Sản xuất ma túy tổng hợp - Báo động!

Sản xuất ma túy tổng hợp - Báo động!

Sử dụng ma túy tổng hợp (hàng “đá”) đang trở thành xu hướng lấn át số người sử dụng ma túy truyền thống và ma túy bán tổng hợp (heroin). Trong khi đó, tiền chất để sản xuất “đá” lại đang được buôn bán trá hình dưới các hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực y tế. Cầu tăng, đã khiến tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp đang trở thành điểm nóng trong công tác phòng chống ma túy.

  • Phức tạp, lan rộng

Không dừng lại ở các tỉnh phía Bắc, gần đây, các lò sản xuất “đá” đã xuất hiện ở nhiều khu vực phía Nam. Sau quá trình đeo bám, đầu năm 2012, lực lượng trinh sát Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47B - Bộ Công an) và PC47 Công an Đồng Nai tiếp cận ngôi nhà của Vũ Hồng Tạo (37 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Từ lâu, Tạo đã di dời người thân ra khỏi ngôi nhà, nhường lại nhà cho Phạm Văn Sơn (39 tuổi, quê Thanh Hóa) làm đại bản doanh sản xuất “đá”. Trong lúc điều nghiên, một làn gió mồ côi bất ngờ lùa tới, qua lỗ thông gió, mùi hôi thối xộc thẳng ra ngoài khiến một cán bộ – chiến sĩ choáng ngất. Ập vào kiểm tra, công an thu giữ 400g methamphetamine dạng nước và 2g dạng tinh thể, cùng nhiều hóa chất như aceton, phosphoric, các dụng cụ như lọ thủy tinh, thước đo độ, cân điện tử, bếp điện dùng để điều chế ma túy tổng hợp.

Phạm Văn Sơn bị bắt cùng dụng cụ sản xuất ma túy đá.

Phạm Văn Sơn bị bắt cùng dụng cụ sản xuất ma túy đá.

Mới đây, anh em Lục Gia Huy (26 tuổi) và Lục Gia Khánh (25 tuổi, thường trú TPHCM) dùng hẳn căn biệt thự tường bao chắc chắn giữa cánh đồng không mông quạnh ở huyện Đức Hòa (Long An) để sản xuất ma túy tổng hợp đưa về TPHCM tiêu thụ. Tang vật thu được lên đến 1kg hàng “đá”, 2 tỷ đồng tiền mặt, nhiều ngoại tệ, sổ tiết kiệm và dụng cụ sản xuất ma túy.

Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó Cục trưởng C47B, cho biết từ đầu năm đến nay án ma túy tổng hợp chiếm đến 80% số vụ án ma túy được khám phá, trong đó có cả chục vụ sản xuất “đá”. Để sản xuất “đá”, các đối tượng thường thuê nhà nguyên căn, nhất là nơi ít người để ý. Tại TPHCM, có khi cháy nhà như vụ ở quận 6, Bình Thạnh mới lòi ra việc sản xuất ma túy, do quá trình điều chế dùng các hóa chất như cồn, thuốc tẩy móng tay, phosphoric rất dễ gây cháy nổ…

  • Thắt chặt kiểm soát tiền chất

Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế đánh giá, nạn sử dụng ma túy tổng hợp trên toàn thế giới đang ngày càng trầm trọng. Thị trường tiêu thụ “đá” rất lớn và có nguy cơ bùng nổ ở nhiều nước. Tại TPHCM, trong hơn 9.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, nghiện “đá” chiếm tới 7% và ngày một tăng, trong đó, có địa phương tỷ lệ này là 20%. Trong khi đó, công tác quản lý tiền chất dùng trong y khoa, nhất là trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc và quản lý xuất nhập khẩu tiền chất bộc lộ sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, tạo cơ hội tội phạm lợi dụng tổ chức sản xuất “đá”.

Đại tá Lê Thanh Liêm cho biết, hoạt động quản lý tiền chất trong thời gian qua mới tập trung vào khâu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, còn việc kiểm soát các hoạt động mua bán, sử dụng tiền chất trong nước lại lỏng lẻo, việc mua bán lòng vòng từ công ty này sang công ty khác cũng như điểm đến cuối cùng của tiền chất thì chưa kiểm soát được. Trong đó, xu hướng chiết xuất tiền chất Pseudoephedrin (PSE) - vốn là một loại tiền chất dùng làm thuốc cảm cúm khá phổ biến - để điều chế “đá” diễn ra phức tạp. Một số doanh nghiệp kinh doanh thuốc ở Việt Nam cũng có thể là đối tượng mà bọn tội phạm lợi dụng, như vụ một công ty dược phẩm đề nghị cấp phép số lượng lớn thuốc Fudflu có chứa hơn 5.000kg PSE xuất ra nước ngoài.

Sau đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã dừng cấp phép lô hàng này do chính phủ nước đó đã cấm nhập nhẩu PSE từ lâu. Một số công ty được lập ra hoạt động trong thời gian ngắn để mua bán tân dược có chứa tiền chất ma túy, sau đó thì… đi đâu không rõ. Thậm chí, các đối tượng thu gom thuốc tân dược chứa PSE xay thành bột để vận chuyển ra nước ngoài dưới vỏ bọc là bột mì, cà phê, phấn thơm trẻ em, như vụ cảnh sát Australia từng phát hiện bắt giữ 174kg PSE được vận chuyển cùng mì tôm, cà phê trong container từ Việt Nam xuất sang. Việc xử lý hình sự các đối tượng mua bán tiền chất lại rất khó khăn, đòi hỏi phải chứng minh được ý đồ sản xuất ma túy tổng hợp của đối tượng.

Theo đại tá Lê Thanh Liêm, các cơ quan chức năng cần kịp thời “vá” các lỗ hổng trong nhập khẩu, quản lý, kinh doanh, sử dụng dược liệu có chứa tiền chất ma túy, trong đó chú trọng đến tiền chất PSE. Người dân nếu phát hiện các khu vực, nhà nào xuất hiện các hiện tượng bất thường lại có mùi hôi thối, nước thải độc hại cần sớm trình báo cơ quan chức năng để kiểm tra, phát hiện xử lý sớm.

Trong buổi làm việc gần đây về tình hình phòng chống ma túy, mại dâm với Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết trong năm 2011, các doanh nghiệp dược tại TP đã sử dụng hơn 7 tấn thuốc có tiền chất ma túy. Đây là điều rất đáng lo trong hoàn cảnh còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý dược phẩm hiện nay.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục