Sản xuất lúa năm 2020: Nông dân được mùa, được giá

Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết khá phức tạp gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên nhờ chủ động các phương án ứng phó phù hợp nên nông dân các tỉnh ĐBSCL đạt kết quả tốt vụ lúa đông xuân và đang thu hoạch vụ hè thu 2020 trong kỳ vọng “được mùa, được giá”.
Niềm vui trúng mùa, được giá lúa vụ hè thu của nông dân ĐBSCL
Niềm vui trúng mùa, được giá lúa vụ hè thu của nông dân ĐBSCL

Nông dân lãi 20 - 30 triệu đồng/ha

Những ngày này, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ… bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm trong niềm vui được mùa. Ông Nguyễn Văn Khoa, canh tác 2ha lúa ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) phấn khởi: “Vụ hè thu 2020 nhờ ít sâu bệnh và khu vực này chủ động tốt nguồn nước ngọt nên phần lớn nông dân trúng mùa, năng suất lúa đạt bình quân khoảng 6,5 - 7 tấn/ha, tăng cao so cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa loại thường được thương lái thu mua khoảng 5.000 - 5.200 đồng/kg, lúa dài 5.300 - 5.500 đồng/kg, lúa thơm 5.600 - 5.900 đồng/kg… Sau khi trừ chi phí còn lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha, cao nhất trong nhiều năm qua”. Cùng niềm vui trên, ông Lâm Văn Sáu, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho hay, ngay sau khi vụ lúa đông xuân được mùa trong điều kiện hạn mặn gay gắt thì đến vụ hè thu 2020 tình hình thời tiết dễ chịu hơn nhiều. Cộng với giá lúa ở mức cao đã tạo thêm động lực để nông dân tích cực đầu tư, chăm sóc lúa; nhờ đó mà lúa hè thu đầu vụ đang thu hoạch trúng mùa là chuyện hiển nhiên. 

Tại Đồng Tháp, nông dân các huyện gieo sạ 190.000ha lúa hè thu và một số nơi đang thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), tiết lộ: “Hơn 1.000ha lúa hè thu của bà con xã viên vừa thu hoạch xong với năng suất khá cao 7 tấn/ha. Trúng mùa và trúng giá, cộng với dễ tiêu thụ nên nông dân rất vui mừng”. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thực hiện triệt để phương châm sản xuất lúa hè thu ở ĐBSCL đồng loạt, tập trung, nhanh chóng theo từng vùng, trên cơ sở nguồn nước cung cấp hợp lý và né rầy; đồng thời dự báo tình hình tiêu thụ lúa gạo thuận lợi… nên các địa phương xuống giống hơn 1,53 triệu ha lúa, với sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn, tăng 31.000 tấn so cùng kỳ. Những ngày qua, hầu hết diện tích lúa đã thu hoạch đều đạt năng suất cao, bà con lãi khá. Từ nay đến tháng 9 sẽ là cao điểm thu hoạch toàn bộ lúa hè thu ở vùng ĐBSCL; sau khi trừ đi lượng lúa gạo tiêu thụ nội địa, sẽ dành từ 2,3 - 2,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu xuất khẩu. 

Đẩy mạnh sản xuất lúa thu đông

Tổng cục Thủy lợi cho rằng, từ tháng 6 đến tháng 9-2020, tổng lượng mưa ở ĐBSCL phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm; sang tháng 10, tổng lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 15%-30%. Đối với dự báo bão 2020 trên khu vực biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng xuất hiện từ 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam bộ. Đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu ở Châu Đốc dự báo dao động từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào khoảng cuối tháng 9-2020. 

Từ những dự báo trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa thu đông 2020 ở ĐBSCL dự kiến có 2 phương án sản xuất. Phương án 1, ước gieo sạ 750.000ha, tăng 25.800ha so với cùng kỳ 2019; sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 215.000 tấn. Trong tháng 6 sẽ bắt đầu gieo sạ hơn 286.000ha và kết thúc xuống giống vào tháng 9. Qua theo dõi khoảng 5 năm gần đây, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL dao động 730.000 - 770.000ha. Do đó, phương án 1 được cho là khả thi nhất. Đối với phương án 2, dự kiến xuống giống 800.000ha, tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn. Nguyên nhân là do dự báo năm 2020 lũ nhỏ, cộng với giá lúa đang cao nên cần tăng cường sản xuất vụ thu đông. Ngoài ra, việc tăng xuống giống lúa thu đông cũng nhằm bù đắp một phần thiếu hụt của vụ đông xuân 2019-2020 do ảnh hưởng hạn mặn… Còn vụ lúa mùa ở ĐBSCL sẽ gieo sạ hơn 176.000ha, tăng 5.800ha; sản lượng ước đạt 845.000 tấn, tăng 65.000 tấn. Thời gian xuống giống từ tháng 7 đến tháng 8 đối với vùng sản xuất tôm - lúa và tháng 9 đối với vùng trồng lúa mùa một vụ. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bộc bạch, qua khoảng 2 quý đầu năm 2020, tình hình xuất khẩu gạo ở tỉnh tăng khoảng 20% về sản lượng và 12% về giá trị. Trước những thuận lợi trên, tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương phối hợp cùng nông dân gieo sạ sớm vụ lúa thu đông nhằm thu hoạch trước khi lũ về. Sau đó, theo dõi chặt diễn biến thời tiết, mực nước… để sản xuất sớm vụ đông xuân 2020-2021 đảm bảo thắng lợi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, năm 2020 toàn vùng ĐBSCL hứng chịu hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm, kéo dài, diễn biến rất phức tạp; cộng với dịch Covid-19 gây ảnh hưởng cho sản xuất.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành, cùng ngành chức năng, hợp tác xã, nông dân… đã mang lại thắng lợi mỹ mãn trong vụ lúa đông xuân vừa qua; và hiện nay đang hướng tới một vụ hè thu thành công về năng suất lẫn giá cả.

Từ kết quả đó, Bộ NN-PTNT sẽ quyết tâm cùng các địa phương tổ chức sản xuất tốt nhất 2 vụ lúa còn lại là vụ thu đông và vụ mùa trong năm 2020 này. Nỗ lực cao nhất để đạt 43 triệu tấn lúa trong năm 2020 mà Chính phủ giao, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ tốt nhu cầu xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục