Giải ngoại hạng Anh 2007-2008

Sai lầm và sự trừng phạt

 LẠI LÀ TỶ SỐ 1-0
  • Birmingham - Manchester United 0-1
     SAI LẦM VÀ SỰ TRỪNG PHẠT

 Thật bất công cho Birmingham khi họ phải trả giá cho sai lầm duy nhất của mình ở hiệp 2, trong lúc vô số sơ suất của hàng phòng thủ Manchester United trong hiệp đầu đều được khỏa lấp bởi thần may mắn.
 
Trận đấu trên sân St.Adrews gay go đến mức Sir Alex phải cầu nguyện cho thời gian trôi qua thật nhanh…

 LẠI LÀ TỶ SỐ 1-0 

Sai lầm và sự trừng phạt ảnh 1
Cristiano Ronaldo (phải, Manchester United) lừa qua thủ thành Taylor (Birmingham) trước khi đưa bóng vào lưới.

Bàn thắng quyết định của Cristiano Ronaldo ở phút 51 đã giúp Manchester United thắng trận thứ 5 liên tiếp để tiếp tục duy trì ngôi nhì bảng với khoảng cách 2 điểm sau Arsenal. Đó là trận thứ 5 liên tiếp Manchester United giữ sạch mành lưới kể từ sau khi thua trận derby, nhưng họ chưa chứng tỏ phong độ ghi bàn của mùa trước khi thắng 4 trong 5 trận bằng tỷ số tối thiểu 1-0. Tính đến nay, họ giành tổng cộng 17 điểm nhưng chỉ ghi được đúng 7 bàn trong 8 trận - một thành tích hết sức nghèo nàn so với đẳng cấp và danh tiếng một gã khổng lồ.
 
Với thể lực sung mãn, Birmingham đã đẩy tốc độ trận đấu lên đến mức chóng mặt ngay từ đầu và duy trì nhịp độ này cho đến cuối trận. Diễn biến đó nằm ngoài tiên liệu của Sir Alex và đương nhiên, nó khiến các cầu thủ Manchester United lúng túng. Chỉ trong 30 phút đầu, cả hàng thủ Manchester United đã liên tục phạm sai lầm và chỉ nhờ thần may mắn phù trợ, họ mới tránh bị thủng lưới. Trong những phút đầu, một sai lầm của Paul Scholes đã tạo cơ hội cho Cameron Jerome sút cầu môn. Đến phút 17, Evra để mất bóng sát vạch cuối sân và Larsson dấn thẳng vào khu cấm trước khi lốp bóng cho Gary McSheffrey. Quả đánh đầu bật đất của Gary đã hạ được Van Der Sar nhưng Rio Ferdinand đã về kịp phá bóng trên vạch khung thành.

Mười phút sau đó, Van Der Sar rời khung thành phá bóng lên nhưng quả bóng đi sệt vào ngay chân Jerome và cựu tiền đạo Cardiff lập tức sút thẳng vào khung thành trống, nhưng may là Michael Carrick đã kịp chặn bóng, cứu thua. Rio Ferdinand cũng bất cẩn chuyền bóng thẳng vào chân tiền đạo đối thủ nhưng anh đã kịp bám đuổi để chuộc lại lỗi lầm. Ở hiệp 2, Rio còn suýt đốt lưới nhà khi đổ người đánh đầu cản phá cú sút của Gary McSheffrey, bóng bật đất, đi vào sát cột dọc nhưng thủ thành dự bị Tomasz Kuszczak đã thực hiện pha cản phá xuất thần vung tay xô bóng ra ngoài.
 
MỘT KẾT THÚC TÀN NHẪN
 
HLV Alex Ferguson không nén lời ca ngợi đối thủ Birmingham: "Đây là đội bóng hay nhất mà chúng tôi gặp mùa này. Trong hiệp đầu, chúng tôi đã may mắn không bị thủng lưới, cho dù chúng tôi cũng tạo ra những cơ hội của mình. Tôi đã mong đợi cho hiệp đấu mau kết thúc. Birmingham chạy rất khỏe, thi đấu rất hăng hái và chơi rất nhanh trên sân, thậm chí, sau khi tỷ số là 1-0, tôi vẫn còn cầu nguyện cho đội vượt qua trận đấu này. Chúng tôi đã có cơ hội nhưng trong hiệp đầu, Birmingham là đội xuất sắc hơn".
 
Sáu phút sau khi cuộc chơi nối lại, Cristiano Ronaldo đã tạo khác biệt khi tận dụng sai lầm của đối thủ: Từ đường chuyền dài của Vidic, khi hậu vệ Franck Queudrue do dự thì Ronaldo lao lên đoạt bóng và lừa qua cả thủ thành Mail Taylor để đưa bóng vào lưới trống. Tiền vệ Bồ Đào Nha đã đánh dấu lần thứ 100 đá chính ở Manchester United. Sir Alex nói: "Ronaldo đã làm chuyện giật gân lần nữa, tiềm năng của cậu ấy là bất tận. Bàn thắng đến từ sai lầm của đối thủ, nhưng cậu giữ được sự điềm tĩnh tuyệt vời".
 
HLV Steve Bruce không tránh khỏi tiếc nuối những cơ hội bị bỏ lỡ nhưng ông cũng cảm thấy tự hào với lối chơi của đội: "Chúng tôi đã mang đến cuộc trình diễn xuất sắc, đặc biệt trong hiệp đầu và chúng tôi lẽ ra phải tận dụng được một trong số những cơ hội của mình. Tạo dựng được 4 hoặc 5 cơ hội trước nhà vô địch là quá xuất sắc. Điều làm tôi buồn rầu là chúng tôi đã phạm sai lầm khủng khiếp trong bàn thua và đã bị trừng phạt. Thua theo kiểu này quả là tàn nhẫn. Đó là một lỗi lầm của cá nhân nhưng tôi tự hào với lối chơi của đội và tôi tin chúng tôi có thể rút tỉa được nhiều điều bổ ích từ trận này".  

  • Portsmouth - Reading 7-4
     Lẽ ra còn "cuồng điên" hơn nữa

     

Bảy bàn cho Portsmouth và 4 bàn cho Reading, kỷ lục mới về số bàn thắng trong một trận Premier League đã xuất hiện hôm thứ Bảy. Đó là một cái gì đó hỗn loạn, mang vẻ siêu thực và là một dạng trận đấu sẽ khó mà gặp lại được. Trong 7 bàn của Portsmouth, có cú hattrick đầu tiên trong sự nghiệp của Benjani Mwaruwari, có 1 bàn của Hreidarsson, Kranjcar, Davis, Muntari. Trong 4 bàn của Reading có công của Stephen Hunt, Kitson, Long, Shorey.
 
Hiệp 1 chưa có dấu hiệu gì. Portsmouth dẫn trước 2-1 nhờ 2 bàn của Benjani. Từ đầu hiệp 2 trở đi, sự cuồng điên bắt đầu. Có những cú sút đẹp, có cú dứt điểm trong tình thế hỗn loạn của hàng phòng ngự, có bàn thua biếu không đội bạn (của thủ môn David James, lại anh ta!), có một quả phạt đền bị bỏ lỡ và một quả 11m khác thành công, có rất nhiều cơ hội để nâng cao tỷ số lên hơn nữa.
 
Đây là trận thắng lớn nhất của Portsmouth ở giải vô địch Anh trong 50 năm nay và HLV Harry Redknapp tỏ ra hài lòng: "Tuyệt vời! Chúng tôi dẫn trước 2-1 ở hiệp đầu, nhưng lẽ ra phải dẫn trước 4 bàn. Chúng tôi liên tục tấn công và đã trình diễn nhiều pha bóng đẹp mắt".
 
