Trước tình hình thị trường tài chính đang biến động phức tạp, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong cuộc gặp gỡ báo chí tại TPHCM, đã trao đổi một số thông tin sau đây về hoạt động của ngân hàng.

* Với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và diễn biến phức tạp của nền kinh tế Việt Nam những tháng qua, Sacombank đã có những động thái gì để phù hợp với tình hình ?
- Có thể nói, việc thực hiện cùng lúc 4 chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN và sự ảnh hưởng “cơn bão” lạm phát đầu năm 2008, hoạt động các Ngân hàng Thương mại (NHTM) Việt Nam đã phải điều chỉnh rõ rệt. Với Sacombank, chúng tôi đã xác định chủ trương hy sinh một phần mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận để chống lạm phát, thay đổi mục tiêu từ tăng tốc nhanh, hiệu quả đến tập trung cao nhất cho mục tiêu an toàn trong các mặt hoạt động: thanh khoản, quản lý rủi ro, tăng trưởng tín dụng… để đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững dài hạn.
Theo đó, chúng tôi đã nhanh chóng chủ động cơ cấu lại tài sản có - tài sản nợ phù hợp với quy mô hoạt động và diễn biến thị trường. Hoạt động đầu tư và tín dụng được phân loại và siết chặt hơn, lãi suất cho vay được phân tán và điều chỉnh linh hoạt theo hướng lãi suất chuyên nghiệp. Các nghiệp vụ huy động vốn được phát huy tối đa bằng sản phẩm huy động với lãi suất ưu đãi, đảm bảo những giá trị lợi ích cao nhất cho khách hàng.
* Có thông tin cho rằng các NHTM đang bị “thua lỗ” do đầu tư quá nhiều vào chứng khoán và thị trường bất động sản, mà 2 khu vực này đang là vấn đề lo ngại hiện nay bởi tình hình chung của thị trường toàn cầu. Theo ông vấn đề này thế nào?
- Những nhận định trên hoàn toàn không có cơ sở. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đúng là có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn do bối cảnh thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cũng là thực hiện chủ trương chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi có thể điều chỉnh xuống ở mức độ phù hợp hơn nữa.
Chẳng hạn Sacombank trong 4 tháng đầu năm 2008, được bội thu với tỷ lệ khá lớn của 300 tỷ đồng đầu tư vào công trái giáo dục. Đây là khoản đầu tư vào công trái của Sacombank từ 5 năm trước được xem như khoản dự trữ thanh khoản cấp 2, nay đã đến kỳ lãnh lãi với lãi suất 40% cho 5 năm, cộng với chính sách bù trượt giá 28%, do đó Sacombank sẽ được hưởng 68% lãi suất của công trái này.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của chúng tôi hiện nay còn nhờ nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng và hoạt động liên kết, hợp tác với các đơn vị kinh tế có liên quan để gia tăng thị phần và tăng thu nhập ngoài lãi của mình. Riêng thu nhập ngoài lãi của Sacombank trong quý I-2008 chiếm 41,4% trên tổng thu nhập hoạt động. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu hiện nay của các NHTM.
Ngân hàng nào có nhiều sản phẩm dịch vụ sẽ vừa có thế mạnh trên thị trường vừa đảm bảo nguồn thu không phụ thuộc vào lợi nhuận từ tín dụng khi mảng này có biến động. Đối với 2 lĩnh vực cho vay đang được báo động hiện nay là cho vay chứng khoán và cho vay bất động sản cũng được chúng tôi kiềm hãm chặt chẽ hơn trước.
Cụ thể, cho vay bất động sản tại Sacombank được kiểm soát ở tỉ lệ 17,1% so với tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản dự án chỉ chiếm 2,7%, còn lại là cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở dành cho những người thu nhập ổn định và có nhu cầu an cư thật sự chiếm đến 14,4%.
Hạn mức cho vay chứng khoán của Sacombank cũng được đảm bảo thấp hơn 20% trên tổng vốn điều lệ theo quy định của NHNN. Danh mục đầu tư chứng khoán của Sacombank tính đến quý I-2008 bao gồm hai loại chứng khoán Nợ và chứng khoán Vốn. Trong đó, hơn 13.700 tỷ đồng đầu tư vào các chứng khoán Nợ, chiếm tỷ trọng 94,5%. Các chứng khoán Nợ này bao gồm tín phiếu, trái phiếu do Chính phủ và NHNN Việt Nam phát hành, trái phiếu của các NHTM và tổ chức kinh tế lớn.
Việc đầu tư vào các loại chứng khoán Nợ này nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản, cũng như đem lại một nguồn thu nhập lãi ổn định cho ngân hàng trong suốt thời gian đầu tư hoặc dùng để tái chiết khấu tại NHNN khi cần vốn hoạt động và hầu như không chịu ảnh hưởng bởi sự biến động thị giá trên TTCK.
Phần đầu tư vào chứng khoán Vốn, đây là khoản đầu tư vào cổ phiếu của các ngân hàng khác và công ty cổ phần với số dư đầu tư khoảng 790 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 5,5% trên tổng danh mục đầu tư chứng khoán của Sacombank. Trong đó, có những công ty được Sacombank đầu tư lâu dài mang tính hợp tác chiến lược để hai bên cùng bán chéo sản phẩm. Với cơ cấu đầu tư phân tán rủi ro, có thể nói, việc thị giá các cổ phiếu trên thị trường đang bị sụt giảm 50% không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng quy mô, có định hướng hoạt động rõ ràng hiện nay.
*Thưa ông, liệu rằng hoạt động quản lý rủi ro của Sacombank, đặc biệt là rủi ro thanh khoản có bị ảnh hưởng trước thực tế “khát vốn” hiện nay của nền kinh tế?
- Quả thật, trong giai đoạn này, công tác quản lý rủi ro đang được các ngân hàng chú trọng hơn bao giờ hết. Theo chuẩn mực thanh toán hiện nay, khả năng thanh toán của các ngân hàng được tính bằng công thức tổng tài sản có đến hạn/tổng tài sản nợ đến hạn, đối với thời hạn thanh toán trong vòng 1 tuần thì tỉ lệ này chỉ cần bằng 1 lần, trong vòng 1 tháng là 0,25 lần.
Riêng tại Sacombank tỉ số này lần lượt là 2,4 lần đối với tuần và 0,95 lần đối với tháng, cao hơn mặt bằng tại một số ngân hàng hiện nay là 1,7 lần đối với tuần và 0,75 lần đối với tháng. Như vậy khả năng mất thanh khoản tại các ngân hàng có chiến lược phát triển bền vững là không đáng quan ngại như trước.
Còn về hoạt động quản lý rủi ro tín dụng, tính đến cuối quý I-2008, tỉ lệ nợ xấu tại Sacombank chỉ ở mức 0,2%, tỉ lệ an toàn vốn đạt trên 10%, tỉ lệ cho vay trên tổng huy động là 63,6%. Tất cả chỉ số luôn đảm bảo theo quy định của NHNN, đồng thời phát huy tối đa khả năng sinh lời của các hoạt động tín dụng.
*Xin cảm ơn ông.
ANH KHUÊ