Sản phẩm công nghiệp “made in Vietnam” từng bước chiếm lĩnh sân nhà

Lấn át hàng ngoại
Sản phẩm công nghiệp “made in Vietnam” từng bước chiếm lĩnh sân nhà

Hàng loạt sản phẩm công nghiệp sản xuất trong nước đang “phất” lên ngay trên sân nhà. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững, người tiêu dùng được hưởng lợi mà còn tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ “xuất ngoại” và kiềm chế nhập siêu hiệu quả.

Sản xuất đèn compact phục vụ nhu cầu tiết kiệm điện trong nước và xuất khẩu. Ảnh: KIM NGÂN

Sản xuất đèn compact phục vụ nhu cầu tiết kiệm điện trong nước và xuất khẩu. Ảnh: KIM NGÂN

Lấn át hàng ngoại

Trong những ngày qua, khi “nhà đèn” bắt đầu tăng cường cúp điện trên diện rộng, nhiều DN và người dân bắt đầu đổ xô đi mua máy phát điện dự phòng. Chính điều này đã khiến thị trường máy phát điện trở nên sôi động, người mua kẻ bán tấp nập. Tại “khu chợ” máy phát điện dài chừng 500m trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10 TPHCM có hàng trăm cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Đáng lưu ý, hầu hết các sản phẩm bày bán tại đây đa phần là hàng sản xuất trong nước với những thương hiệu quen thuộc như: Hữu Toàn, Hòa Bình…

Trên thực tế, các DN sản xuất máy phát điện trong nước không chỉ làm chủ thị trường nội địa với các loại máy nông ngư cơ, máy phát điện loại công suất 1,5 kVA – 2.000 kVA... mà còn tăng lượng hàng xuất khẩu. Tính đến nay, sản phẩm của Công ty CP Hữu Toàn đã có mặt tại 63 tỉnh thành trong cả nước và đã xuất khẩu sang 15 quốc gia như: Bangladesh, Panama, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Nga, Indonesia... với trên 45.000 sản phẩm các loại.

Tương tự, ở dòng sản phẩm dây và cáp điện, các thương hiệu như: Cadivi của Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam hay Trafuco của Công ty CP Cơ điện Trần Phú… đang “phất” lên nhanh và chiếm lĩnh thị trường ngay trên sân nhà cũng như xuất khẩu đạt tỷ trọng lớn. Từ chỗ chỉ sản xuất dây, cáp điện thông thường, đến nay Trafuco đã sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm với chất lượng cao như cáp điều khiển, cáp điện trần, cáp nhôm lõi thép bọc mỡ trung tính, cáp điện lực XLPE, dây đồng kỹ thuật, dây nhôm kỹ thuật, dây phích cắm, thanh cái, đầu cốt... Mỗi năm, công ty đạt sản lượng hàng chục ngàn tấn dây cáp điện. Sản phẩm của công ty hiện chiếm hơn 20% thị phần trong nước và 45% của khu vực các tỉnh phía Bắc.

Riêng kim ngạch xuất khẩu qua các thị trường như Ba Lan, Venezuela, Hàn Quốc, Lào, Myanmar và khu vực Trung Đông... của Trafuco trong năm 2010 đạt khoảng 10 triệu USD. Cũng như Trafuco, nằm trong số 30 thương hiệu mạnh quốc gia, Cadivi với sản lượng tiêu thụ mỗi năm trên 30.000 tấn sản phẩm, trong đó có khoảng 2.000 quy cách khác nhau, chiếm khoảng 60% - 70% thị phần trong nước. Ngoài các sản phẩm truyền thống, công ty còn sản xuất các sản phẩm có yêu cầu về kỹ thuật cao như cáp điện trung thế 1,8kV - 35kV treo và chôn ngầm, cáp chịu nhiệt, chịu dầu, chống cháy… được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn sử dụng thay thế các sản phẩm nhập ngoại.

Đẩy mạnh cuộc vận động dùng hàng Việt

Theo Bộ Xây dựng, sản phẩm thiết bị điện Việt Nam gồm nhiều nhóm nhỏ: thiết bị chiếu sáng, công tắc ổ cắm, ống luồn dây điện và thiết bị công nghiệp. Do song hành với sự phát triển của ngành xây dựng và bất động sản nên thị trường thiết bị điện có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 20% - 25%/năm. Vì vậy, tiềm năng phát triển của ngành vẫn rộng mở.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tại DN Việt Nam đang nắm giữ khoảng 70% thị phần thiết bị điện, còn lại chủ yếu là hàng cao cấp từ nước ngoài và hàng kém chất lượng xuất xứ Trung Quốc và các nước lân cận. Mấu chốt dẫn đến thành công của các DN trong nước là ưu thế chuyển giao công nghệ sản xuất và độc quyền phân phối, giúp DN chủ động nghiên cứu sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng, riêng biệt của từng địa phương.

Sản xuất máy biến thế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Công ty THIBIDI. Ảnh: KIM NGÂN

Sản xuất máy biến thế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Công ty THIBIDI. Ảnh: KIM NGÂN

Ngành cơ khí cũng bắt đầu “ăn lên làm ra”. Giá trị xuất khẩu sản phẩm cơ khí trong năm 2009 đã đạt hơn 4,5 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ cho rằng, có được kết quả nêu trên trước hết là do tự thân vươn lên của một số ngành công nghiệp cơ khí trọng điểm đã tận dụng được một số cơ chế chính sách ưu đãi của những năm trước để phát triển ngành của mình. Mặt khác, chính những nhà đầu tư dần tín nhiệm những sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước đã giúp ngành cơ khí lấy lại niềm tin và từng bước khẳng định mình.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, tình hình nhập siêu sản phẩm cơ khí trọng điểm là rất lớn, trong đó chủ yếu là các thiết bị công nghệ của các công trình công nghiệp như nhiệt điện, thủy điện, xi măng, hóa chất, khai khoáng… Chính vì vậy, phải có giải pháp và cơ chế đủ mạnh để hạn chế phần nhập siêu này. Trước mắt, phải có giải pháp và cơ chế cho các dạng công trình có nguồn vốn khác nhau. Chủ đầu tư đa phần là của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nếu các chủ đầu tư này thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” của Bộ Chính trị thì chắc chắn có giải pháp để giảm nhập siêu, khai thác tiềm năng thiết kế, chế tạo, thi công xây lắp các công trình này từ lực lượng trong nước, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, tiết kiệm số lượng lớn USD để nhập siêu.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục