Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại TPHCM

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực khó tìm đầu ra

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thuận lợi, khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm - giải pháp xây dựng thương hiệu hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ” do Hội Nông dân TPHCM phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 30-6. 

Không chủ động được giá bán 

Tại TPHCM, sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao. Sự thay đổi này đã góp phần cho nông nghiệp TPHCM có mức tăng trưởng duy trì bình quân hàng năm đạt 5,6%.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất nông ngư nghiệp đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn vùng nông thôn TP. Trong đó, TP sẽ phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được xác định và lựa chọn, bao gồm: rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh.

Đây là nhóm sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp TP, có xu hướng phát triển ổn định, tiềm năng mở rộng thị trường sản phẩm tiêu dùng, vừa sản xuất giống chất lượng cao cung ứng cho TP và các tỉnh.

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực khó tìm đầu ra ảnh 1 Trồng lan tại huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG
Theo nhận định của bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, trong bối cảnh TPHCM đang tập trung, ưu tiên phát triển một nền nông nghiệp đô thị chất lượng cao, việc phát triển các sản phẩm chủ lực này là một hướng đi mang tính chất dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP, nhất là trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững.

Trên thực tế, nhiều DN, nông dân, hợp tác xã (HTX) đang trực tiếp nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm chủ lực nêu trên vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của HTX và DN sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TPHCM, cho rằng, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM đang có những khó khăn. Tuy thành phố ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, nên chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao rất cao. 

Mặt khác, việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân chính là việc thu hút đầu tư xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ còn chậm.

Các DN chưa bảo đảm tiêu chí quy chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng theo yêu cầu nhà phân phối do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý… gây nhiều khó khăn cho người sản xuất.

Theo tính toán, hiện sản lượng tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn TP qua thương lái chiếm tỷ lệ trên 42% sản lượng sản xuất. Giá bán sản phẩm theo giá thị trường trong ngày, người sản xuất hoàn toàn không chủ động được giá bán. Hiện sản xuất rau tại TP chỉ đáp ứng 33,3% nhu cầu, số còn lại được cung ứng từ nhiều tỉnh, thành khác. 

Sòng phẳng quan hệ cung - cầu 

Trước thực trạng trên, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, việc đề ra các giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rất cần thiết, cấp bách. Số liệu từ Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op - cho thấy, trong năm 2019, mới chỉ có 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các HTX, DN TPHCM để tạo nguồn cung ổn định cho đơn vị này. 

Thực tế cũng cho thấy, không ít các DN, HTX còn có tâm lý e ngại tiếp cận với các hệ thống phân phối hiện đại. Chủ một nông trại nấm ở huyện Nhà Bè cho biết, hiện nay nông trại của ông có quy mô 150.000 phôi nấm. Vì là hộ cá thể nên lâu nay hàng hóa làm ra chỉ cung ứng cho các nhà hàng, cửa hàng và bán cho bạn hàng ở chợ đầu mối. Người chủ này không biết đàm phán ra sao, sẽ qua những khâu nào, làm sao thu mua, tiền bạc thanh toán như thế nào, nếu tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại.  

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Phượng, Phụ trách thu mua nông sản của Saigon Co.op đề xuất, các HTX, DN nuôi trồng, ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị, khắc phục tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ.

Các đơn vị cần có sự cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật công nghệ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa. 

Ở góc độ nhà sản xuất, với 13 ý kiến phát biểu tại hội thảo, hầu hết đều cho rằng, mối quan hệ cung - cầu hàng hóa bất bình đẳng đã diễn ra từ nhiều năm qua, gây nản lòng các nhà sản xuất.

Nguyên nhân chính là chúng ta đang có quá nhiều các nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ, lẻ nên năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn. Trong khi đó, hệ thống phân phối kinh doanh theo chuỗi vẫn chưa phát triển đúng tầm, nên trong quan hệ, các nhà phân phối vẫn ở thế “kèo trên”.

Tình trạng “xin - cho” vẫn diễn ra khá phổ biến trong việc đưa hàng hóa vào siêu thị. Có không ít trường hợp, nhà sản xuất đã đầu tư, cải tiến để đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ phía nhà phân phối, song vẫn không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Các ý kiến tại hội thảo cho biết: Nhà sản xuất thì cần nơi để bán hàng, còn nhà phân phối cần có hàng hóa để bán, do vậy cung cầu phải được đặt trên sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau thì mối quan hệ mới phát triển bền vững. Trên thực tế, người đứng đầu tại nhiều hệ thống phân phối rất cởi mở nhưng khi xuống dưới, nhiều nhân viên đã không đặt sự công bằng lên hàng đầu. Cùng sản phẩm nhưng đơn vị này có thể đưa vào, DN khác thì bị đưa ra, do những tiêu chí rất ngặt nghèo, khiến nhà sản xuất nản lòng. Do vậy, bản thân các hệ thống phân phối phải làm việc lại với chính cấp dưới của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiếp cận bình đẳng. 

Trong quá trình hợp tác, các siêu thị cần chấm điểm cho các nhà cung cấp, cải tiến phương thức thanh toán từ ký gửi sang “mua đứt, bán đoạn” để tạo điều kiện cho DN đầu tư, nâng cấp và phát triển sản phẩm mới. Chỉ như vậy, sản xuất mới phát triển và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục