Rừng liên tục “biến mất” tại Bình Định: Chưa nghiêm thực hiện việc đóng cửa rừng!

Mới đây, liên tiếp 2 vụ phá rừng “động trời” đã xảy ra tại 2 huyện miền núi An Lão, Hoài Ân. Chỉ trong thời gian ngắn, trên 90ha rừng đã bị bóc trắng, còn trơ lại sỏi đá.

Từ khi UBND tỉnh Bình Định ban hành Chỉ thị 18 ngày 8-9-2014, thực trạng phá rừng 9 tháng đầu năm 2017 tại tỉnh đã giảm mạnh (trên 90%). Nhưng chưa kịp mừng, mới đây, liên tiếp 2 vụ phá rừng “động trời” đã xảy ra tại 2 huyện miền núi An Lão, Hoài Ân. Chỉ trong thời gian ngắn, trên 90ha rừng đã bị bóc trắng, còn trơ lại sỏi đá.

Rừng liên tiếp bị “công phá”

Theo báo cáo mới đây của UBND huyện An Lão (ngày 8-2-2017), từ năm 2011 đến cuối năm 2016, riêng địa bàn huyện này đã mất 2.837,7ha rừng tự nhiên; chưa tính gần 61ha rừng mới bị tàn phá tại xã An Hưng (tháng 9-2017). 

Cùng với đó, diện tích rừng trồng cây kinh tế tại huyện này cũng tăng mạnh lên 7.337ha: xã An Hòa là hơn 1.414ha, xã An Hưng tăng trên 1.325ha. Rừng xanh bị cạo trắng, thay thế vào đó là hàng ngàn hécta keo tràm lớn nhanh như thổi, rồi cũng nhanh chóng bị đốn hạ. Năm 2017, diện tích rừng tại huyện An Lão tiếp tục bị chặt phá thêm 67ha, trong đó có 61ha rừng tại xã An Hưng…

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bức xúc cho biết: “Cả một hệ thống chính trị của một địa phương để lâm tặc phá hoại 60,9ha rừng trong vòng mấy tháng mà không ai biết? Khi chủ tịch tỉnh lên làm việc với UBND huyện An Lão, các đồng chí còn “khoe” rằng, giữ rừng quá tốt! Còn với vụ 21ha rừng bị tàn phá mới đây tại xã Đắk Mang (Hoài Ân), UBND tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục điều tra và làm cho ra ai đã đứng đằng sau chủ mưu, xúi giục đồng bào phá rừng. Nếu có, phải tìm cho ra”.

Tuy vậy, ngày 9-10 vừa qua, tại buổi họp báo về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 3-2017, ông Hồ Quốc Dũng đã thừa nhận: “Chúng ta phải cố gắng giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chứ rất khó giải quyết triệt để vấn đề này…”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 170 kiểm lâm, quản lý cả hàng trăm ngàn hécta rừng, ban quản lý rừng phòng hộ có khoảng 120 người. So với quy định của Nhà nước cứ 1.000ha rừng có 1 biên chế, với diện tích rừng đang có, Bình Định vẫn còn thiếu 130 biên chế kiểm lâm; 80 biên chế của các ban quản lý rừng phòng hộ. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ khoán, chăm sóc bảo vệ rừng đến nay vẫn chưa nhận được từ ngân sách trung ương, tỉnh phải trích ngân sách để chi trả.

“Rất nhiều người dân được giao rừng, bảo vệ rừng, đã trả lại rừng vì không nhận được kinh phí. Vừa qua, người dân đồng loạt phản ánh, do quá bức xúc nên Sở NN-PTNT mới có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tạm ứng từ Sở Tài chính để chi trả”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết thêm.

Rừng liên tục “biến mất” tại Bình Định: Chưa nghiêm thực hiện việc đóng cửa rừng! ảnh 1 Hiện trường vụ tàn phá gần 61ha rừng ở xã An Hưng, huyện An Lão, Bình Định
Thắt chặt doanh nghiệp bên rừng

Mới đây, Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố, bắt giam ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, chủ mưu, cầm đầu vụ phá gần 61ha rừng ở xã An Hưng. Quá trình điều tra cho thấy, ông Thiệt đã đứng ra thuê nhân công sử dụng máy móc, phương tiện cơ giới mở đường lớn vào rừng để phá, đốt lấy gỗ và phát lộ đất trồng rừng kinh tế. Được biết, doanh nghiệp này sở hữu rất nhiều diện tích rừng tại huyện An Lão và Hoài Nhơn. Thời vàng son, ông Thiệt được mệnh danh là “vua rừng”.

Cũng theo một lãnh đạo UBND huyện An Lão, diện tích rừng của huyện này sau khi bị “chuyển hóa” từ rừng giàu sang nương rẫy đều thuộc sở hữu các doanh nghiệp. Theo điều tra riêng của phóng viên Báo SGGP, các doanh nghiệp lợi dụng, xúi giục người dân phá rừng; sau đó lấy đất cho họ trồng rừng để bán cho doanh nghiệp. Cứ như thế, rừng già dần biến thành “rẫy sau” của các doanh nghiệp bên rừng.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Những kẻ chủ mưu, cầm đầu việc chặt phá rừng hết sức tinh vi, tìm mọi cách để đối phó nên quá trình đấu tranh làm rõ rất khó khăn. Tôi đã từng nói với đồng chí giám đốc công an tỉnh và phó giám đốc công an phụ trách điều tra rằng, lần này, nếu không tìm cho ra kẻ chủ mưu và những người đứng sau vụ phá rừng này, coi như chúng ta thất bại”.

Ông Dũng cho hay, giải pháp trước mắt là sẽ kiểm tra, siết chặt quản lý tất cả những nhà máy chế biến dăm gỗ mà tỉnh lâu nay đã bỏ lọt, để các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng chủ yếu dùng để trồng keo, không bán được cho ai. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép.

Phó hạt kiểm lâm An Lão báo sai điểm phá rừng

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay, sau khi người dân báo tin cho Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn về việc phá rừng ở khu vực Đất Hoành (tiểu khu 1, xã An Hưng), kiểm lâm địa bàn đã báo cáo cho ông Đinh Văn Hòa, Phó Hạt Kiểm lâm An Lão (lúc này được ủy quyền vì hạt trưởng đi học - phóng viên). Tuy nhiên, ông Hòa lại báo cáo sai địa điểm, cho biết vụ phá rừng tại tiểu khu 7 thay vì tiểu khu 1, khiến tổ tìm kiếm bị lạc hướng, mất rất nhiều ngày mới tìm được vùng rừng bị tàn phá, do đó không bắt được đối tượng phá rừng. Khi được hỏi vì sao có việc cung cấp thông tin sai lệch như trên, ông Hòa cho biết: “Do không nghe rõ”!?

Tin cùng chuyên mục