SACC góp ý xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

* Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) ủng hộ mô hình hoạt động của SACC

Cuối tuần qua, ngày 1-11, Đoàn Chuyên gia khảo sát làm việc với các cơ quan thẩm quyền trên cả nước nhằm ghi nhận thực tế xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) đã đến Báo SGGP. Tại đây, CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP (SACC) đã trực tiếp góp ý nhiều vấn đề thiết thực nhằm xây dựng Luật BVQLNTD gắn với đời sống người dân Việt Nam.

Ý kiến người trong cuộc

SACC góp ý xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ảnh 1
Lãnh đạo Báo SGGP và Cục Quản lý Cạnh tranh tại buổi trao đổi hợp tác xây dựng Luật BVQLNTD. Ảnh: A. Trinh

Đối với kiến nghị về quy định hiện hành của pháp luật BVQLNTD, đại diện SACC phân tích: Luật pháp cần bổ sung thêm các quy định để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ có hiệu quả hơn, theo đó, Luật BVQLNTD phải chứa đựng điều khoản cụ thể xác định các hành vi bị coi là xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm của các chủ thể gây ra hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và thẩm quyền của người tiêu dùng nhằm bảo vệ các quyền liên quan. Ngoài ra, Nhà nước nên quy định rõ vai trò, thẩm quyền của các tổ chức xã hội, hiệp hội trong việc đấu tranh BVQLNTD.

Hiện nay, các cơ quan báo chí đang đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này nhưng quy định Nhà nước về thẩm quyền của các cơ quan báo, đài về việc thông tin, truyền bá cách thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ chế công bố thông tin ra đại chúng cũng chưa rõ ràng.

Tiếp đó, các quy định cụ thể xử lý hành chính, tố tụng dân sự, hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được làm rõ để các tổ chức xã hội, hiệp hội BVQLNTD, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan báo, đài tiện lợi trong việc thực thi nghiệp vụ.

Tiếp nhận thông tin từ SACC, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Đặng Hoàng Hải cho biết: Luật BVQLNTD đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII. Ngày 7-1-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng Luật BVQLNTD.

 Được biết, Báo SGGP là cơ quan báo chí duy nhất trong cả nước đã triển khai thí điểm mô hình hoạt động của tổ chức BVQLNTD trong gần 2 năm qua. Cụ thể SACC đã thực sự trở thành tổ chức uy tín đối với cộng đồng, hỗ trợ đắc lực công tác thực thi chống hàng giả, đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Do đó, những ý kiến đóng góp của SACC sẽ mang tính thực tiễn cao cho quá trình xây dựng Luật BVQLNTD”.

Để Luật BVQLNTD đi vào cuộc sống

Theo Luật sư Nguyễn Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, Thành viên Hội đồng Cố vấn pháp lý SACC cho biết: Hiện tại, quy định pháp lý trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn mang tính chung chung, thiếu định hướng, thiếu quy định cụ thể hỗ trợ người tiêu dùng khi quyền lợi của họ bị xâm phạm, thiếu hướng dẫn tố tụng cụ thể  đối với trường hợp khiếu kiện của người tiêu dùng, các tổ chức BVQLNTD khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

“Nếu Luật BVQLNTD muốn thực sự phát huy hiệu quả thay thế cho Pháp lệnh BVQLNTD ban hành vào ngày 27-4-1999 thì chắc chắn các nhà làm luật phải phân định việc xử lý cụ thể từng loại hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, cũng như chỉ rõ cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể giải quyết loại hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các biện pháp chế tài xử phạt đối với những chủ thể xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được nâng cao hơn nữa” - Luật sư Minh Hương phân tích.

Bổ sung cho ý kiến của Luật sư Minh Hương, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM Nguyễn Văn Hậu góp ý thêm: “Điều 9, Pháp lệnh BVQLNTD đã nêu rõ: “Người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật”.

Như vậy, người tiêu dùng đã được Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thông qua hệ thống pháp luật, cụ thể như: Bộ luật Dân sự; Luật Thương mại; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh quảng cáo… Vấn đề là hiện nay rất nhiều người tiêu dùng còn lo ngại việc khiếu nại dẫn đến quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm. Nên chăng, SACC cần đẩy mạnh hoạt động của mình theo hướng chuyên nghiệp hóa, gắn liền với việc mời luật sư tham gia trong vai trò tư vấn pháp lý hoặc tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

“Pháp lệnh BVQLNTD quy định: “Người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” (Điều 11); “Người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện để thực hiện việc khiếu nại, yêu cầu bồi hoàn, bồi thường đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã gây thiệt hại cho mình theo quy định của pháp luật.” (Điều 22); “Người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. ( Điều 24)” - Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định.

Đoàn Chuyên gia Khảo sát xây dựng Luật BVQLNTD gồm thành viên đại diện Bộ Công thương, Bộ Tư pháp Dự án Star Vietnam và Văn phòng Chính phủ. Trong thời gian sắp tới, Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với nhiều cơ quan có thẩm quyền trên cả nước và khảo sát mô hình hoạt động tổ chức BVQLNTD tại nhiều quốc gia trên thế giới. Báo SGGP là cơ quan báo chí duy nhất tại phía Nam được Bộ Công thương mời tham gia quá trình xây dựng Luật BVQLNTD.

Một số kiến nghị về thể chế nhằm các tổ chức mang tính chất tổ chức dân sự xã hội hoạt động tích cực và hiệu quả trong việc BVQLNTD:

- Nhà nước cần tạo thể chế mang tính tự nguyện, tự chủ để thành lập các tổ chức xã hội, hiệp hội BVQLNTD; cần khuyến khích các hiệp hội nhà nghề hợp tác các tổ chức xã hội, hiệp hội BVQLNTD nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của mình trong từng lĩnh vực cụ thể;

-  Các tổ chức, hiệp hội làm cầu nối giữa cơ quan báo đài và người tiêu dùng nhằm tuyên truyền quảng bá cho quyền lợi người tiêu dùng và là đơn vị giám sát các chủ thể khác không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

- Các tổ chức BVQLNTD được lấy ý kiến người tiêu dùng làm cơ sở cho các phát biểu hoạt động, chương trình; được phát động chiến dịch tẩy chay sản phẩm kém chất lượng như trên thế giới thường làm.
Nguồn: SACC

GIA BẢO

Tin cùng chuyên mục