Dự thảo Nghị định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước (sẽ được ban hành để triển khai thực hiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Luật số 68/2025/QH15), đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Nghị định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-8-2025; thay thế Nghị định số 44/2025/NĐ-CP ngày 28-2-2025.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo nghị định mới chỉ tập trung quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp hơn so với hiện hành. Dự thảo cũng không còn quy định về quỹ tiền lương chung của doanh nghiệp.
Cơ sở xác định tiền lương, theo dự thảo, gắn với lợi nhuận thực tế thực hiện của doanh nghiệp (bỏ quy định gắn với chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn). Khung tiền lương tối đa được quy định chi tiết hơn và có mức trần cao hơn cho các doanh nghiệp lớn, làm ăn đạt hiệu quả cao.
Đơn cử, nếu lợi nhuận thực hiện cao hơn từ 2 lần so với lợi nhuận tối thiểu (theo quy định tại phụ lục ban hành kèm): mức tiền lương tối đa bằng 2,5 lần mức lương cơ bản (Chủ tịch cao nhất có thể đạt 200 triệu đồng/tháng). Nếu lợi nhuận thực hiện cao hơn từ 3 lần so với lợi nhuận tối thiểu: mức tiền lương tối đa bằng 3 lần mức lương cơ bản (Chủ tịch cao nhất có thể đạt 240 triệu đồng/tháng).
Nếu lợi nhuận thực hiện cao hơn từ 5 lần trở lên so với lợi nhuận tối thiểu: mức tiền lương tối đa bằng 4 lần mức lương cơ bản (chủ tịch cao nhất có thể đạt 320 triệu đồng/tháng).
Việc quy định mức lương tối đa lên đến 4 lần mức lương cơ bản (320 triệu đồng/tháng) được coi là phù hợp với thực tế đang áp dụng của một số doanh nghiệp nhà nước lớn trong lĩnh vực ngân hàng, nơi một số chủ tịch đã đạt mức lương 300 triệu đồng/tháng.