Chưa có thời điểm nào, những chủ đề liên quan đến nguồn thực phẩm sạch như mua ở đâu, sản xuất thế nào được đại đa số người tiêu dùng quan tâm như hiện nay. Các doanh nghiệp (DN) cũng đang thực hiện việc tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất xanh và sạch.
Xu hướng tất yếu
Thời gian qua, hàng loạt DN tham gia các chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã ra mắt các sản phẩm hữu cơ (organic), sản phẩm VietGAP, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc hoặc các chương trình hợp tác đầu tư để phát triển nhiều loại thực phẩm sạch. Cách làm này đã và đang được chính quyền và người dân ủng hộ mạnh mẽ.
Điển hình như trường hợp Công ty Vissan trong tháng 4-2016 đã cung ứng 100% thịt heo đạt chuẩn VietGAP ra thị trường. Những tháng đầu năm 2017, Vissan tiếp tục đầu tư, tiến tới thực hiện việc truy xuất nguồn gốc tại tất cả các điểm bán thịt của Vissan trên toàn địa bàn TP. Mặt khác, Vissan cũng đang tích cực triển khai chuỗi thực phẩm 3F nhằm hoàn thiện mô hình quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, giám sát toàn diện từ trang trại đến bàn ăn. Tích cực khai thác sự quan tâm của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, vận dụng các ưu thế của công ty đẩy mạnh phát triển sản lượng thực phẩm tươi sống, tăng thị phần chiếm lĩnh thị trường. Nghiên cứu, xem xét phát triển bán thực phẩm tươi sống tại các tỉnh, thành phố lớn vào thời điểm phù hợp.
Trong 2 năm gần đây, Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cũng đã chuyển hướng đầu tư và kinh doanh. Song song với 100% số lượng các loại rau củ quả đạt chuẩn VietGAP đang phân phối tại các siêu thị, tháng 5-2017 vừa qua, Saigon Co.op đã ký kết phát triển chuỗi sản phẩm hữu cơ với các đối tác trong nước và nước ngoài, đồng thời ra mắt thương hiệu Co.op Organic. Theo Saigon Co.op, trong giai đoạn đầu phát triển dự án, sẽ có 4 nhóm thực phẩm hữu cơ (còn gọi là organic) mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, được đưa ra thị trường, gồm 2 loại gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi lê cá basa và tôm sú… Kể từ ngày 8-5, 4 nhóm thực phẩm này đã được bán tại 7 siêu thị của Saigon Co.op gồm Co.opmart Lý Thường Kiệt, Cống Quỳnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Đình Chiểu, Phú Mỹ Hưng và Co.opXtra Tân Phong (bên trong Khu phức hợp SC VivoCity TPHCM). Sản phẩm mang thương hiệu Co.op Organic không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không thành phần biến đổi gien.
Cùng với đó, nhiều DN như Công ty TNHH Ba Huân, Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Phạm Tôn… cũng đi theo hướng khép kín quy trình sản xuất nhằm đưa ra những sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng. Chính nhờ vậy, sản lượng và doanh thu của các DN đã không ngừng tăng, trở thành những DN đầu đàn trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm tươi sống tại TPHCM.
Phong trào sản xuất và tiêu dùng sạch hiện nay còn có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía người dân, các hộ gia đình. 10 năm về trước, chị Thảo (ngụ quận 2, TPHCM) được nghỉ hưu theo chế độ. Ngay sau đó, chị đã rủ một người bạn thân đi tìm đất để trồng rau sạch. “Tôi đã cống hiến hơn 30 năm cho Nhà nước, nên khi về hưu là thời điểm vàng để chăm sóc miếng ăn, thức uống cho gia đình. Làm vườn, trồng rau để hàng ngày được hòa mình vào thiên nhiên cũng là cách duy trì tốt sức khỏe”, chị Thảo tâm sự. Sau gần một tháng rong ruổi hết tỉnh Lâm Đồng, đến Long An rồi Tiền Giang, cuối cùng chị Thảo cũng đã mua được 5.000m2 đất ở Tiền Giang để trồng rau sạch.
Tương tự, cách đây 2 năm, gia đình chị T.H. (quận Bình Thạnh) và chị T.P.D. (quận 2) cũng chung tiền mua miếng đất diện tích chừng 200m2 rồi thuê người làm vườn đến ở và trồng các loại rau hữu cơ, nuôi thêm gà, vịt… để có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Theo tính toán của chị T.H. ngoài số tiền lương phải trả 6 triệu đồng/tháng cho người làm vườn, 2 gia đình còn có thêm các chi phí khác như tiền mua hạt giống, nước tưới, mua rác để ủ làm phân hữu cơ… Như vậy, tổng chi phí vào khoảng 10 - 13 triệu đồng/tháng. “Với số tiền này có thể vào siêu thị mua rau VietGAP dùng thoải mái nhưng vẫn không yên tâm. Chỉ đến khi chúng tôi mua đất rồi trồng rau theo ý mình thì mới hoàn toàn yên tâm khi sử dụng”, chị T.H. cho biết.
