Chưa bao giờ mảng sách thiếu nhi trong nước đa dạng và hấp dẫn như hiện nay, từ sách tranh đến sách chữ, từ giải trí đến giáo dục, cho lứa tuổi nhi đồng đến tuổi mới lớn, thanh thiếu niên… Thế nhưng, cũng chính sự đa dạng đó đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để trẻ em thưởng thức những tác phẩm phù hợp, tránh đọc những cuốn không phù hợp với lứa tuổi của các em.
Phụ huynh còn thờ ơ
Theo một cuộc khảo sát của Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, hiện nay việc phụ huynh chủ động tìm mua sách cho trẻ rất thấp. Số “thường xuyên” mua chiếm khoảng 31%, nhiều nhất là số “thỉnh thoảng” với 50% và số “hiếm khi mua” chiếm 13%.
Sách thiếu nhi cũng phải chọn lọc để phù hợp lứa tuổi
Các con số khảo sát trên chủ yếu mang tính tham khảo bởi những người được khảo sát đã là những người đang đến mua sách, nghĩa là dạng “có đi mua”. Một cuộc khảo sát khác về giải trí cho trẻ em tại một diễn đàn lớn dành cho các bậc phụ huynh thì tỷ lệ này còn thấp hơn, thậm chí việc phụ huynh chủ động mua hay giúp con mua sách còn thấp hơn việc dẫn trẻ đi xem phim, đi chơi dù rằng việc mua sách được đánh giá là đơn giản nhất trong các loại hình giải trí cho trẻ em và sách cũng là một trong những loại hình giải trí được bạn đọc nhỏ tuổi sử dụng nhiều nhất, minh chứng cụ thể bằng số lượng sách thiếu nhi xuất bản, bán ra luôn cao nhất trong tất cả các loại sách.
Hệ lụy tình trạng thờ ơ của các bậc phụ huynh được phản ánh rất rõ thời gian qua. Liên tục nhiều bậc phụ huynh phản ánh qua các phương tiện truyền thông, qua các trang mạng xã hội rằng họ phát hiện con của họ đọc những cuốn sách không phù hợp. Một cô bé tiểu học đọc cuốn sách về tình yêu trai gái tay ba tay tư, một cậu bé vừa biết chữ say mê với các nhân vật truyện tranh toàn cảnh chiến đấu ác liệt hay các vụ án giết người… Thậm chí có bậc phụ huynh còn kêu gọi cấm bán loại sách trên.
Điều mâu thuẫn ở đây là là những cuốn sách bị lên án đó trừ một số là sách lậu, sách vi phạm luật xuất bản thì còn lại đều là sách “đàng hoàng”. Có điều những cuốn sách đó dành cho người đọc ở độ tuổi đã đủ chính chắn để hiểu biết những điều sách chuyển tải. Nếu cấm loại sách này thì kết quả là cả một lứa tuổi sẽ mất đi dòng sách phù hợp cho mình. Đó là chưa tính việc cấm không phải là cách giải quyết, chẳng lẽ sau đó trẻ em tìm sách người lớn đọc rồi cũng phải cấm cả sách người lớn!
Trong khi đó hiện nay sách cho thiếu nhi hầu hết đều có cảnh báo độ tuổi rất rõ ràng trên bìa sách. Phụ huynh có thể không cần đọc cả cuốn sách, chỉ cần chọn sách có cảnh báo phù hợp là đã có thể cho con em mình đọc.
Phụ huynh chọn sách với con
Ngay cả việc chọn mua sách cho con cũng là một vấn đề, cũng theo khảo sát của NXB Trẻ thì 39% chọn sách giáo dục nhân cách, 31% chọn sách cung cấp kiến thức khoa học, lịch sử, danh nhân và khoảng 22% mua sách phát triển tư duy sáng tạo, truyện tranh chỉ được 8% phụ huynh chọn mua. Trong khi đó, theo khảo sát của Trường ĐHKHXH và NV trước đây thì có đến hơn 90% trẻ em chọn loại sách này. Điều này phản ánh một thực tế là có khoảng cách lớn giữa sở thích của người đọc nhỏ tuổi và quan điểm cho con đọc của các bậc phụ huynh. Việc này dẫn đến những sự gượng ép, cưỡng ép đọc sách, tạo nên tâm lý phản kháng, né tránh sự chọn lựa của các em nhỏ.
Vì vậy, các đơn vị làm sách cho thiếu nhi sau một thời gian bối rối với những mâu thuẫn giữa bạn đọc chính của họ (trẻ em) và người trả tiền mua sách (phụ huynh) đã tìm những biện pháp để trung hòa mâu thuẫn này. NXB Trẻ những năm qua đưa ra chương trình “Cùng con chọn sách”. Theo đó tại các hội sách của NXB Trẻ, các biên tập viên, nhân viên NXB có mặt trực tiếp tại từng quầy sách, chủ động trao đổi với phụ huynh về những cuốn sách. Từ nội dung đến giá trị giáo dục, thậm chí là cả cách đọc, cách diễn giải… Nếu quá bận rộn, phụ huynh có thể gửi thư điện tử trực tiếp đến NXB để được tư vấn về những cuốn sách phù hợp độ tuổi của con mình. Không những thế, hè 2016 NXB Trẻ còn kêu gọi các bậc phụ huynh hãy chủ động viết sách cho con mình. Dĩ nhiên không phải ai cũng có năng lực viết nhưng điều NXB cần chính là ý tưởng, với những ý tưởng hay, NXB sẽ vận dụng đội ngũ tác giả, họa sĩ, biên tập của mình để chuyển thành những ấn phẩm hấp dẫn với thiếu nhi.
Không có những chương trình cụ thể như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng hướng về những bài học kinh nghiệm của các ông bố, bà mẹ trong việc đọc sách cho con. Không chủ động xây dựng các ngày hội đọc sách nhưng bù lại NXB Kim Đồng có cả một nhà sách được thiết kể để cả thiếu nhi và người lớn có thể cùng đọc sách, trao đổi về sách.
TƯỜNG VY