B được quy hoạch bài bản, nếu được đánh số nhà một cách khoa học ngay từ đầu thì đã không phải đổi số liên tục như hiện nay.

Nhìn ở góc độ khác, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, thành phố hiện chưa chỉ ra được hệ thống “xương sống - các trục đường chính” của khu vực, trên cơ sở phân tích các hướng đi, hướng gom, từ các trục đường chính rồi mới phân ra các nhánh đường nhỏ, sau cùng mới tới các hẻm. Cách làm này không những giúp cho việc đánh số nhà được hợp lý, không phải thay đổi liên tục, mà còn giúp cho việc tổ chức giao thông tốt hơn.

Ông Hoàng Minh Trí cho biết thêm, bây giờ điều chỉnh lại toàn bộ sẽ rất tốn kém cho kinh phí của Nhà nước và tiền bạc của người dân. Do vậy, cách hay nhất, rà soát lại toàn bộ công tác đánh số nhà. Nơi nào tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân, thì điều chỉnh lại theo các nguyên tắc về đánh số nhà như đã nói ở trên. Hay một chuyên gia khác trong ngành quy hoạch thì cho rằng, hiện nay một số thành phố trên thế giới có cách đánh số nhà theo khoảng cách từ ngôi nhà đến nút giao thông gần nhất. Vị trí đo khoảng cách là ngay “tim” của ngôi nhà đến “tim” của nút giao thông. Ưu điểm của cách đánh số nhà này là người dân có thể hình dung vị trí của ngôi nhà khi đi đến nút giao thông gần đấy. Như vậy, việc tìm nhà sẽ dễ dàng hơn.

Chọn cách xử lý các bất cập trong việc đánh số nhà như thế nào, thuộc trách nhiệm của ngành chức năng. Điều người dân mong mỏi, những rắc rối về số nhà sẽ sớm được khắc phục để không phải… “phát điên” với số nhà mình.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục