Sản xuất, tiêu thụ nông sản: Vẫn loay hoay bài toán thị trường

Tại ĐBSCL, nhiều hộ trồng khoai lang xuất khẩu đứng ngồi không yên vì giá giảm thê thảm và khó tiêu thụ. Đi dọc các xã Phú Long, Hòa Tân, Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi chứng kiến nhiều cánh đồng khoai lang xuất khẩu bạt ngàn, nhưng vắng người mua.

Nhiều năm qua, sản xuất nông sản ở nước ta hay lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá”, và khi được giá thì lại mất mùa. Tại TPHCM, trong khi rất nhiều nông sản được đưa vào tiêu thụ với giá cả hợp lý tại các siêu thị, trung tâm thương mại thì cũng có không ít mặt hàng hạ giá “khủng”, đổ đống ra đường, mòn mỏi chờ người mua. Tính chung trên cả nước, có nơi nông dân phải khóc ròng vì khó tiêu thụ nông sản, có nơi nông dân thư thả, an tâm vì sản phẩm mình làm ra đã có nơi tiêu thụ.

Rớt giá thảm

Tại ĐBSCL, nhiều hộ trồng khoai lang xuất khẩu đứng ngồi không yên vì giá giảm thê thảm và khó tiêu thụ. Đi dọc các xã Phú Long, Hòa Tân, Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi chứng kiến nhiều cánh đồng khoai lang xuất khẩu bạt ngàn, nhưng vắng người mua.

Ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ nhiệm Hội quán Đồng Tân (xã Phú Long, huyện Châu Thành), thở dài: “Hồi trước Tết Nguyên đán 2021, giá khoai lang tím Nhật được thương lái mua để xuất sang thị trường Trung Quốc dao động khoảng 1 triệu đồng/tạ (1 tạ = 60kg) nên nông dân lãi đậm. Tuy nhiên, sau tết đến nay, không hiểu sao giá khoai lang tím Nhật sụt liên tục xuống mức 600.000 đồng/tạ, rồi 400.000 đồng/tạ… Đến tháng 4-2021, còn khoảng hơn 200.000 đồng/tạ và mấy ngày nay rớt xuống mức chỉ 70.000-90.000 đồng/tạ. Với giá hiện tại thì hàng loạt hộ trồng khoai lang xuất khẩu xem như lỗ trắng”.

Sản xuất, tiêu thụ nông sản: Vẫn loay hoay bài toán thị trường ảnh 1 Giá khoai lang ở Đồng Tháp giảm mạnh
Theo ông Huynh, thống kê mới cho thấy chỉ riêng ở xã Phú Long còn khoảng 20ha khoai lang chưa bán được; trong khi vụ mùa cần phải thu hoạch dứt điểm trong vài tuần nữa để kịp gieo sạ lúa thu đông. Toàn huyện Châu Thành, mỗi năm sản xuất khoảng 3.400ha khoai lang (nhiều nhất ở tỉnh Đồng Tháp) nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, hiện tại giá khoai quá thấp và ế ẩm đã đẩy nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Theo UBND huyện Châu Thành, khoai lang rớt giá do việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.

Tại Tây Nguyên, những ngày qua, người dân ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk như đứng ngồi trên đống lửa vì bí đỏ đã đến vụ thu hoạch, nhưng thương lái ép giá không chịu thu mua. Đi theo trục đường chính vào xã, nhìn đâu cũng thấy bí đỏ được chất thành đống trước nhà dân.

Bà Phạm Thị Lưu (thôn 19 xã Cư Yang) cho biết, gia đình bà có gần 1ha bí đỏ, ước tính sản lượng khoảng hơn 20 tấn. Những ngày bà Lưu chạy đôn chạy đáo tìm người thu mua nhưng khi thương lái đến thì chê bí xấu rồi ép giá không chịu mua. “Mọi năm bí xấu chúng tôi vẫn bán được giá trung bình từ 3.000-5.000 đồng/kg, nhưng năm nay dù bí đẹp thương lái chỉ trả chúng tôi giá xuống còn 1.200 đồng/kg”, bà Lưu chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Cư Yang Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá của các mặt hàng nông sản giảm khiến người nông dân gặp khó trong tiêu thụ. Trên địa bàn xã có khoảng 90ha bí đỏ, sản lượng ước tính hơn 2.000 tấn. Hiện nay chính quyền địa phương cũng kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trang trại... thu mua bí cho người dân để giúp bà con thu hồi được vốn, tiếp tục tái đầu tư cây trồng khác.

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ vải thiều

Ở cách xa ĐBSCL, Tây Nguyên hơn 1.000km, nông dân ở tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cũng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch trái vải. Dù đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát ngay tại địa phương, nhưng phản hồi từ thực tế cho thấy, người nông dân ở đây không quá lo lắng bởi chính quyền địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan đã xây dựng được nhiều giải pháp tiêu thụ vải cho bà con.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, Cục đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế để kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý. Cục cũng yêu cầu bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với nông sản xuất khẩu nhằm tránh ùn tắc tại các cửa khẩu; tập trung hỗ trợ các địa phương xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Năm nay, Nhật Bản ủy quyền việc giám sát vải thiều xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch của Việt Nam. Do đó, khi có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.

Theo ông Hoàng Trung, vừa qua, Cục đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải thiều để xuất khẩu sang Nhật Bản. Đến nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ở các địa phương đều đã sẵn sàng nhằm chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang Nhật.

Ngoài ra, để “tiếp sức” cho thị trường nông sản, trước hết là mùa vải thiều ở 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang sắp vào thời điểm chín, Bộ Công thương cho biết, Cục Xúc tiến thương mại vừa phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, Sở Công thương tỉnh Hải Dương và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ (TPHCM) đưa trái vải thiều lên sàn thương mại điện tử Lazada để người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM có thể mua online từ ngày 15-5 với giá, chi phí, hình thức vận chuyển, giao nhận hợp lý nhất.

Hôm nay (18-5), UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Công, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore và Trung Quốc…

Tại hội nghị, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Lazada, hệ thống siêu thị của Vincommerce, các doanh nghiệp đầu mối thu mua xuất khẩu, cơ sở sản xuất, chế biến vải và nông sản Hải Dương sẽ chia sẻ những cơ hội và triển vọng hợp tác, chung tay đưa vải thiều và nông sản tới nhiều phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.

Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19, từ tháng 5-2020, Bộ Công thương cùng Bộ NN-PTNT cũng tích cực tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang sang Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Trở lại với thực tế ở ĐBSCL, những ngày qua, huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực liên lạc với các ngành chức năng của tỉnh, với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông dân. Về lâu dài, huyện cho biết, sẽ quy hoạch vùng sản xuất khoai lang xuất khẩu theo hướng chất lượng, vận động nông dân vào hợp tác xã, các hội quán… nhằm liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Song song đó, phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với khoai lang Châu Thành.

Còn tại Đắk Lắk, hiện ngành nông nghiệp của tỉnh đang cố gắng kết nối các doanh nghiệp, siêu thị... để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng, khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, kết nối chuỗi sản xuất để có thị trường tiêu thụ ổn định. Một bước chuyển đáng ghi nhận… dẫu rằng có muộn màng! 

Tin cùng chuyên mục