Sách hóa nông thôn - thông điệp phát triển bền vững

Giải thưởng khuyến học của Unesco trong năm nay cùng 20.000 USD sẽ được trao tặng cho chương trình Sách hóa nông thôn của Việt Nam vào ngày 8-9 tới.
Sách hóa nông thôn - thông điệp phát triển bền vững

(SGGPO).- Giải thưởng khuyến học của Unesco trong năm nay cùng 20.000 USD sẽ được trao tặng cho chương trình Sách hóa nông thôn của Việt Nam vào ngày 8-9 tới.

Hàng năm Unesco đều trao hai giải thưởng mang tên vị vua Hàn quốc Se-jong, là người đã phát minh ra loại chữ viết đặc biệt cho quốc gia này. Năm nay bên cạnh dự án giáo dục song ngữ của sinh viên Đại học Mahidol của Thái Lan, chương trình Sách hóa nông thôn của Việt Nam được vinh danh cùng tên tuổi của người đã bền bỉ đi theo con đường này suốt gần 20 năm qua là anh Nguyễn Quang Thạch (sinh năm 1975).

Từ những trăn trở và hành động bột phát ban đầu để đem sách về cho trẻ em nông thôn, nhiều năm trở lại đây anh đã hoạt động trong vai trò một tổ chức phi chính phủ với chiến lược truyền thông hiệu quả mà đặc biệt là ấn tượng tạo được khi đi bộ xuyên Việt dọc theo Quốc lộ 1 để chuyển tải thông điệp nhân văn về nhu cầu cấp thiết phải sách hóa cho trẻ em nông thôn.

Trước khi bắt đầu hành trình xuyên Việt Sách hóa nông thôn, Nguyễn Quang Thạch từng dành ra 10 năm nghiên cứu lý thuyết, lập đề án mô hình Sách hóa nông thôn, 9 năm bắt tay thực hiện. Anh dự kiến năm 2017 sẽ xây hơn 300.000 tủ sách giúp hơn 10 triệu trẻ em nghèo nông thôn có sách đọc bằng với trẻ ở các đô thị lớn.

Anh Nguyễn Quang Thạch trên chuyến xuyên Việt trong chương trình Sách hóa nông thôn

Khi chấn thương cột sống khiến anh phải bỏ dở việc đi bộ thì nhiều tình nguyện viên đã nhanh chóng tiếp nhận lá cờ để hoàn tất chặng đường còn lại từ TPHCM đến Cà Mau.

Đi dọc quốc lộ, gặp trẻ em thì hỏi chuyện đọc sách và tặng sách cho các em, song song là việc liên lạc với các trường học và các điểm công cộng như chùa và nhà thờ để xây dựng tủ sách cho các em, đó là những việc có thể quan sát thấy từ bên ngoài của chương trình này.

Theo sau sẽ là những cuộc nói chuyện, những bài báo và phóng sự truyền hình chuyển tải thông điệp về đọc sách đến những nơi sẽ xây dựng thư viện và những người sẽ đóng góp công sức cùng tiền của để duy trì hoạt động.

Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là đủ tạo ra được một tủ sách nhỏ cho trường phổ thông và lớp mẫu giáo, và nhiều gia đình ở thành phố sẵn sàng gửi sách cũ về quê. Vấn đề là mô hình tổ chức và quan trọng nhất là sự chú ý của toàn xã hội.

Hiện đang có khá nhiều tổ chức và cá nhân rất quan tâm đến vấn đề đọc sách và thư viện cho trẻ em, như chương trình Không gian đọc của anh Trần Thiện Tùng, dự án sách cho phạm nhân trong tù của sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM, mô hình "Cây tri thức" của sinh viên Đại học Hoa Sen, hay chủ trương mới gần đây của Bộ Giáo dục về tủ sách học đường.

Nhiều tổ chức, cá nhân rất quan tâm đến vấn đề sách hóa nông thôn

Đọc sách thực sự là hoạt động không thể thiếu được trong sự nghiệp giáo dục và hoạt động thư viện là nhu cầu cần thiết để phát triển tri thức. Ngay cả ở những nước có nền giáo dục mạnh và tri thức phát triển cao, bên cạnh tủ sách gia đình người ta vẫn chú trọng đặc biệt đến thư viện địa phương và tủ sách cộng đồng.

Ở Mỹ, các khu dân cư hầu như đều có những tủ sách công cộng để mọi người tới trao đổi sách cho nhau, tự mang về nhà đọc rồi đem sách mới tới trả lại, không ai giám sát. Mô hình này cũng đang được một số sinh viên ở các trường đại học của Việt Nam thử nghiệm.

Ở Anh, mỗi chính quyền địa phương đều cố gắng duy trì thư viện, ngoài là nơi đọc sách còn là điểm gặp gỡ hay tổ chức các khóa học từ thêu đan cho đến tiếng Anh, và đặc biệt nhất là luôn có khu vực riêng cho trẻ em với các sinh hoạt cơ bản nhất là đọc truyện hàng tuần, bên cạnh các chương trình tặng sách và các cuộc thi đọc sách có thưởng.

Điều này có thể thực hiện ở Việt Nam trong các khu chung cư mới xây dựng, mà một số người nước ngoài đã tự làm như lập nhóm đọc sách tiếng Anh cho trẻ em trong xóm.

Ở Ba Lan, chương trình nâng cấp thư viện để tạo thêm hoạt động mang tính hội nhập cho di dân nước ngoài được Liên hiệp châu Âu cấp thêm ngân sách.

Giải thưởng Unesco cho chương trình Sách hóa nông thôn hoàn toàn có thể giúp mở cánh cửa cho các thư viện ở Việt Nam đi tìm nguồn tài trợ tương tự để mở rộng hoạt động.

Trên thế giới có rất nhiều quỹ tài trợ cho đủ mọi loại hoạt động nhằm nâng cấp và hoàn thiện xã hội cùng môi trường sống. Trong khuôn khổ của các tổ chức trực thuộc Liên hiệp quốc, truyền thông phát triển được coi là chìa khóa để phát triển bền vững - mục tiêu sẽ được thực hiện cho đến năm 2030. Tức là, với cùng một ý định là đem sách đến với người đọc, những dự án nào có hiệu quả về truyền thông sẽ được khuyến khích và dễ được tài trợ hơn. Đây là một cuộc chạy đua mới nhưng còn rất xa lạ đối với một thế hệ các bạn trẻ ở Việt Nam.

Theo đánh giá của Unesco, Việt Nam đã phát triển ngoạn mục về giáo dục trong vòng 30 năm trở lại đây, nhưng hệ thống thư viện còn kém và thiếu sách để học sinh đọc thêm ngoài tài liệu học tập. Sáng kiến và hoạt động như của anh Nguyễn Quang Thạch thể hiện khả năng có thể nhanh chóng phổ cập thư viện đến nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Trả lời phỏng vấn với Unesco ngay sau khi nhận được tin báo về giải thưởng, anh Thạch cho biết thời gian gần đây đang liên lạc với các tổ chức và cá nhân ở Ấn Độ để mở rộng mô hình này ra một số nước trên thế giới.

Dù vậy, nhìn rộng ra thì giải thưởng của Unesco cho chương trình Sách hóa nông thôn chỉ là điều khích lệ cho một con đường mà đích đến còn rất xa. Từ chỗ có sách đến chuyện tạo cho người dân Việt Nam có thói quen đọc sách từ bé là một khoảng cách rất lớn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Nhiều ý kiến từ các nhóm làm thư viện nhận định việc quyên góp tiền hay sách từ các nhà hảo tâm dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tìm được địa điểm thích hợp để làm nơi đọc sách. Càng khó hơn nữa trong việc huấn luyện cách đọc sách khoa học để tiếp cận nguồn tri thức mới.

Một vài khảo sát ở bậc đại học cho thấy trong một lớp trên dưới 100 sinh viên chỉ có khoảng vài em thực sự có đọc sách thuộc nhóm không phải là tiểu thuyết (non-fiction) và chỉ là những loại sách khoa học thường thức. Hầu như không có em nào đọc những đầu sách viết cho đối tượng là sinh viên ở bậc đại học, và không có khả năng nắm bắt được kết cấu và nội dung tri thức được truyền đạt qua sách, ví dụ từ việc đơn giản nhất như là nghiên cứu mục lục và index.

Quá trình đọc sách và rèn luyện phương pháp đọc sách là cả một giai đoạn rất dài, bắt đầu từ những năm tháng ấu thơ và tiếp nối suốt cuộc đời bao gồm cả việc viết sách nữa.

Cha mẹ hãy ngồi cùng con nhỏ cẩn thận đọc từng con chữ từ đầu đến cuối quyển sách mỏng, cũng chính là những gì mà trường học ở Anh đề nghị phụ huynh học sinh cần làm từ năm con học lớp Một. Mỗi lớp đều có một tủ sách riêng và tùy theo ý thích và khả năng của mỗi em mà thẩy cô giáo sẽ giao cho các em mỗi tuần một quyển sách để về nhà đọc cùng cha mẹ - phụ huynh ký tên xác nhận còn các em thì ghi nhận xét hay tóm tắt của mình về quyển sách đã đọc.

Hai trung tâm hàng đầu về tiếng Anh là Đại học Oxford và Đại học Cambridge còn soạn riêng sách cho các mức độ đọc khác nhau, đánh dấu bằng màu sắc, để giúp trẻ em dễ dàng tiếp nhận và nâng dần trình độ đọc. Cùng một câu chuyện hay tiểu thuyết nổi tiếng có thể được nhóm chuyên gia chuyển thể thành các loại văn bản với mức độ phức tạp và số lượng từ vựng khác nhau dành cho các đối tượng ở trình độ tiếng Anh và tri thức khác nhau.

Đó sẽ là những bước đi tiếp theo trong quá trình phổ cập hóa thư viện ở Việt Nam.

Anh Nguyễn Quang Thạch đã chia sẻ với Unesco về môi trường đọc sách và hoạt động vì cộng đồng mà ông và cha anh đã tạo dựng và chuyển giao lại cho thế hệ sau.

Việc đọc sách bắt đầu từ một hành động tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại vô cùng khó thực hiện là mỗi ông bố bà mẹ chúng ta hãy ngồi xuống cùng con cẩn thận dò theo từng con chữ và đọc thật rõ ràng từ đầu đến cuối một quyển sách mỏng.

TS LÊ THANH HẢI
(Ba Lan)

Tin cùng chuyên mục