Cuối năm, không khí “làm điều hay để được may cả năm” đã mang lại nhiều niềm vui cho những người lính biên cương, hải đảo heo hút và để lại cho những hộ nghèo vùng sâu vùng xa sự ấm cúng những ngày tết.
Trong những giây phút thiêng liêng của trời đất giao hòa, chúng tôi đã nhận được biết bao điều vui, nhận được những bông hoa ngọt ngào mà chúng tôi gieo hạt từ những nơi xa tít trong những chuyến đi cuối năm. Cây nhân ái đã trổ hoa ngày tết…
1. Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Dung ở Khu căn cứ Khu ủy Bạc liêu – Cà Mau xưa, nơi có tên rất ngộ - Lung Lá Nhà Thể, đã nhờ đứa cháu gọi điện thoại kể bệnh với chúng tôi – Nhờ mẹ uống số thuốc tim bữa đoàn Mùa xuân biên giới (MXBG) của báo Sài Gòn đến tặng nên trưa giao thừa mẹ đã đi đến thăm được mộ người con duy nhất và chồng hy sinh mà nhiều năm qua mẹ không thể đi xa được vì trái tim đau yếu. Cậu nhóc quay sang kể huyên thuyên về những chuyến đò miễn phí chở các học sinh nghèo đi học rất vui rồi cậu quay sang kể chuyện cây cầu mới nằm bên cạnh cây cầu gỗ ọp ẹp mà bữa trước xe chở quà tết của chúng tôi không qua được vì cầu đang xây dang dở đã được đưa vào hoạt động chiều 30 Tết rồi…
Cũng lại chuyện những cây cầu. Đầu năm, một cộng tác viên của chúng tôi báo tin cây cầu kinh C4 ở ấp Trời Mọc, xã Tân Phú huyện Thới Bình đã đưa vào hoạt động nên bà con đi sắm tết, buôn bán cây trái từ vườn nhà ra chợ dịp tết dễ dàng hơn.
Chẳng phải dưng không mà cộng tác viên gọi điện thoại nói chuyện cầu đường ngày đầu năm với tôi mà bởi cây cầu ấy được làm từ sáng kiến của cựu chiến binh Trần Văn Ngạn với nguồn tiền tích lũy của tổ cựu chiến binh làm nghề đưa đò ở ấp Trời Mọc. Trước, ở ấp này cũng có một cây cầu bắc gỗ ngang dòng kênh rộng hơn 20m.
Đi trên cây cầu hẹp té lâu ngày các thanh tay vịn gãy hết nên người qua cầu chông chênh như đi võng, đã có nhiều chuyện đau lòng xảy ra từ cây cầu ấy. Lâu lâu lại có tiếng thét vì cả người lẫn xe đang đi chiếc cầu đòng đưa không biết vịn vào đâu nên cả người và xe rơi tòm xuống kênh. Có khi người rơi xuống nước nhưng xe còn máng tòn ten trên cầu và ngược lại. Tổ đò cựu chiến binh khi ấy không làm công việc đưa đò mà xoay qua làm nhiệm vụ cứu hộ, vớt người và xe.
Tháng 10-2009, giấc mơ “cầu hóa” ở nông thôn của Cà Mau đã được Chính phủ tạm ứng 100 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây không phải là số tiền tỷ được ứng mà đó là tấm lòng của Chính phủ dành cho chương trình thiết thân với người dân ở đây. Dịp tết này đã có 70 cây cầu mới được khánh thành.
Một đồng nghiệp ở Cà Mau kể tôi nghe công việc cuối năm của chị là “chuyên đi dự khánh thành cầu nông thôn” bởi chính quyền nhiều nơi muốn bà con du xuân trên những cây cầu xây chứ không phải phơi nắng đợi đò qua sông nữa.
Chị kể, mấy ngày tết bà con đi lại trên những cây cầu mới xây nói cười rôm rả, lũ trẻ con thì chạy nhảy rượt đuổi nhau cười hí hớn trên cầu đã khiến vùng đất nghèo nơi cuối đất cùng trời những ngày xuân này thật ý nghĩa, sinh động và ấm áp.
