Từ khi có chủ trương của TPHCM đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch đến nay đã được 5 năm nhưng chỉ có các ông bầu, nghệ sĩ yêu nghề mới hưởng ứng. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật công lập lại chưa quan tâm đến sân khấu du lịch.
Dự án của “bầu” Tuấn
Suốt 4 năm qua, với nhiều công ty lữ hành và du khách, địa điểm xem múa rối nước ở Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM của “bầu” Huỳnh Anh Tuấn trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động TPHCM đã trở nên khá quen thuộc. Những ngày đầu mới khai trương điểm diễn này, ai cũng bảo “bầu” Tuấn liều. Nhưng có lẽ, chính cái liều ấy đã đem lại sự thành công của nhà hát này. Giờ đây, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM có thể sáng đèn hàng ngày, đều đặn phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Từ những thành công ban đầu, “bầu” Huỳnh Anh Tuấn đang bắt tay thực hiện dự án Nhà hát Nón Lá TPHCM cũng tại Cung Văn hóa lao động TPHCM. Dự án này được đầu tư xây dựng hơn 2 tỷ đồng và sẽ đưa vào phục vụ du khách vào cuối năm nay. Trong không gian này có ca trù, hát xẩm, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử… qua sự thể hiện của 50 nghệ sĩ tài năng. Nơi đây sẽ tổ chức biểu diễn hàng ngày phục vụ khách du lịch.
Ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Bây giờ mới giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống với du khách đã là muộn nhưng thà muộn còn hơn không. Đây là công trình mà chúng tôi chuẩn bị thực hiện từ 5 năm nay. Tôi nghĩ, làm sân khấu du lịch là giới thiệu cái du khách cần chứ không phải đưa ra cái mà mình có trong khi du khách không cần”.
“Hồn Việt” của Linh Huyền
Sau 3 năm ấp ủ ý tưởng, cuối cùng Công ty cổ phần Nghệ sĩ Mê Kông của “bầu” trẻ Linh Huyền kết hợp với Nhà hát thành phố, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM thực hiện show trình diễn nghệ thuật truyền thống Hồn Việt - Niềm tự hào người Việt để phục vụ khách du lịch khi đặt chân đến TPHCM. Chương trình sẽ ra mắt du khách trong thời gian tới và sau đó biểu diễn đều đặn tại Nhà hát thành phố vào hai tối 15 và 23 hàng tháng. Ngoài hai suất diễn thường xuyên này, “bầu” Linh Huyền sẵn sàng tổ chức các show diễn tại rạp hát Kim Châu theo đơn đặt hàng của các công ty du lịch.
Chương trình sẽ giới thiệu đến du khách các hoạt cảnh: Huyền thoại Hai Bà Trưng, Việt Nam quê hương tôi và Văn hóa Sài Gòn. Trong đó, Huyền thoại Hai Bà Trưng tái hiện hình ảnh oai phong của Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc; Việt Nam quê hương tôi giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc từ đồng bằng Bắc bộ đến Nam bộ như hát xẩm, nhã nhạc cung đình Huế, cải lương với hình ảnh thanh bình của làng quê Việt Nam.
Riêng với hoạt cảnh Văn hóa Sài Gòn đã phần nào giúp người xem trả lời câu hỏi: Vì sao Sài Gòn hấp dẫn khách nước ngoài? Đó là tiếng rao của những người bán hàng, mua hàng rong ở khắp các nẻo đường. Chính nét hấp dẫn, độc đáo này mà nghệ sĩ Linh Huyền đã đặt hàng nhạc sĩ Hoài Anh viết thành những giai điệu, những lời ca tô đậm thêm nét đẹp của Sài Gòn.
Chương trình còn giới thiệu đến du khách những bộ trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em và khu vực tiền sảnh của Nhà hát thành phố được thiết kế, bố trí các nhạc sĩ chơi nhạc cụ dân tộc tạo nên một không gian âm nhạc sống động, hấp dẫn.
Ở lĩnh vực âm nhạc dân tộc, có hai gia đình nghệ sĩ cũng rất năng động trong việc phục vụ và quảng bá các loại nhạc cụ dân tộc đến du khách. Đó là nhà nghệ sĩ Đức Dậu (số 2 đường số 2, phường 7, quận Gò Vấp) và nhà âm nhạc của vợ chồng NSƯT Đinh Linh – Tuyết Mai ở số 104 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh). Hai địa chỉ văn hóa này trưng bày rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc giới thiệu đến du khách. Nếu thích, du khách có thể thử tài chơi nhạc cụ qua sự hướng dẫn tận tình của các nghệ sĩ… |
ĐỖ HẠNH