Không phải là nơi giới thiệu sách mới như ở hội sách, đường sách ở những ngày xuân có nét độc đáo của riêng mình, là nơi để bạn đọc chiêm ngưỡng những cuốn sách hay, sách hiếm, những tủ sách giàu ý nghĩa nhân văn, xã hội.
Hướng về biển đảo quê hương
Đó là một trong những điểm nhấn xuyên suốt các hoạt động của đường sách năm nay. Có đến hơn 200 đầu sách chủ đề liên quan đến biển đảo được trưng bày trong 6 tủ sách đặt suốt dọc đường sách. Ở đó có tủ sách biển đảo dạng “vỡ lòng” dành cho các em thiếu nhi của NXB Kim Đồng, với những tác phẩm dạng nghiên cứu cho thiếu nhi như: Tổ quốc nơi đầu sóng, truyện ký Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, tập thơ Dắt biển lên trời, Ta viết bài thơ gọi biển về, tuyển tập Biển vàng đảo ngọc, tập truyện Rực rỡ Trường Sa. Tủ sách biển đảo cho lứa tuổi trưởng thành của NXB Trẻ với các ấn phẩm nổi bật: Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, Lẽ phải… Các đơn vị xuất bản khác cũng đóng góp nhiều đầu sách cùng chủ đề nhân dịp này như tác phẩm Nhìn ra biển khơi (NXB Tổng hợp TPHCM), Trường Sa lời biển hát (NXB Văn hóa Văn nghệ)…
Bên cạnh sách về biển đảo, đường sách còn dành không gian trưng bày 4 bản đồ được phóng lớn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa gồm: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (đời nhà Thanh, năm 1904; trên bản đồ có ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam, không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), Đại Nam thống nhất toàn đồ (Triều Minh Mạng, năm 1834; trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam), Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương (năm 1940, Đài khí tượng ở Pattle - Hoàng Sa và Đài khí tượng ở Itu Aba - Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương) và An Nam đại quốc họa đồ (Jean-Louis Taberd, năm 1838; trên bản đồ vẽ quần đảo Paracel seu Cát Vàng - quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam). Những bằng chứng xác thực, những cứ liệu lịch sử khách quan và vững chắc đã minh chứng hùng hồn về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hồn xưa sách cũ
Năm nay, bên cạnh biển đảo, đường sách còn có thêm một nét độc đáo là khu vực trưng bày “Sách thiếu nhi xưa-nay” do Công ty Văn hóa Nhã Nam thực hiện trên tinh thần quảng bá một nét đẹp của văn hóa đọc. Đi dọc đoạn đường Ngô Đức Kế-Nguyễn Huệ những ngày đường sách, bạn đọc sẽ được nhìn lại một phần lịch sử phát triển của dòng sách thiếu nhi Việt Nam, từ những cuốn sách thời tiền chiến (trước 1945) đến giai đoạn sau 1954. Trong đó, bạn đọc sẽ có dịp thấy tận mắt nhiều ấn phẩm độc đáo như bản in tác phẩm Con dế mèn (1941) của nhà văn Tô Hoài, tiền thân của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng sau này. Ngoài ra, còn có nhiều ấn bản độc đáo khác như tập truyện Ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, NXB Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1943, quyển Con hươu sao của Hoàng Đạo thuộc tủ sách Hồng in năm 1944... Theo đại diện của Nhã Nam, thông qua hoạt động trưng bày sách theo tiến trình lịch sử, sẽ góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn mới về văn học thiếu nhi của Việt Nam.
Do đây đều là những bản sách quý, hiếm nên để thực hiện được, Công ty Văn hóa Nhã Nam cùng nhóm sưu tập sách Sài Gòn vất vả thuyết phục các nhà sưu tập góp sách tham dự. Nhiều nhà sưu tập đã tận tay mang sách từ Hà Nội bay vào TPHCM để trao tận tay ban tổ chức. Những bản sách có tuổi đời từ 50-70 năm nhưng vẫn được bảo quản tốt đã thể hiện tình yêu sách mãnh liệt. Điều đó đã mang lại cho đường sách năm nay một không khí thấm đẫm chất văn hóa đọc của người dân Việt Nam.
Tường Vy