(SGGPO).- Chiều qua, 22-4, tại cuộc họp do Sở KH-CN Hà Nội chủ trì, Ban Chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm đã nghe báo cáo kết quả việc chăm sóc, chữa trị, thống nhất công bố về giống và tên loài cho rùa Hồ Gươm.
GS.TS Lê Trần Bình, nguyên viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học (Viện KH-CN Việt Nam), người chủ trì việc xét nghiệm ADN rùa Hồ Gươm cho biết, sau khi xét nghiệm AND, kết quả rùa Hồ Gươm là giống cái.
Kết quả so sánh gene cho thấy, cá thể rùa mai mềm đang sống ở Hồ Gươm giống một cách tuyệt đối với các mẫu cá thể tìm thấy ở Hưng Ký (bảo tàng Hà Nội), Quảng Phú (Thanh Hóa). Như vậy, đây là loài đã được biết đến và có vùng phân bố rộng, theo lưu vực ba con sông: sông Hồng, sông Mã, sông Đà.
GS. TS Lê Trần Bình cho biết thêm, năm 2003, ông đã công bố loài rùa Hưng Ký có tên khoa học là Rafetus Vietnamensis. Năm 2006, loài này đã chính thức được ngân hàng gene thế giới thừa nhận. Các nhà khoa học có mặt tại cuộc họp cũng đã nhất trí công nhận rùa Hồ Gươm là giống cái và đặt tên là Rùa Hồ Gươm, tên quốc tế là Rafetus Vietnamensis.
Về tiến trình chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, ông Nguyễn Huy Đăng (Chủ tịch Hội đồng chữa trị) cho biết, tình trạng sức khỏe của Rùa Hồ Gươm hiện đã tốt hơn so với khi bắt đầu chữa trị. Những vết thương trên mai, cổ, chân và diềm mai đều dần lành trở lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng kiến nghị, thời gian tới nắng nóng cần phải làm mái che, làm đài phun nước giữa bể để làm mát và cung cấp thêm oxy. Ngoài ra, sẽ đưa lồng cao 1,5m vào vận hành để chuyển rùa từ bể nuôi dưỡng ra hồ để rùa quen dần trở lại với môi trường tự nhiên. Tần xuất đưa rùa lên kiểm tra và bôi thuốc là 1 lần/tuần.
* Các số liệu chính thức về rùa Hồ Gươm được công bố gồm: kích thước chiều dài toàn thân là 185 cm (bao gồm chiều dài mai là125 cm; chiều dài cổ và đầu là 60cm); chiều rộng mai là 99 cm; chiều dài đuôi 35 cm. Cân nặng là 169kg. |
Trần BÌnh