Phía Reading, HLV Steve Coppell thừa nhận đây là trận đấu đáng kinh ngạc chưa từng thấy và ông ta muốn quên kết quả này đi càng nhanh càng: "Tôi chưa từng tham gia một trận cầu như vậy, trên cả cương vị cầu thủ hoặc HLV", Coppell nói, "Có tổng cộng 11 bàn thắng trong trận cầu này và lẽ ra có thể nhiều hơn nữa. Có vẻ như bên nào tấn công thì bên nấy ghi được bàn thắng". 

  • Chelsea – Fulham 0-0 
     "Hãy đưa Mourinho trở lại..."

Chelsea đã 4 trận liền không thắng và thậm chí không ghi được bàn thắng ở Premier League. Phải có một chỗ nào đó, một ai đó và một hoàn cảnh nào đó cho giới mộ điệu trút nỗi tức giận mặc dù không hẳn là 100% trách nhiệm thuộc về những người bị họ chửi mắng. 
 
NHỮNG LỜI CHỬI MẮNG
 
Ngoài sân Stamford Bridge, người ta sang tay nhau những chiếc áo thun ghi dòng chữ "Hãy đưa Jose Mourinho trở lại, chúng tôi yêu mến nhân vật đặc biệt". Trong sân Stamford Bridge, nhà tỷ phú Abramovich không ngồi ở chỗ thường ngồi trong khu VIP, ông ta ra ngồi chung với khán giả và vì thế càng nghe rõ hơn, càng nhìn rõ hơn thái độ phản đối cùng lời chửi mắng của giới mộ điệu Chelsea – hay nói cho đúng là ái mộ cựu HLV Mourinho.  

Sai lầm và sự trừng phạt ảnh 2
Shevchenko không thể phối hợp được tốt với Drogba.

Tiếng huýt sáo, lời chửi mắng ấy đã cộng hưởng với những điệp khúc gọi tên Mourinho tạo thành một âm thanh vang động bốn phương. Càng đến cuối trận càng vang động, khi Fulham suýt 2 lần chọc thủng lưới Petr Cech. Trong trận bão đó, Avram Grant có gào lên hết âm lượng thì những gì ông muốn truyền đạt trong vài phút chót cũng khó mà đến được với cầu thủ bởi chúng hoàn toàn đã bị át đi. Tâm lý chung là vậy. Chelsea đã 4 trận liền không thắng và thậm chí không ghi được bàn thắng ở Premier League. Thế thì phải có một chỗ nào đó, một ai đó và một hoàn cảnh nào đó cho giới mộ điệu trút bỏ nỗi thất vọng mặc dù không hẳn là 100% trách nhiệm thuộc về những người bị họ chửi mắng.
 
Trong 4 trận liền không thắng và khiến Chelsea bị Arsenal mở rộng cách biệt lên 7 điểm, trận thua Aston Villa 0-2 và trận hòa Blackburn kế đó vẫn còn dưới thời Mourinho. Trận thua Manchester United 0-2 một tuần trước và trận hòa Fulham 0-0 kỳ này là dưới thời Avram Grant. Tức là 2 trận Premier League cuối thời Mourinho và 2 trận đầu tiên của triều đại Grant coi như... ngang nhau về vận xui, về nỗi thất vọng, về sự bế tắc trong khâu ghi bàn. Về mặt con số, kỹ lưỡng và chặt chẽ như Mourinho trước đây hay phóng khoáng như Grant đang hứa hẹn hiện nay thì cũng vậy mà thôi.
 
"CÓ THỂ CẢI THIỆN", NHƯNG...
 
Sau khi bị Fulham cầm chân 0-0, Grant đã vô tình nói y như những gì Mourinho đã nói sau khi Chelsea dứt điểm 29 lần mà chỉ tìm được một bàn và bị Rosenborg cầm chân 1-1 ở Champions League. "Trước hết, chúng tôi cần ghi bàn, rồi cần thắng", Grant nói với vẻ bình tĩnh, "Chúng tôi đã tạo ra đủ cơ hội để thắng Fulham nhưng lại không ghi bàn. Đó là những thứ có thể cải thiện". Bao giờ, ở đâu và như thế nào, đó mới là vấn đề.
 
