Sabeco có thật sự hấp dẫn?

Sabeco có thật sự hấp dẫn?

 Phiên giao dịch ngày mai (6-12), hơn 641 triệu CP của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ chính thức được niêm yết trên HOSE với mã SAB. Mức giá tham chiếu 110.000 đồng/CP và sức nóng từ nhóm CP bia, SAB được dự báo sẽ “cháy hàng” ngay phiên chào sàn. Thế nhưng, với tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại, liệu SAB có đáp ứng được sự mong đợi của NĐT? 

Thị trường tiềm năng
 
SAB là doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất và kinh doanh bia rượu lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại với dòng sản phẩm chủ lực là các loại bia mang thương hiệu Saigon Special, 333 Export, Saigon Export, Saigon Lager Export. Tổng công suất thiết kế của hệ thống 24 nhà máy hiện tại của Sabeco hơn 1,8 tỷ lít bia.

Dây chuyền sản xuất của Sabeco. Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, SAB mới chỉ khai thác khoảng 83% công suất thiết kế. Sản lượng sản xuất hàng năm của SAB trong giai đoạn 2010-2015 bình quân tăng 5% mỗi năm. Do đó, với hệ thống nhà máy và nhu cầu tiêu thụ hiện tại và trong các năm sắp tới, phải đến năm 2020 SAB mới khai thác hết 100% công suất của nhà máy. SAB cũng đang tiến hành đầu tư thêm một số nhà máy mới để tăng công suất lên trên 2 tỷ lít bia mỗi năm.
Việc SAB đẩy mạnh mở rộng sản xuất nhằm đón đầu cơ hội đối với lĩnh vực được cho là hấp dẫn nhất hiện nay. Theo thống kê , nếu xét riêng khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 3 về mức tiêu thụ bia trong năm 2014 sau Trung Quốc và Nhật Bản. Mức tiêu thụ bình quân đầu người là 40 lít/năm, tương đương 121 chai bia 330ml và cao nhất khu vực ASEAN, bỏ xa quốc gia xếp sau là Thái Lan.

Xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều thứ 11 thế giới, nhưng xét về mức tiêu thụ bình quân đầu người, Việt Nam chỉ nằm trong top 60. Nhóm quốc gia có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất thế giới chủ yếu tập trung ở khu vực châu Âu và châu Mỹ do tập quán thói quen tiêu dùng và thể trạng sức khỏe phù hợp. Đặc biệt, giá mua một chai bia 660ml tại Việt Nam đang rẻ nhất thế giới (khoảng 0,76USD/chai) cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến mức tiêu thụ bia tại Việt Nam luôn tăng trưởng tốt trong các năm gần đây.

Vẫn có rủi ro

Thống kê sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy, nhóm sản phẩm bia vẫn luôn giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu doanh thu của SAB, gần đạt mức 1,5 tỷ lít bia vào năm 2016 (tăng trưởng bình quân 4,96%/năm), tương ứng với hơn 64 triệu lít bia bán thêm mỗi năm. Ngược lại, các nhóm sản phẩm khác như nước giải khát, rượu và các loại đồ uống có cồn khác liên tục ghi nhận sự sụt giảm trong suốt 5 năm qua, cho thấy đây không phải là các mảng thế mạnh của SAB.

Thực tế, chất lượng tăng trưởng doanh thu của ngành bia nói chung và của SAB nói riêng khá thấp và không ổn định. Trong bảng phân tích mới nhất vừa được CTCK FPT (FPTS) công bố, đã chỉ rõ những điểm yếu SAB đang đối mặt chứ không hoàn toàn là màu hồng như các CTCK công bố trước đó. Theo FPTS, sản phẩm của SAB không có sự khác biệt nhiều về chất lượng so với các sản phẩm cạnh tranh khác. Trong khi đó, hình thức cạnh tranh chủ yếu bằng giá bán, quảng cáo và độ phủ sản phẩm.

Loại hình cạnh tranh này sẽ đối mặt với sự trả đũa của các đối thủ cạnh tranh bằng chính sách giá thấp, thậm chí chấp nhận lỗ vốn giai đoạn đầu để thâm nhập thị trường và tăng mức chiết khấu cho đại lý. Điểm đáng chú ý nữa là SAB cạnh tranh tốt trong nước, nhưng không thể so với các tập đoàn lớn trên thế giới với nguồn ngân sách dồi dào cho quảng cáo cùng kinh nghiệm đa dạng tại nhiều thị trường tương tự Việt Nam. 

Hiện tại, SAB đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt bởi sự gia nhập thị trường của nhiều đối thủ cạnh tranh lớn với nguồn lực tài chính mạnh như Sapporo, Thai Beverage và Singha Beer, Asia Pacific Breweries (quản lý các nhãn hàng nổi tiếng như Tiger, Heineken, Guiness), SABMiller, Asahi Breweries, Kirin Brewery… Điều này càng làm phân mảnh thị trường và suy giảm thị phần của các DN nội địa thông qua nhiều hình thức cạnh tranh về giá bán, mức chiết khấu và quảng cáo đa phương tiện.

Đặc biệt, sự xuất hiện của những tên tuổi mới này khiến cho SAB đối mặt với hệ lụy mới là khả năng bị thâu tóm bởi chính những đối thủ. Thực tế, các tập đoàn bia nước ngoài nêu trên đều công bố công khai ý định trở thành cổ đông chiến lược của SAB thông qua đấu giá mua cổ phần thoái vốn của Bộ Công Thương trong thời gian sắp tới.

Chủ sở hữu lớn nhất của SAB hiện tại là Bộ Công Thương đang có kế hoạch thoái vốn toàn bộ để giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% xuống còn 0%, chia làm 2 đợt: đợt 1 thoái 53,5% vốn, 36% còn lại sẽ thoái tiếp trong năm 2017. Trong bảng cáo bạch, SAB cũng đề cập đến định hướng sẽ loại bỏ một số ngành kinh doanh có điều kiện để xin phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%.

Một rủi ro không thể không nhắc đến chính là quy định hạn chế uống rượu bia ảnh hưởng đến doanh số của SAB do tỷ lệ ung thư gan của người Việt đang tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, từ năm 2014, Bộ Y tế bắt đầu xây dựng dự thảo cấm bán rượu bia sau 22 giờ, hạn chế quảng cáo bia rượu nơi công cộng và vẫn đang tiếp tục triển khai lấy ý kiến và vận động các cơ quan ban ngành để thông qua luật này. Cơ sở cho chính sách này là việc tiêu thụ rượu bia không có kiểm soát tại Việt Nam dẫn đến tình trạng số người mắc bệnh ung thư gan tại Việt Nam đang ở mức báo động.

 Cẩn trọng với sóng SAB

Theo đánh giá của giới phân tích, mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn của SAB là 110.000 đồng/CP tương đối hợp lý nếu so với mức giá hiện tại của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN). Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, BHN tăng 3.500 đồng/CP lên mức 111.000 đồng/CP, cao hơn 1.000 đồng/CP so với giá chào sàn của SAB. Như vậy, khả năng SAB “cháy hàng” trong ngày chào sàn với mức tăng kịch trần 20% là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, mức giá nào là hợp lý để sở hữu SAB?

Quay lại với BHN, DN này chào sàn UPCoM ngày 28-10 với giá tham chiếu chỉ có 39.000 đồng/CP. Mức giá này được cho là quá thấp đối với DN có “số má” trong lĩnh vực đầy tiềm năng. Chính vì vậy, mã CP này đã tăng một mạch lên mức giá cao nhất là 166.000 đồng/CP trong phiên giao dịch 9-11 (tương đương mức tăng 4,2 lần) trước lực cầu lớn từ các NĐT.

Tuy nhiên, ngay sau khi đạt đỉnh, BHN đã quay đầu giảm cực mạnh, có thời điểm mã này giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng/CP khiến cho nhiều NĐT đua lệnh mua BHN trong những phiên tăng giá thua lỗ nặng. Từ bài học này, nhiều người cho rằng SAB khó có thể tạo nên kỳ tích như BHN.

 Tính đến ngày 30-9, SAB đang có khoản đầu tư gần 700 tỷ đồng vào các công ty ngoài ngành không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính như ngân hàng, CK, du lịch… SAB đã trích lập dự phòng hơn 430 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này (hơn 61% giá trị của các khoản đầu tư), đồng thời giá vốn của các khoản đầu tư này cũng giảm dần qua các năm thông qua các đợt thoái vốn. 

KIM GIANG

 Theo Sài Gòn Giải phóng ĐTTC 

Tin cùng chuyên mục