Sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tổ chức, thu hút 250 doanh nghiệp, nông dân tham gia.
Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua hai hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện cả nước đang có 11 triệu hộ nông dân đang sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhìn chung giá trị gia tăng trong xuất khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam còn thấp, gặp nhiều rào cản, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, diễn đàn lần này là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, hội nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc thảo luận để tìm ra các giải pháp, cũng như kiến nghị, đề xuất các chính sách lên Đảng, Nhà nước đối với nông dân”.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể.
Với EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.
Về góc độ mở cửa thị trường, hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm về 0% sau một lộ trình ngắn.
Cụ thể: ngay khi hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Tại diễn đàn, các địa biểu đã tập trung tìm hiểu, thảo luận về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.
Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, giảm thuế trong các thị trường là cơ hội để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang CPTPP mạnh mẽ hơn. Đối với CPTPP, tiềm năng cho nông sản Việt Nam là lúa gạo, cà phê, thuỷ sản. Đối với EU, lợi thế và tiềm năng của Việt Nam là thuỷ sản, trái cây.
Tuy nhiên TS Trần Công Thắng cho rằng, nông dân và nông sản Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn là phải cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường trong nước (sân nhà) khi mức thuế suất nhập khẩu giảm, nhất là sản phẩm chăn nuôi, trái cây...
Doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, EVFTA và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.