Phong độ của Drogba là cái dễ cải thiện, vì chính anh cũng tự biết cách thi đấu sao cho hay hơn, hiệu quả hơn, sinh động hơn ở hiệp hai với Fulham sau 45 phút đầu đáng thất vọng. Ý thức kỷ luật thi đấu của Drogba cũng là cái có thể cải thiện được nhanh chóng. Anh nhận thẻ vàng thứ nhất ở hiệp một vì tranh cãi với trọng tài, nhận chiếc thẻ vàng thứ nhì ở hiệp hai vì giơ cao chân táng trúng mặt đối thủ trong một pha tranh bóng. Án treo giò ngay sau trận đầu tiên trở lại sau một tháng chấn thương sẽ buộc Drogba rút ra thêm kinh nghiệm quý cho chính mình về cách hành xử trên sân.
 Nhưng trường hợp Shevchenko thì ngược lại hoàn toàn. Trận đấu với Fulham hôm 29-9 rơi đúng vào sinh nhật thứ 31 của Sheva và nếu anh không chơi tốt thì thật khó tìm ra được một ngày nào ý nghĩa hơn để chơi tốt. Trận thua Manchester United 0-2 vào Chủ nhật trước, ai nấy đều đã thấy Sheva lạc lõng như thế nào trong vai trò tiền đạo cắm. Trận hòa Fulham kỳ này, Sheva lại lửng lơ giữa các vai trò. Anh không biết nên bứt phá từ hàng tiền vệ như Lampard hay hỗ trợ cho Drogba trên tuyến đầu và chính điều đó đã khiến cho đội hình được xếp đặt với ý đồ tấn công toàn lực của Grant tỏ ra đặc biệt rời rạc trong 20 phút đầu.
 
HẾT THUỐC CHỮA ?
 
Khi Sheva đón một quả tạt bóng sệt từ cánh trái ở hiệp một và dứt điểm ngay vào hướng trực diện, ai nấy đều hiểu là sự sắc sảo đã rời bỏ Sheva bởi nếu bóng không ra ngoài thì cũng bị cản lại trước một rừng chân. Khi Sheva bị thay bằng Pizarro trong hiệp nhì, ai nấy đều hiểu đó là một sự giải thoát. Sheva đi rồi, hàng tấn công Chelsea dù vẫn không ghi được bàn thắng nhưng vẫn tỏ ra ngay ngắn hơn, đâu ra đó hơn.
 Và đó là một thực tế đáng buồn, tội nghiệp, nhưng không thể chối bỏ. Thời của Mourinho, chúng ta có cảm giác như ông ta có một chút ác cảm, một chút nhỏ nhặt trong cách đối đãi với Sheva. Chúng ta cũng có cảm giác Mourinho làm vậy là để chống đối Abramovich và một phần vì thế mà mối quan hệ giữa "nhân vật đặc biệt" cùng nhà tỷ phú đã đổ vỡ hoàn toàn. Nhưng Mourinho đã đi rồi, Grant đã lên thay, và Sheva cũng không tài nào đá hay hơn được nếu không muốn nói là còn dở đi.
 
"Cậu ấy không có phong độ tốt nhất", Grant nói như thế là vẫn còn chút nể trọng. Nếu cay nghiệt, ông ta đã nói huỵch toẹt luôn là hình như Sheva đã hết thuốc chữa rồi, không thể cải thiện được nữa, dưới quyền HLV nào cũng thế!...
 
...Nếu Grant bạo gan nói thẳng điều đó với Abramovich, giới CĐV càng có lý do để chất vấn nhà tỷ phú: Sheva đá cho HLV nào cũng vậy, Chelsea dưới tay nhà cầm quân nào cũng không thắng, vậy thì tại sao không giữ Mourinho cho đỡ rối ren? "Hãy đưa Jose Mourinho trở lại, chúng tôi yêu mến nhân vật đặc biệt", những chiếc áo thun ấy vẫn đang bán cho giới mộ điệu Chelsea...

