Sẵn sàng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2021-2022, cả nước tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 đối với lớp 2 và lớp 6. Thời điểm hiện tại, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình mới.
Giáo viên lớp 2 ở TP Thủ Đức tham gia bồi dưỡng trực tuyến theo CT GDPT 2018
Giáo viên lớp 2 ở TP Thủ Đức tham gia bồi dưỡng trực tuyến theo CT GDPT 2018

Tập huấn trực tuyến cho giáo viên

Hiện tại hầu hết quận huyện, giáo viên dạy lớp 1 và 2 năm học 2021-2022 đã hoàn thành bồi dưỡng CT GDPT 2018 theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, từ ngày 19 đến 24-7, các nhà xuất bản đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho giáo viên dạy lớp 1 và 2 theo CT GDPT 2018. Mỗi giáo viên tham gia bồi dưỡng với tư cách một điểm cầu độc lập dưới sự quản lý, hướng dẫn trực tiếp của hiệu trưởng. 

Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, nếu ở đơn vị nào chưa đảm bảo 100% giáo viên tham gia bồi dưỡng trực tuyến ở tất cả môn học, hiệu trưởng chịu trách nhiệm phân công giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng lại cho 100% giáo viên toàn trường (báo cáo viên là giáo viên của trường đã tham gia tập huấn) trước ngày 10-8-2021. Những giáo viên đã hoàn thành bồi dưỡng trực tuyến, được hiệu trưởng đánh giá “đạt” mới đủ điều kiện tham gia bồi dưỡng trực tiếp do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức (diễn ra sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh). 

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, giáo viên không tham gia hoặc bồi dưỡng không đạt yêu cầu sẽ không được bố trí dạy lớp 1 và 2 trong năm học 2021-2022. Trước đó, từ ngày 12 đến ngày 16-7, cán bộ quản lý, giáo viên khối 1 và 2 các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM tự bồi dưỡng thông qua việc nghiên cứu tài liệu, xem các video clip bài giảng, hướng dẫn sử dụng SGK do các nhà xuất bản cung cấp… Giáo viên chỉ được tham gia bồi dưỡng trực tuyến khi hoàn thành tự bồi dưỡng và được hệ thống phần mềm hoặc hiệu trưởng đơn vị trường học đánh giá “đạt” theo các tiêu chí triển khai CT GDPT 2018. 

Đối với lớp 6, từ ngày 29-7, giáo viên dạy tiếng Anh sẽ tham gia bồi dưỡng trực tuyến qua nền tảng hệ thống lms.hcm.edu.vn của Sở GD-ĐT TPHCM, cũng với phương án mỗi điểm cầu là một giáo viên. Trước đó, từ ngày 14-7, giáo viên ở các bộ môn khác đã tham gia bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Trường hợp giáo viên tham gia công tác tại hội đồng chấm thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được bồi dưỡng bổ sung. Song song đó, nhằm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030”, trong tháng 8-2021, Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học về bộ môn Tin học trong CT GDPT 2018.

Đầu tư xây mới trường, lớp

Giữa tuần qua, UBND quận 1 đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quận 1. Theo đó, địa phương đặt ra mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và CT GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Trong đó, bậc học dẫn đầu số lượng phòng học và phòng chức năng cần tăng thêm là bậc tiểu học với 62 phòng. Ngoài ra, trong vòng 4 năm tới, địa phương sẽ bổ sung 487 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, gần 2.000 bộ bàn ghế, 422 bộ máy tính và 78 bộ thiết bị dạy học tin học - ngoại ngữ cho các trường tiểu học để thực hiện CT GDPT 2018. Tương tự, bậc THCS cũng được đầu tư xây mới 49 phòng học và phòng chức năng, bổ sung 1.198 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, hơn 1.000 bộ bàn ghế, 201 bộ máy tính và 238 thiết bị phòng học bộ môn. Bên cạnh đó, quận 1 tăng cường bổ sung quỹ đất để dồn ghép các điểm nhỏ lẻ ở các trường học có nhiều điểm lẻ, xây dựng trường THCS trên địa bàn 3 phường chưa có trường THCS. 

Tại quận Gò Vấp, năm học 2021-2022, địa phương không có trường học mới nào đưa vào sử dụng ở cả 3 bậc mầm non, tiểu học và THCS, chỉ bổ sung 12 phòng học mới tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường 16) để tăng thêm chỗ học cho học sinh. Như vậy, trong năm học tới, Gò Vấp vẫn còn 2 phường chưa có trường tiểu học công lập là phường 9 và phường 12. “Chúng tôi đang xin ý kiến UBND TPHCM về giảm quy mô xây dựng trường để sớm có trường tiểu học giải quyết nhu cầu về chỗ học cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp bày tỏ. Tương tự, tại quận 12 và huyện Bình Chánh - 2 địa phương đang chịu áp lực cao về gia tăng dân số cơ học, năm học tới sẽ không có trường nào mới được xây dựng nên chỉ nỗ lực duy trì tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đối với lớp 1, 2 và 6. 

Riêng tại quận Bình Tân, đại diện phòng GD-ĐT quận cho biết, từ đây đến cuối năm 2021, quận đặt chỉ tiêu xây dựng mới 30 phòng học để giải quyết nhu cầu về chỗ học cho người dân. Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, địa phương sẽ đầu tư xây mới 48 dự án trường học các cấp với 1.072 phòng học. Để thực hiện mục tiêu đó, UBND quận đã rà soát, kiến nghị UBND TPHCM thu hồi, di dời các khu đất công sử dụng không hiệu quả làm quỹ đất xây dựng trường, lớp.

Tin cùng chuyên mục