Sai phạm của Công ty Dược phẩm Viễn Đông làm khó cơ quan quản lý

(SGGP).- Ngày 13-9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) họp báo để cung cấp thêm những thông tin liên quan đến quá trình xử lý vi phạm tại Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD).

Trước đó, vụ việc tại DVD đã gây sốc với hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bất ngờ với cả cơ quan quản lý khi những lãnh đạo cao cấp nhất của DVD bị bắt do hành vi làm giá, giả mạo hồ sơ cùng những băn khoăn từ giới đầu tư về việc cổ phiếu DVD vẫn được giao dịch dù trong diện bị kiểm soát, cơ quan quản lý tuyên bố hủy niêm yết DVD trước đúng 2 ngày khiến cả ngàn cổ đông bối rối.

Trước những băn khoăn về việc tại sao không đình chỉ niêm yết của DVD sau hàng loạt sự cố nghiêm trọng liên quan đến công ty từ năm 2010 mà đến ngày 30-8 mới có quyết định hủy niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TPHCM, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho biết cơ quan chưa đình chỉ niêm yết ngay, vì lúc làm luật và nghị định hướng dẫn chưa lường trước được tình huống này. Các nhân sự chính của DVD đã bị bắt, bên cạnh việc thao túng giá còn giả mạo hồ sơ niêm yết, chào bán, nhưng lại chưa có kết luận của công an. Đây là hạn chế về mặt pháp lý và cũng là thực tiễn phát sinh chưa lường được, cho nên quan điểm xử lý cũng rất khác nhau.

Cũng theo bà Liên, việc hủy niêm yết đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người. Mặc dù tình hình DVD như vậy nhưng vẫn có giao dịch, thậm chí có lúc còn tăng mạnh. Nếu hủy niêm yết, cổ đông không bán được trên sàn và những người muốn bán là những người không muốn hủy niêm yết. Cơ quan quản lý đã phải vận dụng quy chế giao dịch của Sở GDCK TPHCM về tình trạng “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư” để quyết định hủy niêm yết, mặc dù theo Nghị định 14, không có quy định hủy niêm yết trong trường hợp của DVD.

Đại diện UBCKNN cũng cho biết, hiện mới có kết luận về thao túng giá, còn giả mạo hồ sơ niêm yết phát hành thì đến nay vẫn chưa có kết luận mà mới chỉ là nghi vấn. Do đó UBCKNN rất “đau đầu” trong việc hủy niêm yết với DVD. “Ủy ban đã tính hủy niêm yết từ tháng 1 nhưng không có đủ căn cứ pháp lý và lúc đó vi phạm công bố thông tin chưa hệ thống, chưa rõ ràng như bây giờ. Việc xem xét thế nào là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư cũng rất khó xác định cụ thể. Rất nhiều ý kiến, có người muốn hủy có người không” - bà Liên nói.

Ngân hàng ANZ Việt Nam, một trong các chủ nợ của DVD, đã nộp đơn lên Tòa án Nhân dân TPHCM để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục