1- Sven-Goran Eriksson không phải là một “sai lầm đắt giá” mặc dù chưa bao giờ Eriksson đưa đội tuyển Anh qua được vòng tứ kết của một giải đấu lớn. Lời tuyên bố... đắt giá ấy vừa được Chủ tịch điều hành LĐBĐ Anh Brian Barwick đưa ra hôm thứ Ba 29-8 và rất có thể, nó sẽ trở thành một đề tài ngon ăn để ngành đại công nghiệp truyền thông Anh quốc xúm vào tranh luận sôi nổi.

David Beckham (trái), một trong những đồng minh và cũng là nạn nhân Eriksson.
Tuyển mộ Eriksson làm HLV đội tuyển Anh có phải là một sai lầm đắt giá không? Câu trả lời của giới bình luận tại Anh quốc có lẽ là quá đắt. Đắt đến nỗi tới tận bây giờ vẫn chưa thể biết được triều đại mới của tân HLV McClaren có trả nổi hay không.
Sự sụp đổ về niềm tin, sự chán chường, tuyệt vọng đã bị nhấn sâu thêm bởi thất bại ở World Cup 2006 và nó đã khiến không ít CĐV Anh quốc không khỏi nhìn những cầu thủ cũ trong triều đại mới bằng những ánh mắt nghi ngờ. Khôi phục lại những cái đã mất bao giờ cũng khó hơn tạo dựng cái mới.
Brian Barwick nói: “Về việc giành vé dự các giải đấu lớn, Eriksson thành công tuyệt đối 100%”. Tất nhiên, vì ông ta đã đưa đội tuyển Anh vào vòng chung kết World Cup 2002, Euro 2004, rồi World Cup 2006.
Barwick tiếp tục: “Nhưng có lẽ chính bản thân Eriksson cũng sẽ bảo rằng 3 lần phải dừng bước ở vòng tứ kết thì không phải là thứ thành công mà ông ta chờ đợi. Ở World Cup 2006, Eriksson đã nghĩ rằng ông ta có mọi cơ hội để thắng lợi, nhưng điều đó không xảy ra. Eriksson là một sai lầm đắt giá ư? Tôi không chấp nhận điều đó, mặc dù là tất cả chúng ta đều thất vọng, trong đó cũng có cả nỗi thất vọng của Eriksson”.
2- Ai thất vọng hơn ai, điều đó thật... khó nói. Eriksson đã đi rồi. McClaren với một luồng tư tưởng mới đã đến rồi. Nỗi thất vọng não nề của World Cup 2006 cũng đang dần dần nhường chỗ cho những rung cảm mới của mùa giải mới ở Premier League và chiến dịch mới ở vòng loại Euro 2008. Tuy nhiên, cái “di sản” Eriksson để lại quá đồ sộ.
Đó là tinh thần thi đấu bạc nhược của đội tuyển Anh khi đối diện và thất bại trước những tên tuổi lớn như Brazil ở tứ kết World Cup 2002, Bồ Đào Nha ở tứ kết Euro 2004. Đó là những tháng năm mà giới khán giả Anh đang cảm thấy như là Eriksson lợi dụng họ, bội bạc họ. Đó là quãng thời gian mà LĐBĐ Anh có vẻ như…sợ sệt khi xử lý nhiều vụ bê bối của Eriksson. Nào là vụ tằng tịu với Ulrika Jonsson, một phát thanh viên truyền hình xinh đẹp ở Thụy Điển. Nào là vụ đi đêm không thành với Chelsea. Nào là vụ lăng nhăng với Faria Alam – vốn là nữ thư ký của FA, một người đàn bà dù ở độ tuổi…sồn sồn nhưng thật sự mặn mòi.
Đáng nói nhất là vụ dàn cảnh hồi đầu năm của tờ báo lá cải News of the World. Họ cho một nhà báo giả làm “ông Hoàng Ả rập”, mời Eriksson sang Trung Đông thết đãi hậu hĩ. Bị lừa mà không biết, Eriksson đã nói ra ý định bỏ đội tuyển Anh sau World Cup đồng thời nói xấu nhiều tuyển thủ của mình. Eriksson còn đếm được ít nhất 3 câu lạc bộ Premier League chi tiền phi pháp trong các cuộc chuyển nhượng. Và đến đó, FA mới...hết chịu nổi.
Cuộc họp hôm 23-1, kéo dài 6 giờ đồng hồ, đã đưa ra một giải pháp dứt khoát là sẽ chia tay Eriksson sau World Cup. Bản hợp đồng (vốn có hiệu lực đến năm 2008) hủy bỏ khi chiến dịch World Cup 2006 kết thúc và số tiền bồi thường cho Eriksson là 5 triệu bảng Anh – trừ thuế cũng còn tròm trèm 3,5 triệu.
Nhưng đâu phải đã hết. Còn có những thứ không tiền nào mua nổi đã bị Eriksson cho đi tong: Ước mơ VĐTG lần đầu tiên kể từ World Cup 1966. Cơ hội chiến thắng ở World Cup 2006 vừa qua được xem là sáng nhất. Vậy nhưng, Eriksson lại đưa vào đội tuyển một Rooney còn chấn thương chưa lành, một Owen chưa sung sức nên lại chấn thương tiếp tục, một Crouch lộc ngộc, một Theo Walcott chưa có lấy một phút thi đấu ở bóng đá đỉnh cao, và Eriksson đã truyền vào bộ khung tấn công ấy một lối chơi bảo thủ, dè dặt, trì trệ, kém sức chiến đấu hơn cả World Cup 2002 và Euro 2004 trước đó.
Vậy đấy, tiền bồi thường cho Eriksson có thể còn kiếm ra được. Tìm một nhà cầm quân có phong cách thanh cao để thay Eriksson có thể vẫn được. Nhưng biết đến bao giờ mới tìm lại được một cơ hội VĐTG? Bao giờ mới đưa lại được niềm tin ở bản thân từng cầu thủ ngôi sao trở về chỗ cũ? Và bao giờ thì tìm lại được sự đồng lòng tuyệt đối giữa đội tuyển và dư luận Anh?
3- Câu hỏi đó được đặt ra vì triều đại đầy tai tiếng của Eriksson đã vô tình khuyến khích một trào lưu trên nhiều tờ báo Anh quốc: Trào lưu bới móc, chỉ trích HLV đội tuyển Anh để rồi hả hê với nhau và từ đó cảm giác không tránh khỏi là hình như nhà cầm quân Anh quốc phải có một bộ thần kinh thép và lối sống như một vị thánh mới tồn tại được.
Cho nên, không hiểu Chủ tịch điều hành Brian Barwick muốn ẩn ý điều gì khi bảo rằng đội tuyển Anh hiện thời phải vận hành bằng…2 bộ não: HLV trưởng McClaren và trợ lý Terry Venables (vốn là HLV trưởng ở Euro 96). Barwick nói: “Terry Venables có thể nhìn thấy thêm nhiều thứ và ông ta sẽ không lùi lại phía sau im lặng. Ông ta nói cho McClaren biết. Venables có kinh nghiệm dày dạn và ông ta cũng sẽ trực tiếp vào sân. McClaren và Venables, đó là 2 bộ óc”. Tức là một bộ óc thì không đủ?
Hưng Nguyên tổng hợp