Sách Việt trước ngưỡng cửa thế giới

Vừa qua, NXB Ten-Books (Nhật Bản) đã xuất bản cuốn sách “105 cuốn sách đang được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới”, trong đó, có hai tác phẩm Việt Nam được ghi nhận của cùng một tác giả là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Sách Việt trước ngưỡng cửa thế giới

Vừa qua, NXB Ten-Books (Nhật Bản) đã xuất bản cuốn sách “105 cuốn sách đang được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới”, trong đó, có hai tác phẩm Việt Nam được ghi nhận của cùng một tác giả là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

        Bạn giới thiệu ta

Sự tuyển chọn những cuốn sách trên dựa trên hai nguyên tắc: tác phẩm được chọn là tác phẩm được bạn đọc tại quốc gia gốc đọc nhiều nhất dựa trên số lượng sách bán ra và tác phẩm đó phải chưa được xuất bản tại Nhật. Từ hai nguyên tắc trên cho thấy, thực tế cuốn sách là một tài liệu tham khảo dành cho giới xuất bản ở Nhật, nó liệt kê những cuốn sách được nhiều người đọc nhưng lại chưa có ở Nhật. Các nhà làm sách tại Nhật có thể dựa vào đó tìm kiếm nguồn sách thích hợp với nhu cầu của mình để tiến hành mua bản quyền, dịch thuật và xuất bản. Để tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản, sách có phần giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được giới thiệu bằng tiếng Nhật.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được giới thiệu bằng tiếng Nhật.

Là người Việt Nam duy nhất có tên trong cuốn sách trên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có hai tác phẩm được giới thiệu là bộ truyện Kính vạn hoa và truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Phần giới thiệu về tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ có đoạn viết: “Tác phẩm là một câu chuyện về cậu bé mới tám tuổi nhưng đã nhận thấy cuộc đời sao mà chán thế, cậu cùng những người bạn của mình dần dần thâm nhập và khám phá những sự việc hàng ngày trong thế giới của người lớn theo những suy nghĩ và quy luật của riêng mình, từ đó sáng tạo ra những trò chơi vô cùng thú vị. Tác phẩm lấp lánh nét duyên dáng, sự hài hước dí dỏm trong cách kể chuyện và một sự tươi trẻ dường như không bao giờ mất ở nhà văn đã trải qua gần 60 cái xuân xanh…”.

Có một chi tiết cần chú ý là việc tuyển chọn và giới thiệu tác giả, tác phẩm này hoàn toàn do NXB của Nhật tự thực hiện. Mãi cho đến khi sách được bán trên mạng Amazon (trang trực tuyến bán sách lớn nhất thế giới) thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới biết. Cũng chính vì thế, trong phần nhận xét có một số chi tiết về sự nghiệp sáng tác của nhà văn chưa được chính xác như việc cho rằng Kính vạn hoa là sáng tác thời kỳ đầu của tác giả trong khi thực tế tác phẩm này được xếp vào sáng tác mới sau này.

        Ta giới thiệu ta

Câu chuyện cuốn sách 105 cuốn sách đang được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới mang đến cho những người đang ấp ủ hy vọng văn chương Việt được xuất khẩu ra thế giới những hướng đi mới. Nói là hướng đi mới cho xuất khẩu văn chương bởi vì hiện nay số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản vẫn còn quá ít ỏi. Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, cho đến nay chỉ có khoảng gần 600 tác phẩm văn học trong nước được chuyển ngữ, quá ít ỏi so với con số gần 30.000 tựa sách mới được xuất bản mỗi năm.

Con đường để gần 600 tác phẩm đó đến với bạn đọc thế giới cũng mang đậm tính cá nhân hoặc may mắn hơn là sự chuyên nghiệp của một nền xuất bản tiên tiến. Lấy ví dụ như tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm đầu tiên của nhà văn được xuất bản tại Nhật là do một NXB tại Nhật muốn in một tác phẩm về đề tài thanh thiếu niên Việt Nam nên đã đặt hàng dịch giả Kato Sakae. Kato bèn nhờ bạn bè người Việt tư vấn một số cuốn sách thuộc đề tài này và cuối cùng chị chọn Mắt biếc. Trường hợp của nhà văn Hồ Anh Thái với tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế được dịch và xuất bản ở Mỹ cũng như thế, thông qua một dự án do Mỹ tài trợ, cuốn sách được chọn và đến tay bạn đọc Mỹ.

Điểm chung ở các tác phẩm xuất ngoại trên là sự thụ động của các đơn vị xuất bản trong nước, của chính tác giả thậm chí là của cả người làm sách quốc tế. Họ chủ động đến gặp chúng ta, nêu ra yêu cầu, được giới thiệu vài cuốn sách và tự lọc trong đó tác phẩm phù hợp với nhu cầu của họ. Nền xuất bản Việt có hàng chục ngàn tác phẩm mới mỗi năm, thế nhưng cứ mỗi lần khách hàng quốc tế đến chọn sách thì con số giới thiệu chỉ vỏn vẹn vài chục cuốn.

Còn ở góc độ chủ động, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thành công. Như dự án xuất khẩu văn chương Việt đầy trách nhiệm và đam mê của Chiboos, dự án của NXB Trẻ nhằm chuyển ngữ các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam… Lý do của những sự chưa thành công này thường được quy về chi phí quá cao. Còn nguyên nhân chi phí cao là hiện nay, để giới thiệu, mời chào sách với đối tác quốc tế, các đơn vị làm sách phải thực hiện chuyển ngữ cho tác phẩm. Thông thường là tiếng Anh, Pháp, một số nơi còn đòi hỏi tiếng Thái hay tiếng Hoa. Chi phí để chuyển ngữ, nhất là chuyển ngữ có chất lượng vốn rất cao, khó lòng thực hiện với quy mô lớn.

105 cuốn sách đang được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới cho những người làm sách một câu hỏi: Vì sao chúng ta không thể làm những cuốn sách giới thiệu kiểu như vậy. Rõ ràng chính chúng ta làm sách giới thiệu về văn học trong nước sẽ chính xác hơn, sâu sắc hơn chưa kể có thể có sự phân loại hấp dẫn hơn như 100 cuốn sách hay nhất về đề tài chiến tranh, Những tác phẩm văn học từng bán chạy nhất tại Việt Nam…

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục