Rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn

Hội đồng nhân dân TPHCM vừa phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức buổi đối thoại cùng chính quyền TPHCM, với chủ đề “Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp”, nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị TPHCM giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 10/2017 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM.
Nông dân ở nhiều huyện ngoại thành TPHCM chuyển qua trồng hoa kiểng, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Ảnh: Minh Hiếu
Nông dân ở nhiều huyện ngoại thành TPHCM chuyển qua trồng hoa kiểng, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Ảnh: Minh Hiếu

1 đồng vốn ngân sách thu hút 20 đồng vốn xã hội 

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM (vừa được UBND TP điều động, bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - PV), đánh giá chính sách hỗ trợ lãi vay trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được triển khai từ năm 2006 đến nay, là đòn bẩy quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn của nông dân, doanh nghiệp (DN) trong đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Theo đó, đầu tư sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được TP hỗ trợ từ 60%-80% lãi suất khi vay vốn ngân hàng; riêng đầu tư NNCNC, sản xuất giống cây con chất lượng cao được hỗ trợ 100% lãi suất, từ đó góp phần tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân ngoại thành. 

Từ năm 2010 đến nay, tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay theo các quyết định (số 36, số 13, số 04 và số 655) của UBND TPHCM cho thấy 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (668.605 triệu đồng), huy động được 20 đồng vốn xã hội (13.438.112 triệu đồng); trong đó, từ tổ chức tín dụng là 12 đồng (8.154.733 triệu đồng), từ trong dân là 8 đồng (5.283.379 triệu đồng).

Thời gian tới, Sở NN-PTNT TPHCM phối hợp với sở ngành, địa phương (còn sản xuất nông nghiệp) bổ sung chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, ưu tiên nâng mức hỗ trợ đối với hộ nông dân là thành viên THT, HTX và DN có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao của TP. 

Góp phần giải quyết việc làm cho hơn 60.600 lao động, tạo nguồn lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch đúng hướng, diện tích đất nông nghiệp tuy giảm khoảng 900ha/năm, nhưng năng suất sản phẩm vẫn tiếp tục tăng; số hộ nông - lâm - ngư nghiệp bình quân giảm 6,3%/năm, nhưng nhờ ứng dụng NNCNC, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp TP. Rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn (năm 2019 là 72,5% so với 55,5% năm 2008). 

Theo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, đa số tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và người dân đánh giá cao chính sách hỗ trợ lãi vay. Nhưng theo ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, chúng ta cũng cần mạnh dạn nhìn nhận lại những vướng mắc và các giải pháp trong thời gian tới để chương trình thật sự là đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị TP.

Đó là, nhiều mô hình, THT, HTX còn tương đối nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp, nhất là NNCNC, sơ chế. Việc tiếp cận vốn vay còn khó khăn do không có tài sản thế chấp hoặc việc thế chấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp giá trị rất thấp, không đủ vốn đầu tư; thời gian hỗ trợ lãi vay cho vòng đời sản xuất ngắn, không kịp tái vụ; việc xây dựng các công trình phụ trợ, nhà bạt, nhà lưới trên đất nông nghiệp gặp khó khăn; từ ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đến các phương án sản xuất cho nông dân chưa kịp thời; việc ứng dụng phần mềm quản lý đồng bộ các nguồn vốn vay, hỗ trợ lãi vay để quản lý khâu xét duyệt hồ sơ vay nhanh, chính xác cũng chưa kịp thời; việc hỗ trợ hộ nông dân xây dựng các phương án sản xuất cần quan tâm và kịp thời hơn. 

Đơn giản hóa chính sách tiếp cận nguồn tín dụng

Đồng quan điểm này, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho rằng một số hộ dân, DN, THT, HTX chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi vay do hoạt động HTX quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, trình độ cán bộ chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh hạn chế… Vấn đề tập trung ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa hiệu quả, chưa đủ sức thuyết phục các tổ chức tín dụng đầu tư vốn. Đa số HTX nông nghiệp khả năng tự lực vốn thấp, trong khi tiếp cận nguồn tín dụng rất hạn chế do không có tài sản đảm bảo hoặc quyền sở hữu tài sản trên đất chưa đảm bảo tính pháp lý. Nhiều đơn vị chưa có khả năng xây dựng phương án khả thi, dẫn tới việc không đưa được phương án sử dụng vốn hiệu quả. 

HĐND TPHCM đề nghị chính sách cần đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi hơn để các THT, HTX, nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn; thời gian hỗ trợ lãi vay theo chu kỳ cây, con; tạo điều kiện cho THT, HTX, người dân xây dựng công trình phụ trợ, nhà bạt, nhà lưới trên đất nông nghiệp phục vụ việc sản xuất; quan tâm chuyển giao các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và các phương án sản xuất, nuôi trồng kịp thời cho nông dân; quan tâm đến các dự án vùng chế biến, sản xuất… 

Tin cùng chuyên mục