  • Everton – middlesbrough 2-0
     LỐI CHƠI HIỆU QUẢ
     

Cách biệt 2 bàn không phản ánh vị trí cách nhau 2 bậc trên bảng xếp hạng  mà chỉ thể hiện sự khác biệt trong lối chơi hiệu quả và khả năng tận dụng cơ hội.

Middlesbrough đã phải trả giá cho việc hoang phí cơ hội trong một trận đấu diễn ra hết sức quyết liệt với quyết tâm cao của cả hai phía.  

Sai lầm và sự trừng phạt ảnh 3
Pha đánh đầu ghi bàn của Joleon Lescott (phải, Everton) trước cầu môn Middlesbrough.

HLV David Moyes đưa ra một số thay đổi so với đội hình thắng Aston Villa 2-0 tuần trước: Ayegbeni Yakubu có cơ hội đối mặt với các đồng đội cũ ở Middlesbrough, trong lúc Mikel Arteta, James McFadden và Alan Stubbs tiếp tục ra sân sau khi tham gia trận giữa tuần ở cúp Carling. Trận đấu đã sôi nổi ngay từ những phút đầu khi hai đội chơi với thế trận mở và đua nhau tấn công. Đội khách bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong hiệp đầu như cú đệm bóng chệch cột của Boateng, cú sút quá hiền từ 10m của Gary O’Neill, hay quả đánh đầu cận thành bật xà ngang của tiền đạo người Hàn Quốc Lee Dong Gook. Ngược lại, Everton tìm thấy bàn thắng ngay từ pha bóng nguy hiểm đầu tiên: Từ quả phạt góc của Mikel Arteta, Yakubu đánh đầu chạm tay thủ thành Mark Schwarzer, bóng vồng vào giữa cầu môn buộc trung vệ Jonathan Woodgate phải đánh đầu ra nhưng hậu vệ Joleon Lescott đã chực sẵn để dùng đầu gõ nhẹ vào góc lưới từ khoảng cách chưa đầy 5m, ghi bàn thắng thứ 4 của anh từ đầu mùa.

 Đầu hiệp 2, Middlesbrough vẫn nỗ lực tấn công nhưng cầu chuyền bóng bên cánh trái của Robert Downing bị khóa chặt nên cả Lee Dong Gook lẫn Mido đều không có cơ hội đe dọa cầu môn đối thủ. Mido cũng chơi một trận mờ nhạt và bị thay ra ở phút 61 bởi một cầu thủ trẻ măng Tom Craddock (chỉ mới chơi 2 trận ở Premiership); trong lúc tiền vệ Rochemback không thể hiện được phong độ của mình trước sự sắc sảo của Arteta.
 Đến phút 58, Everton nới rộng khoảng cách bằng một pha phối hợp đẹp ở trung lộ: Bóng từ James McFadden đến Steven Pienaar trước khi tiền vệ Arteta đảo người làm động giả trong khu cấm, giữa lúc các hậu vệ Boro chờ đón một quả mớm bóng bổng hoặc dấn sâu xuống biên ngang thì Arteta bất ngờ tỉa bóng sệt vào giữa cho Pienaar xỉa nhanh vào góc xa trong sự bất lực của thủ thành Schwarzer. Đó là bàn thắng đầu tiên của tiền đạo người Nam Phi này kể từ khi anh gia nhập Everton trong hợp đồng cho mượn từ Dortmund.
 
Càng về cuối trận, Middlesbrough càng đuối dần và Everton đã dễ dàng khép thế trận để đảm bảo chiến thắng. Với kết quả này, Middlesbrough tụt xuống hạng 14 trong lúc Everton nhảy vọt lên ngôi thứ 5, chỉ còn kém đối thủ truyền kiếp Liverpool đúng 2 điểm. 

Nhóm PV

Hleb phải rời sân trên chiếc cáng.
Hleb phải rời sân trên chiếc cáng.
Sai lầm và sự trừng phạt ảnh 5
Elano (trái) mừng bàn thắng của Manchester City.

Tin cùng chuyên mục