Rượu cần “thác đổ”

Rượu cần “thác đổ”

Ai đến Đắc Lắc mà chẳng uống rượu cần, chẳng tắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng? Nhưng cái đêm trăng ở buôn Kon H‘Ring và đêm uống rượu cần “thác đổ” với đội cồng chiêng buôn Cọ Xia đặc biệt ghi đậm trong tâm trí tôi...

Chúng tôi về Kon H’Ring, xã Ea H’Ding, huyện Chư M’Gar vừa lúc chiều buông xuống. Trên những con đường đất đỏ rộng rãi ngang dọc, rộng như lộ liên tỉnh, xe bò và cả xe công nông chất đầy những bao thóc vừa gặt đập xong thong thả về nhà. Thỉnh thoảng cũng có vài phụ nữ trong trang phục dân tộc gùi lúa bắp. Nét mặt mọi người như giãn ra sau một ngày lao động.

Tôi vào một ngôi nhà vách ván cũ, sàn gỗ đã lên nước bóng loáng. Người đầu tiên tôi gặp là một cô gái chừng hơn 30 tuổi, đang tắm cho cháu bé ở giếng nước sau nhà. Cô tươi cười đón tiếp chúng tôi như người quen mới gặp lại. Cô tên Ther, nói tiếng phổ thông rất sõi. Anh cô cũng vừa lái chiếc công nông chở các bao thóc về nhà. Buôn trưởng thấy có khách đến buôn cũng vui vẻ tới gặp.

Bên ngoài, trăng bắt đầu lên, tỏa sáng khắp sân nhà Ther. Nhờ có… cúp điện mà trăng đối với chúng tôi càng thêm đẹp, thêm quý. Hôm nay mười sáu, trăng Tây Nguyên tròn và sáng lung linh, rực rỡ. Góc sân phơi đầy hạt tiêu ban chiều được dọn sạch sẽ. Đám trẻ con nghe nói có múa hát đã tụ tập đến đông đúc từ lúc nào, chạy nhảy, chơi trò cút bắt… Người lớn, cả người già cũng đến rất đông, nói chuyện râm ran, chờ đội múa đang son phấn hóa trang và đội cồng chiêng tụ tập đầy đủ. Tôi nghĩ Ther nói đúng: Bà con trong buôn thích sinh hoạt văn hóa, không có chúng tôi chắc bà con cũng vui chơi, nhất là trong một đêm trăng sáng như vầy…

Đội múa đã hóa trang xong, ra đứng thành hàng trước sân. Toàn các cô gái tuổi đôi mươi vừa đi làm về, mỗi cô đều vận trang phục màu sắc dân tộc: áo ngắn tay, váy quấn ngang hông, băng-đô trên trán, cổ đeo vòng hạt hoặc dây chuyền… Có điều áo váy và băng-đô mỗi cô một màu, cô váy đỏ, váy đen, cô váy tím. váy nâu, cô váy xanh lá cây, xanh lam màu rừng núi… chạy những hoa văn ngang thật đẹp mắt.

Đội cồng chiêng đã tập hợp đầy đủ, phần lớn là các ông có tuổi, tay nghề thuần thục, với những chiếc áo khoác màu trắng chạy những hoa văn chìm, thanh nhã. Tiếng chiêng cồng bắt đầu nổi lên, âm âm vang xa như tiếng rừng, tiếng suối, bay bổng dưới ánh trăng thanh. Đội múa cũng chuyển động thành vòng tròn, màu sắc, hoa văn chấp chới bay như những cánh bướm giữa rừng. Chúng tôi cũng theo nhịp cồng, cầm tay các cô gái cùng múa, càng múa càng dẻo càng say. Ché rượu cần mang ra đặt giữa vòng múa. Buôn trưởng mời tôi cùng uống lượt đầu. Rượu ngọt ngào, men rượu bốc lên say say...

Trong mấy ngày đi các nơi ở Đắc Lắc, chúng tôi đều được uống rượu cần và thưởng thức văn hóa cồng chiêng. Hôm ở Buôn Đôn, sau khi đi dạo khắp chiếc cầu treo tre nứa ghép, rất nổi tiếng với khách nước ngoài, nhiều đoạn quanh co, đung đưa lắt lẻo, luồn lách qua những bộ rễ của hàng cây si mọc dài dọc sông Sê-rê-pốc, chúng tôi dừng lại ăn trưa trên một chiếc “chiếu nghỉ”. Đây là một sàn gỗ rộng chừng vài ba chục mét vuông cất ven sông, dưới tán si mà rễ phụ rũ lòng thòng. Cũng có nhà vệ sinh, cũng có phòng nghỉ là một cái chòi cất trong cành si, có thang gỗ dẫn lên, xa trông như một cái tổ chim thơ mộng. Nhà hàng ở đâu đó trên đất liền, thức ăn được các cô gái bán hàng người dân tộc trong những chiếc váy áo hoa văn độc đáo gùi qua cầu treo đưa tới. Ché rượu cần mang ra, đổ thêm nước “suối”… Ai cũng phải nhận là rượu ngon, ngọt, hợp với khẩu vị của nhiều loại du khách.

Cũng lại nhớ hôm chúng tôi uống rượu cần bên Hồ Lắc, xem đội cồng chiêng của buôn Kon Jiun biểu diễn. Đội có người dẫn chương trình là một phụ nữ ngoài 40 tuổi nhưng vẫn đầy nét xinh đẹp, mỗi khi cô giới thiệu tiết mục mới, mắt cô rực sáng và miệng mỉm cười như gửi gắm lòng mình cùng khách. Có người rỉ tai tôi: Cô ấy nói tiếng Pháp giỏi lắm. Tôi hỏi chuyện cô. Quả thật cô nói tiếng Pháp rất lưu loát, phát âm thật hay. Mọi người trong đoàn giục tôi hát một bài tiếng Pháp tặng cô. Được men rượu cần và tiếng vỗ tay thúc giục, tôi hát bài Tout l’amour que j’ai pour toi (nhạc Beethoven), dịch gọn ra tiếng Mơ Nông của cô mà tôi vừa học được là Adei khăp k’ayong (Anh yêu em): Anh muốn kêu lên/Nhân danh Chúa/Rằng không gì có thể/Chia lìa đôi ta…

Cũng nhớ lại đêm uống rượu cần xem đội cồng chiêng buôn Cọ Xia trình diễn. Bữa rượu cũng thật độc đáo với cách uống rượu cần “thác đổ” dành cho khách quý: mấy cô gái mặc váy áo dân tộc đứng bên nhau, thay vì châm “nước suối” bằng tô hay bằng gáo, các cô cầm những quả bầu xẻ đôi xếp nối lòng máng (kiểu bầu Tây Nguyên hình số 8) tiếp nước từ cao xuống thấp như các bậc thác đổ. Mấy hôm rồi, chúng tôi đã đến thăm những ngọn thác nổi tiếng của tỉnh như Thác Khói (Dray Sáp), thác Trinh Nữ, cả thác Dray H’Ling có nhà máy thủy điện, khi mặt trời chiếu qua, dòng thác đổ hiện lên bảy sắc cầu vồng. Tôi có cảm giác uống “rượu cần thác đổ” như uống những dòng thác Tây Nguyên. 

Còn đêm nay, trở lại đêm trăng ở Kon H’Ring, với tiếng cồng, tiếng chiêng, với những điệu múa, những váy áo hoa văn rực rỡ và độc đáo bay lượn xung quanh, tôi có cảm giác như mình đang uống cả ánh trăng Tây Nguyên tan trong ché rượu…

Trần Thanh Giao

Tin cùng chuyên mục