2. Cậu bé người Khmer tên Danh Nonl ở gần cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang đã nhờ người chú gọi điện thoại lên báo tin cho chúng tôi tình hình sức khỏe trái tim cậu. Ngày 22 Tết, cậu bé trong tình trạng mệt lả được đưa ra trạm xá xã Mỹ Đức để các bác sĩ Viện Tim trong đoàn MXBG khám bệnh đã phát hiện cậu bị bệnh tim khá nặng. Ngoài thuốc được cấp uống trong 2 tháng thì cha mẹ cậu còn được bác sĩ tư vấn cách bảo vệ trái tim đau yếu của cậu trong khi chờ một phương án chữa trị khác, tốt hơn.
“Nó phẻ rồi, tết đã chạy qua nhà bà nội chơi được rồi, cám ơn bác sĩ Mùa xuân nghe…”, chú của cậu bé nói tiếng Kinh chưa rõ nhưng giọng nói thì rất vui. Và chúng tôi cũng rất vui khi kể nhau nghe câu chuyện này những ngày tết vừa qua.
Sáng mùng 1 Tết, nhiều thành viên đoàn MXBG đều nhận được tin nhắn chúc tết của nhiều chiến sĩ Hải quân vùng E và chiến sĩ biên phòng Đồn 704 trên đảo Hòn Chuối.
Giao thừa, Trung tá Lê Xuân Phú, Đồn phó trinh sát Đồn biên phòng 704 gọi điện: “Chúc năm mới tốt lành đến toàn đoàn MXBG, chúng tôi đang ăn bánh mứt, uống Pepsi và mỗi người trong chúng tôi lại nói về một ai đó rất ấn tượng trong đoàn nhà báo thành phố. Nỗi nhớ ấy thật ấm lòng những người lính tiền tiêu chúng tôi. Chúng tôi sẽ chờ 365 ngày nữa để gặp lại mọi người. Cho chúng tôi gửi lời chúc tết đến đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn năm trước đã bắt tay chúng tôi. Cái bắt tay ấm nồng ấy luôn nhắc chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu giữ gìn biển trời quê hương”.
Sáng mùng 2 Tết, chị Bích, nhân viên tàu SupperDong ở Rạch Giá, Kiên Giang nhắn tin chúc tết khiến tôi cảm động nhớ lại chuyến đi Phú Quốc hồi cuối năm. Chỉ còn 10 phút tàu rời bến mà chúng tôi vẫn nhốn nháo, cuống quýt gọi điện thoại để tìm hai chiếc xe tải chở quà tết mua tặng 300 hộ nghèo và 10 đơn vị lực lượng vũ trang trên đảo chưa đến, chị Bích đã lấy số điện thoại của chủ hàng và tôi rồi nói: “Đã đến giờ tàu chạy, các anh chị phải lên tàu thôi, mọi người từ xa đến Kiên Giang làm từ thiện, tôi là dân tại chỗ có trách nhiệm và có cách giúp đoàn. Chậm nhất là 11 giờ trưa mai hàng tết sẽ ra đến đảo”.
Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” chúng tôi bước xuống tàu mà nước mắt vòng quanh bởi không hiểu chị phụ nữ xa lạ kia sẽ giúp chúng tôi như thế nào, và lời hứa ấy liệu có trở thành sự thật? Nếu chúng tôi ra đảo Phú Quốc không có số quà tết ấy, chúng tôi không biết phải làm sao với những nơi đã hẹn và lễ tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc nhân 80 năm thành lập Đảng, điểm nhấn quan trọng của hoạt động chúng tôi sẽ thực hiện thế nào khi thiếu những vật dụng cần thiết mà chúng tôi gửi theo xe tải?
Suốt 8 năm đoàn MXBG chúng tôi chưa hề gặp cảnh này bao giờ, nước mắt chúng tôi chảy tràn bởi cảm giác bất lực khi tàu hú còi rời bến! Tàu đang lênh đênh trên biển, cậu nhân viên tàu gọi tôi lên cabin của tổ lái? Thuyền trưởng tàu đưa điện thoại cho tôi nói: “Chị Bích gọi chị”. Niềm vui trong tôi vỡ òa khi nghe chị Bích, cán bộ của tàu SupperDong báo tin – một xe hàng của chúng tôi đến cảng chậm đã được chị gửi sang tàu Vinasin và sẽ cặp cảng Phú Quốc sau tàu chúng tôi 15 phút. Chị bảo chủ hàng hứa chuyến xe tải còn lại sẽ chuyển bằng tàu buôn và đến đảo Phú Quốc cho chúng tôi vào 6 giờ sáng hôm sau. Lần này tôi chảy nước mắt vì vui. Chủ hàng đã giữ lời hứa, gửi hết số hàng tết đến đảo cho chúng tôi vào 5 giờ sáng hôm sau.
Việc làm điều hay vẫn diễn ra quanh ta, mỗi ngày không cần quảng bá ồn ào như chuyện chị Bích ở Rạch Giá.
3. Sáng mùng 2 Tết, tôi gọi điện thoại chúc tết người bạn. Đầu dây bên kia nghe như tiếng máy chạy và tiếng ồn ào rất đông người “Ở đâu mà ồn ào thế ông?”, “Bên công ty tôi đi làm từ sáng mùng 2 Tết rồi”, thế là câu chuyện đầu năm của anh chuyển sang chuyện trái trứng trong bữa cơm người lao động nghèo ngày tết. Là 1 trong 13 đơn vị nhận nhiệm vụ từ UBND TPHCM về bình ổn giá thị trường tết từ 3 năm qua, Công ty Ba Huân không chỉ làm hết sức mình vì nhiệm vụ được giao mà còn vì tấm lòng đối với người nghèo, nhất là đối với người lao động xa quê. Bà giám đốc có nụ cười phúc hậu lý giải rất đơn giản: “Sau tết, giá cả thị trường dễ bất ổn, người giàu có thể mua nhiều thức ăn ngon khác, nhưng người lao động chỉ cải thiện bữa ăn bằng nhiều món chế biến từ trứng, vì vậy chúng tôi đi vào sản xuất từ mùng 2 Tết để mâm cơm của những người lao động ngày tết nghèo vẫn còn vị xuân”.
Nhân nói chuyện về những quả trứng, tôi chợt nhớ đến bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, người được nhiều người dân thành phố tặng danh hiệu “người nội trợ của dân thành phố”. Cả tháng giáp tết bà Hồng dạo đủ loại chợ - chợ lớn, chợ nhỏ, chợ đầu mối, chợ trung gian… để xem giá cả thị trường ấm lạnh thế nào bởi bà là người theo sát kế hoạch thực hiện bình ổn giá của UBND TPHCM đề ra từ 3 năm qua. Và khi thấy nhiều công nhân tay ôm những hộp trứng đã nói với nhau giọng ngạc nhiên “hên quá, trứng giá rẻ ghê, em có nồi thịt kho trứng cả nhà ăn 3 ngày tết rồi”, bà Nguyễn Thị Hồng đã không giấu được nụ cười.
Sáng mùng 3 Tết, chợ Bàu Sen (quận 5) đã họp chợ khá đông. Cô công nhân Nguyễn Thị Thêm, quê ở Nam Định cầm trên tay 2 hộp trứng gà vịt cô vừa mua nói với tôi: “300g thịt kho với chục trứng là tụi em có bữa cơm cúng tiễn ông bà mùng 3 rồi, ấm áp rồi. May mà Công ty Ba Huân bán trứng giá vẫn vậy nên lương công nhân tụi em mới mua được cả chục trứng “sang” vậy nè”. Trước tết, mỗi ngày Công ty Ba Huân đưa ra thị trường hơn 2 triệu trái trứng. Ngày mùng 2, đơn vị này đã xuất xưởng 50.000 trái trứng cho các chợ và siêu thị với giá bán không đổi.
Không khí lao động tại công ty này rất sôi động với 50% số CBNV tham gia làm việc tại các khu nhà xưởng bởi những xe và các thương lái vào nhận hàng nói cười rôm rả vui cả một khoảng sân rộng vẫn vàng rực những chậu mai.
THÚY THÚY