“Sài Gòn có nói gì đâu”

Vài người bạn tôi hay giỡn: “Mấy bữa này hết giận thành phố mình rồi, vì đi làm không có kẹt xe”; “Cữ trưa lên công ty cũng không quạu, vì chạy một mạch tới liền”. Những ngày giáp tết và đầu năm mới, đường sá giảm hẳn lượng xe cộ nên chuyện bực mình vì kẹt xe thường ngày cũng không còn. Mà thiệt tình có phải vậy đâu, là chúng ta tự giận hờn nhau chứ Sài Gòn có nói gì đâu mà giận nơi này cho được.

1. Những ngày cuối năm, đường sá thông thoáng, những buổi sáng ngồi cà phê vỉa hè, anh bạn đồng nghiệp hay nói: “Nhiều việc mà đi làm không có quạu, từ nhà lên đây không có kẹt xe”. Cô bạn khác cũng tiếp lời: “Chạy một mạch, không đổ mồ hôi luôn á, không có trôi phấn”… Vậy là cả đám phì cười rộn rã trước khi vào làm việc.

Đúng thiệt! Những ngày cuối năm, kha khá lượng người và phương tiện về quê đón tết, những buổi sáng hay cao điểm tan tầm, đường phố cũng đông xe nhưng không đến nỗi kẹt. Cũng ít những va chạm hay lời qua tiếng lại vì những va quẹt nhỏ. Nhịp sống hối hả thường ngày ở đô thị lớn những ngày giáp tết lại trôi qua một cách chậm rãi, khiến người ta ra đường cũng thoải mái, thư thả và dường như ai nấy “sống chậm” hơn một chút.

Nhưng có phải thành phố lúc nào cũng kẹt xe đâu, những buổi sáng sớm tầm 5-7 giờ, tinh mơ ở thành phố cũng đầy đủ những cung bậc. Người tập thể dục; người bán điểm tâm, hàng rong buổi sớm; người đi học; người chuẩn bị đi làm… Đường sá lúc này chưa nhiều xe cộ lưu thông. Đám bạn ghiền chụp ảnh của tôi cũng ráng dậy sớm, mò ra đường để chụp “tá lả”.

“Đêm qua thức khuya làm việc để kịp hạn chót, nhưng sáng nay cũng ráng dậy sớm để đi chụp hình. Chụp thành phố giấc này đẹp tinh mơ, không kẹt xe, chạy lang thang trên đường thích lắm. Rảo xe vài vòng quanh mấy con đường lớn, về thay bộ đồ, ăn sáng rồi lên công ty là vừa đẹp, không bị kẹt luôn”, Trần Quang Minh (29 tuổi, ngụ quận 10) chia sẻ.

Không chỉ bạn bè hay đồng nghiệp mà chính tôi, đôi lúc cũng hơi quạu vì kẹt xe, có những ngày trễ giờ mà đèn giao thông thì đỏ, đường thì đông nghẹt xe. Vừa kịp giờ hẹn làm việc hoặc trễ chừng mươi phút đổ lại là mừng trong lòng, chứ không là mất uy tín.

Hôm khác thì thành phố vẫn đông vậy, nhưng trong lòng không phập phồng sợ trễ vì đã canh giờ đi sớm. Chuyện kẹt xe cũng như chuyện vặt thường ngày, ở những đô thị lớn làm sao tránh khỏi, chỉ là đôi lúc mình canh giờ hơi trễ thành ra nổi quạu với nơi này, chứ kẹt xe đâu phải chuyện hiếm mà bực mình.

“Sài Gòn có nói gì đâu” ảnh 1 Một góc thành phố vào xuân

2. Làm Fanpage, YouTuber… là những cách kiếm tiền phổ biến của bạn trẻ hiện nay trong sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội. Trong số đó, không ít lần tôi gặp các bạn trẻ yêu thành phố này đến lạ, lập fanpage viết riêng cho nơi này và tắt hẳn chế độ kiếm tiền từ quảng cáo vì yêu và trân trọng nơi đây.

“Mấy người có thương Sài Gòn giống tui hông?” như một câu khẩu hiệu mà cậu bạn Văn Nguyên (quê Đắk Lắk, hiện sinh sống và làm việc ở TPHCM) đặt ra trên fanpage “Ở đâu cũng chụp” (160.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội) của mình. Những con đường, ngõ hẻm ở thành phố; câu chuyện mưu sinh từ những xe, gánh hàng rong; cuộc sống nơi chung cư hay những con đường chuyên bán phụ kiện trang trí theo mùa như ngày tết, trung thu… đều được Nguyên ghi lại từng khoảnh khắc dung dị nhất trong nhịp sống thường ngày ở thành phố.

“Tất nhiên là tôi có công việc khác, còn lang thang để chụp hình là sở thích thôi. Nếu không phải là thành phố này thì tôi nghĩ khó có nơi thứ hai nào cho tôi nhiều cảm xúc như ở đây, tôi muốn dành một nơi thật sự nghiêm túc để chia sẻ cảm nhận và hình ảnh về thành phố, nên tôi tắt chế độ quảng cáo, để những bài viết, hình ảnh về nơi này luôn chân thật nhất, không phải chịu áp lực kiếm tiền online”, Văn Nguyên chia sẻ.

