Đây là đánh giá trong báo cáo mang tên The World Atlas of Illicit Flows (tạm dịch Các luồng tiền bất hợp pháp trên thế giới) của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cùng 2 tổ chức phi chính phủ là Trung tâm phân tích rủi ro toàn cầu Na Uy (Rhipto) và Sáng kiến toàn cầu chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (GITOC) phối hợp thực hiện. Theo đó, “tội hình sự môi trường” - khái niệm tội phạm mới - với các hoạt động khai thác trái phép dầu, quặng, vàng... chiếm 38% luồng tiền bất hợp pháp; buôn bán ma túy là 28%; các khoản thuế phi pháp, cướp bóc là 26%; bắt cóc đòi tiền chuộc là 3%... Có hơn 1.000 tuyến đường phục vụ cho các hoạt động buôn lậu tài nguyên.
Thống kê cho hay 96% số tiền phi pháp chảy vào túi của các nhóm tội phạm có tổ chức, các nhóm nổi dậy và quân khủng bố. Năm 2017, khoảng 40.000 thành viên của Taliban được nhận khoản tiền từ 75-95 triệu USD/tháng từ nguồn thuế phi pháp từ hoạt động buôn bán thuốc phiện, sản phẩm nông nghiệp. Giữa năm 2017, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiếm được khoảng 10 triệu USD/tháng. Nhóm Al-Shabaab có khoảng 20 triệu USD/tháng và một nửa trong số đó đến từ buôn bán than củi trái phép... Ước tính, số tiền phi pháp mà 7 nhóm cực đoan, nổi dậy và khủng bố lớn trên thế giới kiếm được trong 1 năm vào khoảng 1-1,39 tỷ USD.
Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock cảnh báo lượng tiền phi pháp đến từ khai thác tài nguyên thiên nhiên là vấn đề báo động, các mạng lưới tội phạm đang làm xói mòn quy định của pháp luật. Tính nguy cấp mà Tổng thư ký Interopol đề cập có thể được minh chứng bằng những nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ). Từ năm 2000-2017, HĐBA LHQ ra 1.113 nghị quyết, trong đó 35% đề cập đến các hình thức tội phạm. 5 năm gần đây, hơn 60% nghị quyết của HĐBA LHQ đưa ra mỗi năm đều liên quan đến các luồng tiền và thị trường phi pháp. Giám đốc GITOC Mark Shaw nhấn mạnh tội phạm gia tăng đang phá hoại hòa bình, an ninh và phát triển. Nó đã trở thành hiện tượng toàn cầu, “góp sức” vào các cuộc xung đột từ châu Phi, đến Trung Đông và châu Phi và có mối liên hệ rõ ràng với chủ nghĩa khủng bố.
Vậy phải làm gì để chống lại hiện tượng toàn cầu này?
Người đứng đầu Rhipto Christian Nellemann nhấn mạnh đến việc các tổ chức tội phạm, trong đó không ít nhóm có quan hệ mật thiết với giới tinh hoa chính trị, được hưởng lợi từ các cuộc xung đột kéo dài bởi đó là môi trường tốt để các nhóm tội phạm đảm bảo được sự kiểm soát đối với tài nguyên thiên nhiên và các tuyến đường thương mại bất hợp pháp. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà sự quản lý của nhà nước lỏng lẻo, bất ổn thì đấy là những mảnh đất màu mỡ cho các băng đảng, nhóm khủng bố làm ăn. Vì vậy, theo ông Nellemann, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để loại bỏ đất sống cho tội phạm. Còn theo ông Shaw, các quốc gia cần phải tăng cường hành động, chia sẻ thông tin, phân tích để ngăn chặn, phá vỡ các nhóm vũ trang bạo lực cũng như các tổ chức tội phạm. Chỉ như vậy mới có thể chặn đứng được những kẻ rút ruột thiên nhiên.