Rủi ro khi loại đồng USD

Nhằm thực hiện chính sách thoát phụ thuộc đồng USD, Nga và Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy thanh toán bằng tiền tệ quốc gia lên 25% trong năm nay. Nếu so với mức thanh toán khiêm tốn là 2% vào 7 năm trước thì đây là một con số không nhỏ. Giới chức của hai nước đều cho rằng, quá trình chuyển đổi giao dịch thương mại sang đồng tiền quốc gia là rouble và nhân dân tệ thực sự là thách thức, nhưng hoàn toàn cần thiết trong điều kiện địa chính trị hiện nay.

Từ năm 2019, Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận liên chính phủ để chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong thương mại song phương. Vào thời điểm đó, Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý triển khai kế hoạch tăng giao dịch thương mại bằng đồng tiền quốc gia lên đến 50%. Hai quốc gia cũng công bố mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại lên 200 tỷ USD vào năm 2024.

Từ năm 2014, Nga và Trung Quốc đặt mục tiêu giảm bớt sức ảnh hưởng của đồng USD làm ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là thời điểm Nga và Trung Quốc bắt đầu mở rộng hợp tác kinh tế sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea. Quá trình loại bỏ đồng USD khỏi giao dịch thương mại của Nga và Trung Quốc bắt đầu tăng tốc sau khi chính phủ của Tổng thống Donald Trump áp thuế quan đến hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Động thái này cũng khẳng định việc Nga và Trung Quốc xem USD không chỉ là công cụ tài chính, mà còn là đòn bẩy ảnh hưởng của Mỹ trong thị trường tiền tệ thế giới. Nhận định về động thái mới nhất của hai nước, giới quan sát cho rằng, diễn biến này có thể dẫn đến việc thành lập liên minh tài chính Nga - Trung.

Tuy nhiên, hạ bệ đồng USD vốn không phải là mục tiêu dễ dàng. Bởi trong gần một thế kỷ qua, đồng USD đã đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quan trọng của thế giới. Hiện tại, tỷ lệ nắm giữ đồng USD trong dự trữ quốc tế chiếm khoảng 62%.

Theo chuyên gia kinh tế học Đại học Havard Jeffery Frankel, đồng USD có 3 lợi thế chính, là khả năng duy trì giá trị tốt nhờ ít mất giá và lạm phát thấp, quy mô khổng lồ của nền kinh tế Mỹ và việc Mỹ sở hữu thị trường tài chính mở, thanh khoản cao. Ngoài ra, các loại tài sản tính bằng đồng USD vẫn có tính thanh khoản và an toàn cao. Do đó, việc cắt giảm tỷ lệ tài sản này trong dự trữ ngoại hối vẫn được xem là quyết định có phần rủi ro.

Tin cùng chuyên mục