Nhưng không dễ làm
Cũng bàn về cách trồng rau organic, mới đây phó chánh văn phòng của một sở tại TPHCM cho biết, đang thử nghiệm 200m2 (trong tổng diện tích hơn 2.000m2) đất ở Củ Chi để trồng các loại rau quả. Mặc dù có thuê người làm vườn nhưng xem ra họ cũng không có nhiều kiến thức về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ nên tất tần tật chỉ trông chờ vào chính mình. “Nếu nói làm nông dễ, đó là sai lầm. Phải bắt tay vào làm đúng quy trình từ khâu xử lý đất, đến ủ phân, rồi chăm sóc, bắt sâu… mới biết làm nông nghiệp hữu cơ không đơn giản. Tôi đang chờ đến sang năm về hưu rồi mới có thể “sống chết” với nông nghiệp hữu cơ. Vất vả lắm chứ không đơn giản đâu!”, vị phó chánh văn phòng chia sẻ.
Với trường hợp chị Thảo, 10 năm mưa nắng trên cánh đồng rau nhưng đến nay, số lượng rau thu hoạch cũng có hạn, chỉ đủ dùng trong gia đình lớn của chị. Theo chị Thảo, nếu sản xuất sạch mà không cùng ăn, cùng ngủ và cùng làm với người dân thì sẽ không thể có được sản phẩm theo đúng ý mình. “Có không ít lần, tôi bắt gặp người làm vườn đã bón phân hóa học vì cho rằng rau chậm lớn và “xấu” quá, hoặc họ phun thuốc vào hàng rào để trừ sâu, ngăn bướm, thay vì dùng đèn vào ban đêm để dụ bướm hoặc chong đèn bắt sâu như tôi đã hướng dẫn. Cũng không thể trách họ vì thói quen của người dân là trồng rau thì phải bón phân, do vậy nếu mình không ở đó thì mọi việc sẽ hỏng hết. Còn nếu cứ ở mãi dưới Tiền Giang thì phải xa nhà, xa người thân. Đây là lý do tôi gác lại mong ước mở rộng sản xuất để có đủ rau hữu cơ cung ứng cho bạn bè, người thân”, chị Thảo trần tình.
Ở phương diện các DN khi bắt tay vào sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Saigon Co.op, sau nhiều năm chuẩn bị và không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay sản lượng và chủng loại hàng hóa hữu cơ cũng còn hạn chế.
Kết quả khảo sát nghiên cứu người tiêu dùng của AC Nielsen về ngành hàng thực phẩm hữu cơ cho thấy, một xu thế ăn uống mới đã hình thành ở người tiêu dùng Việt Nam. Tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm theo các nghiên cứu khoa học mà truyền thông khuyến nghị ngày càng gia tăng. Đó là chọn các thức ăn, đồ uống có thành phần tốt cho sức khỏe, không chứa các thành phần nhạy cảm và thực phẩm có thể làm thuốc. Hầu hết người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm địa phương, tự nhiên và hữu cơ khi có thể. Có không ít người dân TP đã chuyển từ chợ truyền thống sang mua ở các cửa hàng thực phẩm chuyên doanh. Trước nhu cầu về thực phẩm sạch, minh bạch về nguồn gốc ngày càng gia tăng từ cộng đồng, ngành hàng thực phẩm hữu cơ có nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Theo ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, tuy thị trường thực phẩm hữu cơ được xác định là đầy tiềm năng nhưng gặp phải vấn đề khó khăn trong việc xây dựng lòng tin và khả năng thu hút người tiêu dùng vì các lý do sau: Thứ nhất, hầu hết các đơn vị kinh doanh sản phẩm hữu cơ đều không có sản phẩm đạt được chứng nhận chất lượng từ các tổ chức quốc tế uy tín hoặc có nhưng sản lượng rất hạn chế. Thứ hai, người tiêu dùng chưa nhận thức và hiểu biết rõ ràng để phân biệt thực phẩm hưu cơ và thực phẩm sạch. Thứ ba, giá bán thực phẩm hữu cơ luôn cao hơn so với sản phẩm thông thường vì tốn nhiều chi phí từ khâu sản xuất đến phân phối. Mặt khác, vì chưa phân biệt được sản phẩm hữu cơ nên người tiêu dùng cũng ngại chi tiêu khi không chắc chắn là thực phẩm hữu cơ.
Dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng Saigon Co.op đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, nhân rộng điểm bán và phát triển thêm danh mục sản phẩm hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, đơn vị cũng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo môi trường, không làm tổn hại đến nguồn đất, nguồn nước, sinh vật xung quanh.