Sacombank sẵn sàng tăng tốc

Sacombank - 18 năm và 18 sự kiện đáng nhớ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thành lập ngày 21-12-1991 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng và 100 cán bộ nhân viên. Trải qua hơn 18 năm không ngừng nỗ lực, đến nay vốn điều lệ của Sacombank đã đạt 6.700 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 98.447 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động gồm 320 điểm giao dịch tại 45/63 tỉnh-thành Việt Nam và mở rộng hoạt động ra ngoài nước với 1 Văn phòng đại diện tại Trung Quốc, 1 Chi nhánh tại Lào và 1 Chi nhánh tại Campuchia. Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã xây dựng hệ thống 6.180 đại lý của 289 ngân hàng tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đội ngũ nhân sự trên 7.200 cán bộ nhân viên cùng số lượng nhà đầu tư hiện hữu hơn 80.000 tổ chức và cá nhân.

Các lợi thế tiên phong

Một trong những giá trị cốt lõi tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Sacombank trên thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam chính là tính tiên phong. Điều đó được thể hiện trước hết khi Sacombank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên nhận được vốn góp và hỗ trợ kỹ thuật từ International Finance Corporation (IFC) trực thuộc Ngân hàng thế giới (World Bank). Tiếp đến, vào ngày 12-7-2006, Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam và mã cổ phiếu STB của Sacombank trong suốt các năm qua luôn có tính thanh khoản hàng đầu và giữ vai trò dẫn dắt trên thị trường.

Sacombank sẵn sàng tăng tốc ảnh 1

Ra mắt tập đoàn tài chính

Sacombank cũng đã tiên phong trong việc hình thành mô hình tập đoàn tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với hệ thống các công ty trực thuộc, liên doanh và liên kết hoạt động nhiều lĩnh vực như: tài chính – ngân hàng, chứng khoán, cho thuê tài chính, cho thuê kho bãi, kiều hối, quản lý quỹ, địa ốc, xây dựng, xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, Sacombank còn hướng đến các nhóm khách hàng đặc trưng thông qua việc nhân rộng mô hình Ngân hàng dành riêng cho phụ nữ, Ngân hàng dành riêng cho cộng đồng Hoa ngữ, tạo cầu nối cho hoạt động giao thương tại khu vực thông qua mạng lưới tại Trung Quốc và bán đảo Đông Dương.

Chính nền tảng này giúp Sacombank tập trung phát huy cao nhất các lợi thế về mạng lưới – về các loại hình tổ chức đặc thù – về các sản phẩm dịch vụ khác biệt và đặc trưng, đặc biệt là việc đẩy mạnh các dịch vụ đang có, phát triển dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thẻ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ thanh toán dưới nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức bán chéo sản phẩm nhằm cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói bởi Sacombank và các Công ty thành viên Tập đoàn Sacombank tại nhiều điểm giao dịch trải dài khu vực Đông Dương.

Việc tiên phong có mặt tại các nước cận biên Campuchia – Lào – Trung Quốc là điều kiện để Sacombank thực thi tốt nhất chức năng trung gian tài chính, góp phần thực hiện hiệu quả các Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Sacombank, đã chia sẻ: “Đến với Lào và Campuchia, chúng tôi hoàn toàn tự tin là Sacombank và Sacombank Group trước mắt sẽ mang đến cho các thị trường này những tiện ích ngân hàng hiện đại, các giải pháp tài chính trọn gói nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường tài chính – tiền tệ các nước phát triển sôi động và cạnh tranh lành mạnh. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và chọn thời điểm thích hợp để tiến hành nâng cấp Chi nhánh Lào, Chi nhánh Campuchia thành ngân hàng 100% vốn Sacombank với nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ở khắp các tỉnh-thành phố trọng điểm kinh tế, để qua đó Sacombank có đủ điều kiện thực hiện tốt nhất trách nhiệm của một NHTM Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế quốc gia Lào và Campuchia anh em”.

Vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2009

Ngay từ những tháng đầu năm 2009, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sacombank đã tích cực hưởng ứng các chương trình hỗ trợ lãi suất do Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, ý thức được những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Sacombank đã chủ động xây dựng kế hoạch tình thế cho giai đoạn 2009-2010 với những nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc tái cơ cấu tài chính, nhân sự, công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, các quy trình quy chế; đồng thời tiếp tục đề ra chiến lược phát triển mạng lưới, mở rộng kênh phân phối, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng khác biệt hóa, lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp cùng với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng trong năm 2009, Sacombank đã triển khai thành công Dự án chuyển đổi và nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi từ Smartbank sang T24 với phiên bản mới nhất R8; đưa Trung tâm Dịch vụ khách hàng đi vào hoạt động; xây dựng mô hình tài chính chuẩn mực; đề ra dự án củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động thông qua chương trình Năng suất chất lượng (5S), chương trình Khách hàng bí mật (MS); tái cấu trúc bộ máy; đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng tiềm năng; cải tiến phương thức kiểm tra nội bộ; khai trương nhiều chi nhánh theo mô hình mới, ổn định hoạt động các chi nhánh tại nước ngoài …

Ban giám khảo đang chấm điểm tại hội thi “Cùng Sacombank trổ tài nội trợ"

Ban giám khảo đang chấm điểm tại hội thi “Cùng Sacombank trổ tài nội trợ"

Kết thúc năm 2009, Sacombank đạt 1.901 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 71% so với năm 2008, sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng (chưa bao gồm lợi nhuận hợp nhất từ các công ty trực thuộc); tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 11,41%; tỷ lệ nợ quá hạn 0,88%, tổng thặng dư vốn và các quỹ đạt 2.095 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Sacombank đến cuối năm 2009 đạt trên 98.474 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm; tổng nguồn vốn huy động đạt 86.335 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm, nâng thị phần huy động từ 4,4% lên 5,2% trong toàn ngành; tổng dư nợ cho vay đạt 55.497 tỷ đồng, trong đó cho vay hỗ trợ lãi suất với số dư là 13.210 tỷ đồng. Trong cơ cấu thu nhập của Sacombank tính đến hết ngày 31-12-2009, nguồn thu từ tín dụng chiếm 25,5%. Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.116 tỷ đồng lên 6.700 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2009, Sacombank đã nhận và giải ngân gần 2.000 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức nước ngoài nhằm tăng cường nguồn vốn trung dài hạn ổn định để góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Kinh doanh hiệu quả và phát triển an toàn, bền vững 2010.

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2010 được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ về thị phần song song với việc các ngân hàng sẽ tăng cường vốn chủ sở hữu, tăng nhanh vốn huy động và quy mô tổng tài sản; gia tăng tiện ích cho khách hàng thông qua phát triển sản phẩm dịch vụ mang tính công nghệ hiện đại nhằm nâng cao nguồn thu dịch vụ.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giữa các NHTM sẽ ngày càng lớn về chất lượng hoạt động, trong đó trình độ về ứng dụng công nghệ ngân hàng và kỹ năng chăm sóc khách hàng sẽ được nâng lên đáng kể. Theo lộ trình thực thi các cam kết trong hiệp định khung gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lĩnh vực tài chính tiền tệ ngân hàng, dự kiến trong năm 2010 sẽ có những điều chỉnh lớn về cách tính toán trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và xác định chỉ số an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Sự điều chỉnh này chắc chắn trở thành thách thức lớn đối với các NHTM Việt Nam, trong đó có Sacombank.

Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, Sacombank đề ra nhiệm vụ và các nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: tăng cường năng lực tài chính; hoàn thiện kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, trong đó lấy việc tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm dịch vụ làm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2010, trên cơ sở đó cấu trúc lại cơ cấu thu nhập theo hướng tăng nhanh thu nhập từ các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, phi rủi ro; tập trung khai thác tối đa các tiện ích và tính năng vốn có của công nghệ mới bằng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hậu hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, tăng cường tiện ích phục vụ khách hàng và bổ sung thêm công cụ quản trị ngân hàng; tận dụng tối đa lợi thế về hệ thống mạng lưới trong và ngoài nước nhằm triển khai các kế hoạch kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm giữa các công ty thành viên trong cùng tập đoàn.

Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ quản lý tài sản… để từng bước cải thiện cơ cấu thu nhập của ngân hàng; tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng trong thời kỳ cạnh tranh hội nhập. Trong đó, nâng cao công tác quản trị nhân sự, đào tạo kỹ năng, kiến thức và thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của từng CB-NV…

Mục tiêu tổng quát của Sacombank trong năm 2010 là tiếp tục củng cố kiện toàn và hoàn thiện mọi mặt, không ngừng đổi mới phương pháp, tư duy và hành động, phát huy lợi thế và tập trung mọi nguồn lực để tạo ra những bước bứt phá nhằm góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển giai đoạn 2001-2010, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2011-2020 nhằm đảm bảo Sacombank luôn hoạt động an toàn, kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng bền vững, phấn đấu xây dựng Sacombank trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu khu vực Đông Dương.

NHUẬN CÁT

Tin cùng chuyên mục