Rừng Tây Nguyên tăng hay giảm? - Bài 1: Mất rừng tự nhiên, tăng rừng trồng

LTS: Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh hàng loạt vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, con số thống kê của một số địa phương và chung cả khu vực thì diện tích rừng vẫn tăng. Nhóm phóng viên Báo SGGP đã đi tìm lời giải cho câu hỏi này.
Rừng ở Đắk Nông liên tục bị chặt phá. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Rừng ở Đắk Nông liên tục bị chặt phá. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Con số thống kê diện tích rừng của một số địa phương ở Tây Nguyên khá “đẹp”, nhưng trên thực tế, hàng ngàn hécta rừng tự nhiên chỉ còn trên giấy. Nhiều chủ rừng cố tình “ém” diện tích rừng tự nhiên bị mất để né tránh trách nhiệm hoặc trục lợi từ các chương trình chi trả dịch vụ rừng. 

“Ém” diện tích rừng tự nhiên bị mất 

 Nhiều năm qua, những cánh rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã “ngã xuống” bởi bàn tay của con người. Nhiều nơi, “rừng trên giấy” nhiều hơn rừng thực tế. Huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) từng biết đến là huyện biên giới có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk, nhưng giờ đây khi đến địa bàn này rất khó để tìm được một khoảnh rừng tự nhiên nào không bị xâm hại. Có mặt ở những khu vực từng có những cánh rừng lớn như xã Cư M’lan, xã Ea Bung, Ia Rvê, chúng tôi giật mình khi trước mắt là ngút ngàn những rẫy cây nông nghiệp như cao su, điều… Dấu vết rừng còn lại chỉ là những gốc cây cổ thụ cháy đen nằm chỏng chơ, lác đác trong nương rẫy của người dân. Những cành nhánh cây rừng bị chặt, đốt bỏ giờ đã hóa thành than.

Ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Giai đoạn năm 2009-2019, rừng tự nhiên ở huyện Ea Súp giảm gần một nửa, từ hơn 130.000ha xuống còn gần 75.000ha. Tuy nhiên, số liệu báo cáo diện tích rừng trên địa bàn huyện còn khoảng hơn 75.000ha nhưng thực tế ít hơn”. Cũng chung tình trạng “rừng trên giấy”, tại tỉnh Đắk Nông, ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), thừa nhận, trên giấy tờ, rừng của đơn vị còn khoảng 3.000ha, nhưng thực tế diện tích rừng còn lại ít hơn nhiều. Cả ông Hoàng và ông Trọng đều cho biết, rừng đã bị mất từ nhiều năm trước nhưng chủ rừng đã không cập nhật, “ém đi” dẫn đến không đúng số liệu như báo cáo. 

Không những vậy, nhiều chủ rừng khai báo không trung thực diện tích rừng bị mất nhằm trục lợi tiền dịch vụ môi trường rừng. Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã phát hiện hàng loạt đơn vị chủ rừng khai khống diện tích rừng để trục lợi hàng tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2014-2016, các đơn vị chủ rừng gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’Tao, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Măng (đã giải thể), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và Công ty CP tập đoàn giấy Tân Mai (giai đoạn 2014-2015) kê khai tăng diện tích tổng cộng lên đến hơn 10.310ha. Việc kê khai khống này đã làm tăng số tiền dịch vụ môi trường rừng được trả tăng tương ứng hơn 2,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn phát hiện 7 đơn vị, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng đã kê khai không đúng (kê khai chồng chéo hoặc không kê khai diện tích bị thu hồi) làm tăng hơn 2.375ha rừng, qua đó làm tăng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 800 triệu đồng. 

Cũng tại Đắk Nông, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2019 là gần 247.000ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên còn khoảng 199.000ha, diện tích rừng trồng chiếm khoảng hơn 18.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,94%. Diện tích rừng tại tỉnh Đắk Nông năm 2019 so với năm 2018 giảm hơn 8.000ha và chủ yếu là rừng tự nhiên.

Nguyên nhân rừng bị giảm là do từ những năm 2017 trở về trước, các đơn vị chủ rừng không báo cáo, không cập nhật diễn biến rừng, dẫn đến năm 2019 cập nhật lũy kế diện tích biến động từ trước. Đối với việc rừng bị giảm, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến việc để rừng bị phá, không phát hiện, không lập hồ sơ xử lý, không cập nhật diễn biến rừng kịp thời. 

Tại Gia Lai, rừng tự nhiên được giao cho các chủ rừng quản lý nhiều năm nay cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến tháng 11-2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã thanh tra tại 17 đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng và phát hiện diện tích đất có rừng bị mất, lấn chiếm là hơn 5.500ha. Rất nhiều diện tích trong số này là rừng tự nhiên. Đơn cử như Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur để mất 545ha rừng tự nhiên. Tại một số nơi, diện tích rừng tự nhiên bị mất được lập biên bản rất ít so với thực tế mất rừng. Cụ thể như, Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, qua thanh tra phát hiện diện tích rừng bị mất, lấn chiếm là hơn 115ha nhưng ban chỉ mới lập biên bản và báo cáo với Chi cục Kiểm lâm Gia Lai diện tích rừng bị mất là hơn 63ha. 

Nỗ lực trồng rừng 

Khi diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng, việc trồng mới rừng được xem là phương cách nhanh nhất để nâng cao độ che phủ rừng, bởi rừng trồng lớn nhanh và nhanh được công nhận thành rừng hơn là việc khoanh nuôi, tái sinh rừng. 

Theo ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (đóng tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), trong 3 năm qua, đơn vị đã trồng được khoảng 130ha rừng, chủ yếu là cây keo. Theo quy định, để công nhận là rừng thì điều kiện bắt buộc phải trồng trên đất lâm nghiệp, sau đó đảm bảo các tiêu chí về độ che phủ, mật độ… Trong thời gian chăm sóc, diện tích trồng đó sẽ chưa được công nhận là rừng. Khi cây trồng lớn, ngành chức năng sẽ nghiệm thu, thẩm định, nếu đảm bảo các điều kiện thì sẽ công nhận thành rừng và cộng thêm vào diện tích rừng mới, đồng thời đưa vào theo dõi diễn biến rừng. Nếu rừng trồng sản xuất đó đến chu kỳ thu hoạch thì ngành chức năng sẽ cập nhập giảm diện tích rừng do khai thác. Trong số 130ha rừng trồng nói trên, đến nay vẫn chưa được công nhận thành rừng.

Ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cho biết, nhiều năm qua, trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao độ che phủ rừng, bao gồm nuôi dưỡng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng mới rừng trên đất lâm nghiệp. Trong đó, trồng rừng là biện pháp chủ lực. Việc trồng rừng triển khai từ lâu do các ban quản lý rừng thực hiện theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao từ nhiều nguồn vốn khác nhau như dịch vụ môi trường rừng, ngân sách, trồng rừng thay thế. Riêng triển khai trồng rừng theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ (quyết định về ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp) thì áp dụng từ năm 2018. Quyết định này sẽ hỗ trợ cho người dân trồng rừng, chuyển đổi mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp. Trong năm 2018, 2019, diện tích rừng do người dân trồng được theo Quyết định 38 là 86,69ha. Cây trồng rừng chủ yếu là keo. Trong khi đó, tính chung trên địa bàn Gia Lai, diện tích trồng rừng giai đoạn từ 2015-2020 là khoảng 26.745ha.

Còn theo ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, chỉ riêng năm 2018 và năm 2019, rừng tự nhiên ở tỉnh Đắk Lắk mất khoảng 11.250ha thì diện tích rừng trồng lại tăng hơn 12.540ha. Độ che phủ rừng đạt 38,6%. Cây trồng rừng chủ yếu là keo và bạch đàn nên vẫn chưa đảm bảo các yếu tố đa dạng sinh học như rừng tự nhiên. Cũng theo ông Việt, hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã quy hoạch khoanh nuôi bảo vệ 200ha để phát triển lại rừng tự nhiên, nhưng để công nhận diện tích trên là rừng thì cần thời gian dài.

Theo Bộ NN-PTNT, đến tháng 6-2020, khu vực Tây Nguyên có hơn 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp (số liệu hiện trạng rừng năm 2019), trong đó, diện tích có rừng là hơn 2,5 triệu ha, chiếm khoảng 17,5%, là khu vực có diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước, có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng. Năm 2019, diện tích rừng trồng tăng 18.000ha so với năm 2018, còn diện tích rừng tự nhiên giảm hơn 15.700ha. Song song với sự suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực cũng bị suy thoái, đặc biệt đối với rừng tự nhiên. 

Tin cùng chuyên mục