Cũng dành một tình yêu lớn cho nơi đây, ngoài công việc thiết kế thời trang, Nguyễn Quốc Thịnh (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lập thêm fanpage “Sài Gòn có nói gì đâu”, để chia sẻ những câu chuyện dễ thương ở thành phố như câu chuyện chỉ đường, tếu táo vài câu với những cô chú hàng rong, xe ôm hoặc những thước phim, hình ảnh cũ về thành phố mà Thịnh sưu tầm được.

Quốc Thịnh kể: “Tôi là dân miền Tây nhưng sinh sống, lập nghiệp ở đây và yêu nơi này từ lúc nào không biết luôn. Nhiều bạn bè hoặc khách hàng tôi có dịp làm việc, có người cũng thích nơi này, cũng có người phàn nàn, nói chung là người ta cứ khen cứ chê, cứ nói này nói nọ chứ nơi này vẫn thế, có nói gì ai bao giờ đâu. Chỉ cần một công việc chân chính thì dù bạn đến từ đâu vẫn có thể mưu sinh tốt ở nơi này. Đôi khi chúng ta gặp một chuyện không hay, tâm trạng không vui rồi đổ lỗi cho nơi này xô bồ, chứ ở đâu cũng có cái hay và cái chưa hay”.

3. Nhịp sống thường ngày của thành phố vẫn là những cung bậc nhộn nhịp, hối hả và hiện đại như những gì vốn có ở các đô thị lớn, nhưng đối với người đi xa, nó trở thành một điều gì đó thật đặc biệt, nhất là những ngày tết ở thành phố.

Đón tết ở Nhật Bản, Nguyễn Thị Thùy Dương (25 tuổi, thực tập sinh tại Fukuoka, Nhật Bản) chia sẻ: “Những ngày này, tôi nhớ rất nhiều về tết cổ truyền ở đất nước mình, từ chuyện tất bật dọn dẹp nhà cửa, đưa ông Táo về trời, rồi tới chuyện đi chợ tết, chợ hoa… Đặc biệt là những hội hoa xuân, đường hoa ở thành phố mình năm nào cũng được đầu tư và trang trí rực rỡ”.

Trong cuộc kết nối trực tuyến với chúng tôi, màn hình bên kia, Thùy Dương vẫn theo dõi Đường hoa Nguyễn Huệ qua trang web sohoaduonghoa.vn, Dương xúc động: “Quê tôi ở Đồng Tháp nhưng có nhiều năm tôi đón tết ở TPHCM hoặc ăn tết ở quê thì cũng tranh thủ lên dạo đường hoa. Năm nào cũng trang trí công phu, nhưng lúc ở thành phố thân thuộc quá, có năm tôi cũng chê không đẹp. Năm nay, đón tết xa, xem đường hoa trực tuyến rồi coi lại các ảnh cũ, tự nhiên thấy nhớ và thấy quý mọi thứ hơn rất nhiều. Nhắc đến tết ở TPHCM, hầu như ai cũng biết Đường hoa Nguyễn Huệ với Hội Hoa xuân Tao Đàn, chỗ nào cũng đẹp rực rỡ”.

Vì dịch nên hơn một năm chưa về Việt Nam, Nguyễn Thị Hải Yến (28 tuổi, Sydney, Australia) chia sẻ: “Vì ảnh hưởng của dịch nên tết này cũng lỡ hẹn luôn rồi. Càng xa thành phố càng thấy nhớ nhiều thứ, ngày trước đi làm hay ngán chuyện kẹt xe, đèn đỏ, bây giờ lại thèm xách xe máy chạy loanh quanh thành phố, hít hà cho đã không khí thành phố mình”.

Và trong câu chuyện của mình, Hải Yến kể những món ăn thường ngày, dễ tìm ở thành phố, giờ lại trở thành niềm mơ ước xa xỉ với cô. “Lúc này, thèm nhất là bánh mì Sài Gòn, phải là bánh mì Sài Gòn nha chứ bánh mì chỗ khác không bằng được đâu, thêm một ly cà phê sữa đá nữa thì đúng điệu bữa sáng ở thành phố mình rồi. Hoặc bữa nào có thời gian hơn, sang hơn chút xíu thì ngồi ăn dĩa cơm tấm. Với tôi, những điều nhỏ nhỏ, đơn giản vậy thôi nhưng đủ để mình đi xa nhớ về thành phố quá chừng”, Hải Yến chia sẻ thêm.

Không chỉ ở Sài Gòn - TPHCM, mà bất cứ nơi nào cũng có những câu chuyện đẹp và chưa đẹp, điều quan trọng vẫn là cách nhìn của mỗi chúng ta để yêu hay ghét thì mảnh đất này vẫn hiền hòa, dung dị và luôn chào đón người đi - kẻ ở trong nhịp sống mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục