Hắt hiu chợ thời siêu thị

Bài 2: Những ngôi chợ đã “qua đời”

Bài 2: Những ngôi chợ đã “qua đời”

Chợ gắn với lịch sử hình thành, phát triển và văn hóa của cả vùng miền. Thế nhưng vì môi trường sống, vì sự phát triển chung của thành phố, thời gian gần đây, nhiều dự án, quy hoạch buộc phải khai tử, xóa sổ, di dời hoặc chuyển hóa công năng một số ngôi chợ.…

Ngậm ngùi những ngôi chợ chết

Bài 2: Những ngôi chợ đã “qua đời” ảnh 1

Chợ Văn Thánh hoang tàn với lớp kẽm gai rào chắn lối vào chợ...

Ngày nay, ai đi qua đường Nguyễn Thái Học, quận 1, nhìn con đường rộng rãi, khang trang, sẽ thoáng chút ngậm ngùi nhớ về hai “ngôi chợ trăm năm”, trên bến dưới thuyền, đó là chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh.

Theo cụ Vương Hồng Sển, chợ Cầu Muối có từ triều Nguyễn. Hồi ấy, người ta đào một con kinh rẽ vào rạch Bến Nghé - đường Nguyễn Thái Học ngày nay - và bắc một chiếc cầu dưới bờ kinh để vận chuyển muối từ Phan Thiết, Bạc Liêu về. Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc hai bên bờ kinh. Pháp đánh chiếm Sài Gòn, những kho muối bị bỏ hoang, dân tứ xứ chạy giặc về đây ngụ cư rồi dần dà họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối. Còn theo nhà văn Sơn Nam, tên chợ Cầu Ông Lãnh bắt nguồn từ cách gọi ông lãnh sự Nguyễn Thành Ý (có tên đường ở P. Đa Kao, Q.1).

Do công việc chủ yếu của ông Ý lúc bấy giờ là thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông thường qua lại khu vực chợ dưới Bến Chương Dương, nơi neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ, từ đó người ta gọi khu chợ này là Cầu Ông Lãnh. Năm 2002, thành phố quyết định di dời cả hai chợ lên tận Tam Bình, Thủ Đức, và hai ngôi chợ nổi tiếng, song song tồn tại hơn một thế kỷ đã chính thức ngưng hoạt động từ tháng 10-2003.

Năm 2006, chợ cá Hòa Bình (Q5), chợ Mai Xuân Thưởng (Q6), chợ Xóm Củi, chợ Bình Đăng (Q8), chợ thủy hải sản Chánh Hưng… cũng bị dời đi; chợ Cây Quéo (Bình Thạnh), chợ Cây Thị (Gò Vấp) thì bị xóa sổ hẳn vì buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; chợ Hạnh Thông Tây cũ (P.11, Gò Vấp) hiện hoang phế, dự kiến sắp tới UBND quận Gò Vấp sẽ đập bỏ, xây dựng trụ sở công an phường, trong khi chợ mới hoành tráng - chỉ cách chợ cũ vài trăm mét - lại chịu cảnh… chùa Bà Đanh.

Chợ Cầu (Q.12) bị cây cầu mới vắt qua đỉnh đầu, cũ nát và chìm sâu hun hút dưới dạ cầu, còn bà con tiểu thương thì rút sang con hẻm đường Nguyễn Văn Quá họp chợ. Chợ Cầu chưa chết hẳn nhưng hữu danh vô thực vì không còn là ngôi chợ bên cầu như xưa nữa.

Chợ Văn Thánh (P.25, Bình Thạnh) rất nổi tiếng bởi vừa mới xây xong đã... chết do không ai thèm đến họp chợ. Được biết, trong tương lai rất gần, khu chợ gần 6.000m2 này sẽ biến thành… casino Thanh Đa và TTTM Văn Thánh, theo quyết định của UBND TPHCM tháng 8-2007.

Những ngôi chợ hấp hối

Đó là những ngôi chợ vẫn đang tồn tại nhưng ngắc ngoải hấp hối trong cuộc cạnh tranh sống còn của nền kinh tế hiện đại.

Bài 2: Những ngôi chợ đã “qua đời” ảnh 2
.. và  trước sân cỏ dại mọc tràn. (Chụp chiều ngày 18-9-2007). Ảnh: SONG PHẠM

Ngoài chợ đầu mối Tam Bình - Thủ Đức hoạt động không hiệu quả như mong đợi, rất nhiều ngôi chợ như An Bình (Dĩ An) - nơi cung cấp thực phẩm cho hàng chục ngàn công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần và khu chế xuất Linh Trung - đang chậm rãi họp những phiên chợ sau cùng. Được biết, sắp tới, khi khu dân cư Bình An xây xong (dự kiến cuối năm 2007), ngôi chợ này cũng sẽ lui vào quá khứ.

Chợ Dân Sinh, với tuổi thọ tròn nửa thế kỷ, nay cũng đang đi vào buổi xế chiều do các ngành hàng đặc trưng của chợ như đồ nghề, đồ sắt, phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, đồ điện gia dụng, sành sứ, thủy tinh, vải sợi, bạt bố, đồ quân dụng… - vốn rất hút hàng vào những năm đất nước chưa mở cửa - “Nay bà con tiểu thương chúng tôi ngày ngày dọn hàng ra chủ yếu để… ngắm và tưởng nhớ đến thời hoàng kim đã xa” - anh Q. chủ sạp hàng souvenir hộp quẹt, giày bốt, mền dù, quần áo, mũ lính cũ… vừa rít thuốc vừa than. Được biết, từ năm 2000, UBND Q.1 đã có dự án xây chợ Dân Sinh thành khu TTTM và cao ốc văn phòng 14 tầng, thế nhưng, chưa biết rủi hay may, cho đến nay dự án này vẫn còn nằm trên... giấy.

Chợ Hạnh Thông Tây mới bây giờ chỉ xôm tụ vào ban đêm với các loại quần áo, giày dép, giỏ xách… đổ đống bán trước cổng, còn ban ngày chợ cũng chỉ hoạt động cầm chừng. “Chúng tôi buôn bán ế ẩm lắm. Không hiểu sao người dân mãi không chịu đi chợ mới, từ ngày dẹp chợ cũ họ chuyển sang các chợ tự phát trên lề đường Nguyễn Văn Lượng, Lê Văn Thọ. Còn chợ đêm chỉ phải trả tiền chỗ, không thuế má, lại bán được nên nhiều người bỏ sạp chạy ra ngoài bán. Chỉ khổ cho những người trong chợ vừa ngáp gió, vừa còng lưng cõng đủ thứ chi phí” - chị Loan, chị Oanh, chị Chi, chị Thúy, chủ các sạp quần áo may sẵn, nói.

Anh Phạm Văn Dần, đại diện Ban Quản lý chợ cho biết, chợ hoạt động từ năm 2000 với thiết kế ban đầu là 400 sạp nhưng hiện chỉ có hơn 100 sạp hoạt động. “Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho tiểu thương bằng cách cho thay đổi ngành hàng, đổi sạp… nhưng cũng không ăn thua. Theo tôi, do siêu thị Bình Dân đặt ngay cạnh chợ đã thu hút hết khách, cũng do khâu thiết kế và xây dựng chợ (Công ty Địa ốc Gò Môn) bất ổn, khiến chợ luôn nóng bức, ngột ngạt và tăm tối”. Vào chợ sẽ thấy từng dãy sạp bỏ không hoặc ghi chữ “Cho thuê, sang sạp, liên hệ...”, nhiều ánh mắt dõi theo mời mọc, trông đợi. Ban ngày mà muỗi bay vù vù đụng mặt người đi chợ. “Chúng tôi vừa mới xịt thuốc trừ muỗi cho bà con đấy” - anh Dần cho hay. Được biết, chợ có 2 dãy đèn cao áp trên trần nhưng hầu như không được sử dụng vì “tiền điện chịu sao cho xiết?” - anh Dần nói thêm.

Những ngôi chợ phân hóa...

Được biết năm 1995, cả nước chỉ mới có 12 siêu thị và 2 TTTM, thế nhưng hiện nay đã có 250 siêu thị và 50 TTTM (chưa kể khoảng 30 siêu thị và 40 TTTM đang xây). Các đại gia bán lẻ trong lẫn ngoài nước đang ào ạt nhảy vào lĩnh vực này vì họ tin rằng sẽ hái ra tiền nhờ tốc độ tăng tiêu dùng của người VN hiện đã vượt cả Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, kinh doanh văn minh - hiện đại, tại TPHCM, được biết sắp tới hàng loạt các chợ Văn Thánh, Tân Định, Đa Kao, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi… sẽ chuyển hóa công năng. Riêng chợ thực phẩm tươi sống Phạm Văn Hai đã có quyết định dời về chợ đầu mối Tân Xuân - Hóc Môn (QĐ 1303/QĐ-UBND ngày 24-3-2006), việc đền bù, giải tỏa đã hoàn tất. Tuy nhiên, do đây là thời điểm buôn bán thuận lợi của tiểu thương nên họ vừa đồng loạt đề nghị thành phố cho gia hạn đến tháng 3-2008.

Nhiều TTTM và siêu thị đã và đang chen chân vào chợ, tạo sự gặp gỡ cho hai kênh phân phối hiện đại và truyền thống cạnh tranh “mặt đối mặt” với nhau, xóa bỏ quan niệm siêu thị dành cho những người có thu nhập cao, còn chợ chỉ dành cho giới bình dân. Khoảng cách giữa chợ và siêu thị vì thế ngày càng rút ngắn bởi ngày càng có nhiều siêu thị mọc lên cạnh chợ hoặc ngay trong lòng chợ.

Chẳng hạn chợ An Đông với tầng trệt là chợ, tầng trên là TTTM; chợ Dân Sinh với vô số TTTM bao quanh mặt tiền chợ, tiện lợi cho người mua khỏi phải gửi xe vào chợ nhưng khiến chợ thêm hiu hắt. Nhiều siêu thị thực hiện mô hình song hành cùng chợ như Citimart gần chợ Lê Văn Sỹ; siêu thị Sài Gòn gần chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Nhật Tảo; siêu thị Bình Dân ngay bên cạnh chợ Hạnh Thông Tây; Co.op-mart An Đông và An Đông Plaza nằm ngay trong lòng khu chợ sỉ An Đông 2, tạo thành mô hình siêu thị trong quần thể chợ, TTTM và khách sạn...

Cạnh tranh sát sườn nhau để cùng phát triển, các siêu thị nằm trong chợ càng phải khéo léo hơn trong cách chọn lựa mặt hàng kinh doanh để không “đụng” với chợ; ngược lại, tiểu thương trong chợ cũng phải nỗ lực rất nhiều để phục vụ khách như tăng cường khuyến mãi, quảng cáo, cư xử thanh lịch, giữ vệ sinh chợ và khu vực buôn bán, không cân thiếu, không nói thách, không chèo kéo… Như vậy, khi siêu thị và chợ “chung sống trong hòa bình” trước hết giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, thứ đến giúp tiểu thương và nhà kinh doanh siêu thị có cơ hội cọ xát, học hỏi, bổ sung nhau. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu đặt trong hoàn cảnh ngành bán lẻ VN đang và sẽ phải đối mặt với các “đại gia” bán lẻ toàn cầu.

Kỳ cuối: Chợ vẫn sẽ trường tồn

SONG PHẠM

Bài 1: “Cuộc chiến” không cân sức

Tin cùng chuyên mục