Doanh số tăng khoảng 30%
Theo Sở Y tế TPHCM, ngay sau khi UBND TPHCM ban hành quyết định triển khai CTBOTT các mặt hàng dược phẩm trong năm 2018, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Công thương TP và các doanh nghiệp (DN) sản xuất dược phẩm tham gia để thực hiện. Để làm tốt công tác này, Sở Y tế TPHCM cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng y tế quận, huyện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để việc triển khai chương trình tốt hơn với nhiều giải pháp phù hợp.
Đối với các bệnh viện, sở thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện CTBOTT trong các cuộc họp giao ban, yêu cầu lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo thầy thuốc kê đơn thuốc nội và thuốc bình ổn trong điều trị, đưa nội dung kê đơn thuốc bình ổn vào công tác thi đua, khen thưởng của bệnh viện. Về phía các bệnh viện đã tích cực vận động bác sĩ điều trị kê toa thuốc, đồng thời có nhiều giải pháp kiểm soát việc kê đơn thuốc, chỉ đạo các nhà thuốc thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia CTBOTT. Đến nay, công tác chỉ đạo đưa thuốc bình ổn vào khám chữa bệnh tại các bệnh viện đã thành nề nếp, đi vào chiều sâu, huy động cả hệ thống cùng tham gia CTBOTT mặt hàng dược phẩm dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy.
Chính sự theo dõi, chỉ đạo sát sao, doanh số thuốc bình ổn tiếp tục được duy trì ở mức cao. Người dân có nhiều lựa chọn thuốc bình ổn hơn trong điều trị bệnh. Đối với từng DN, doanh số bán thuốc bình ổn cũng tăng khoảng 30%, góp phần đưa doanh số bán thuốc nội tăng tương ứng. Tỷ lệ thuốc bình ổn trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện TP đạt trên 30%, bệnh viện quận, huyện đạt khoảng 40%, góp phần đưa tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến TP đạt 45% và tuyến quận huyện đạt 65% tổng số tiền thuốc điều trị. Doanh số bán thuốc bình ổn ở các nhà thuốc bệnh viện cũng chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc của toàn TP. Tính chung, số lượng tân dược CTBOTT chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu sử dụng với 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất và 383 mặt hàng liên quan.
Chị Nguyễn Thu Giang (ở chung cư Mỹ An, quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết mẹ chị bị cao huyết áp và đặt máy trợ tim nên phải sử dụng liên tục nhiều loại thuốc. Trong thời gian đầu đặt máy trợ tim, tiền thuốc lên tới 2 triệu đồng/tháng và chủ yếu dùng thuốc ngoại. Nhưng 4 năm gần đây, nhiều loại thuốc bình ổn có chất lượng tốt đã dần thay thế thuốc ngoại nên tiền chi mua thuốc giảm đáng kể. “Tôi cho rằng, việc TPHCM triển khai bình ổn giá thuốc là chủ trương đúng đắn và chỉ những gia đình có người buộc phải sử dụng thuốc thường xuyên mới thấy được hết ý nghĩa của chương trình này”, chị Thu Giang tâm sự.
Nâng tỷ lệ thuốc nội trong điều trị
Theo Bộ Y tế, ngay sau khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Y tế đã nghiên cứu giải pháp để triển khai thực hiện đến các DN. Tuy nhiên, dược phẩm là mặt hàng đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên bộ đã yêu cầu các DN tập trung đầu tư về máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng tốt nhất cho sản xuất. Từ đó, Bộ y tế triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Nhờ vậy, chỉ sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã mang lại những kết quả khả quan. Cụ thể, trước khi thực hiện cuộc vận động, tỷ lệ dùng thuốc trong nước ở tuyến tỉnh là 33,9%, tuyến huyện 61,5% nhưng đến nay, tỷ lệ tương ứng này đã tăng lên 35,4% và 69,4%. Đặc biệt, có những địa phương như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An… tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện đạt tới 80%, tuyến tỉnh hơn 60% và tuyến trung ương cũng tăng từ 11% lên 13%.
Tỷ lệ sử dụng thuốc nội sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới vì hiện nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu điều trị. Cả nước cũng có gần 170 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” với gần 5.000 sản phẩm được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn của Bộ Y tế. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới với 530/953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường.
Với đà tăng trưởng này, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện. Mục tiêu này không khó đạt được khi ý thức sử dụng thuốc sản xuất trong nước của người dân đã nâng lên. Song cũng còn không ít bệnh nhân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng thuốc. Đáng lưu ý, dù một số loại thuốc được bán rộng rãi trên thị trường nhưng để vào được các bệnh viện, nhất là bệnh viện công còn rất khó khăn. Chưa kể đến tâm lý của ngay thầy thuốc và người bệnh vẫn thích sử dụng thuốc ngoại là những cản trở cho thuốc Việt. Thực tế cho thấy, tại TPHCM nếu người đứng đầu cơ quan, bệnh viện có ý thức và chỉ đạo quyết liệt việc đưa thuốc Việt vào đơn thuốc thì ở đó hàng sản xuất trong nước sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với thuốc ngoại nhập. Mặt khác, với người sử dụng, khi bác sĩ kê đơn cũng nên yêu cầu kê đơn thuốc nội (nếu tính chất và thành phần thuốc không có sự khác biệt so với thuốc ngoại) để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, tăng tích lũy cho gia đình.
Thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM năm 2018 gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước, điều trị các bệnh thường gặp như giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị đau dạ dày, trị ho - hen phế quản, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, trị nấm... |