Ngày 1-7 tới, Luật Xuất bản mới sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Trong luật mới có nhiều điều được chỉnh sửa để góp phần giảm bớt tình trạng sách lậu. Tuy nhiên, với những người trong nghề vẫn chưa thấy an tâm về “căn bệnh nan y” này. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ việc in ấn sách lậu đã bị các cơ quan quản lý phát hiện.
Trong tháng 6-2013, Chi nhánh NXB Giáo Dục tại TPHCM đã phối hợp cùng Cục An ninh thông tin truyền thông phát hiện và bắt quả tang cơ sở in ấn Trọng Nhân tại quận Tân Phú đang đóng xén khoảng 10.000 cuốn sách “Tiếng Anh 3 - tập 1”, đây là nhan đề sách do NXB Giáo Dục hiện giữ bản quyền. Tại đây còn phát hiện cơ sở đang hoàn tất 3.000 cuốn sách dạy ngoại ngữ cho thiếu nhi nhan đề “Family and Friends 3”, bản quyền của NXB Oxford (Anh). Đây là vụ bắt in lậu sách tiếng Anh của NXB Giáo Dục lớn nhất từ trước đến nay.
Cũng dịp này, Cục An ninh thông tin truyền thông phát hiện nhà sách Việt Mỹ (quận Phú Nhuận) có kho sách truyện tranh lậu với số lượng khoảng 16.000 bản. Qua đấu tranh, chủ cơ sở đã thừa nhận sai phạm. Đầu năm 2013, lực lượng chức năng cũng phát hiện tại một cơ sở in và đóng xén tại quận Tân Phú có hàng ngàn bản sách lậu đang được hoàn thiện.
Điều đáng nói là cơ sở này chỉ có khả năng in đen trắng nhưng tại đây lại có sẵn cả ngàn trang bìa in màu, điều này chứng tỏ còn những cơ sở in lậu khác có quy mô lớn hơn vẫn chưa bị phát hiện.
Điều đáng lưu ý, sách lậu hiện nay không phải trốn chui trốn nhủi mà có mặt ở các nhà sách từ nhỏ đến lớn. Thậm chí có đại biểu Quốc hội phải kêu lên là giữa thủ đô có phố sách lậu lớn nhất cả nước, ai cũng biết, ai cũng hay nhưng chẳng ai dẹp.
Còn ở TPHCM, đại diện các đơn vị xuất bản đã 5 lần 7 lượt chỉ đích danh các chiếu sách vỉa hè là thiên đường của sách lậu, bày bán công khai tại những trục đường chính của thành phố. Ấy thế mà đến nay đâu vẫn vào đó, người kêu vẫn kêu, kẻ bán vẫn bán, sách lậu vẫn xuất hiện khắp nơi.
Đã có nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông về bản chất của việc sách lậu lộng hành ở Việt Nam hiện nay. Từ việc lợi nhuận quá cao, cho đến các biện pháp xử lý còn nặng tính hành chính, thiếu tính răn đe khi xử phạt quá nhẹ… Nhưng một vấn đề không kém quan trọng mà đến nay vẫn còn ít được nhắc đến là việc giáo dục thói quen tôn trọng bản quyền ở người mua sách.
Người mua sách ở phố sách Đinh Lễ, ở chiếu sách vỉa hè TPHCM hầu như ai cũng biết là sách lậu, thế nhưng người ta vẫn cứ mua chỉ với một lý do: Rẻ! Người mua sách hoa mắt với các quảng cáo giảm giá 30% - 40% của kẻ bán mà lại không biết một sự thật đau lòng là sách thật, bán trong nhà sách thực ra đôi khi còn rẻ hơn cả sách lậu.
Khoản chênh lệch lợi nhuận về giá giữa sách lậu và sách thật đã chảy hết vào túi những đầu nậu sách. Thậm chí, đôi khi kẻ làm sách lậu còn tăng giá bìa lên để đánh lừa người mua về mức giảm giá. Người tiêu dùng ở đây vì ham rẻ đã phải chịu tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần khi mua một sản phẩm văn hóa kém chất lượng với giá cao.
Cuộc chiến chống sách lậu trong nước vẫn đang đầy cam go và sách lậu vẫn mặc sức lộng hành. Trong bối cảnh đó, người làm sách chân chính đang phải chật vật tự cứu mình bằng nhiều cách trước khi trông chờ các chính sách chống sách lậu có hiệu quả thực sự.
TƯỜNG VY