Sáng nay, 23-3, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người

(SGGPO).- Báo cáo với Quốc hội tại phiên họp sáng nay, 23-3, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, so với dự thảo trước, bản dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”; các quyền của nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, bảo vệ an toàn cho nạn nhân, việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân và hoạt động của các cơ sở này...

Về khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”, một vấn đề được nhiều dại biêu Quốc hội quan tâm cho ý kiến, dự thảo không giải thích thuật ngữ “mua bán người” mà quy định cụ thể các hành vi mua bán người và hành vi có liên quan đến mua bán người. Những hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có tiền, tài sản với tính chất là một khoản thù lao mà pháp luật cho phép thì không phải là “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”.

Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, dự thảo được chỉnh lý theo hướng nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất để khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở. UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng phải thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân.

Liên quan đến các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, với quan điểm nên tận dụng các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có, tránh đầu tư dàn trải, dự thảo Luật chỉ  cho phép thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội công lập ở các tỉnh thành trực thuộc trung ương, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng nguồn vốn tự có (không dùng ngân sách nhà nước) để thành lập nhằm tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) bày tỏ quan tâm đến việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán. Ông nói: “Có nhiều cơ quan liên quan đến việc này. Quy định lòng vòng giữa các cơ quan, trong khi chưa xác minh được thông tin về nạn nhân (thời gian tối đa lên tới 2 tháng), Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm sao có thể bố trí ăn ở, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trong suốt thời gian dài như vậy”? Ông đề nghị nên động viên và đưa ngay những người có điều kiện về với gia đình, các trường hợp khác đưa về cơ sở bảo trợ xã hội.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, tên gọi của Luật nên là “Luật Phòng chống buôn bán người” để nhấn mạnh yếu tố trục lợi của hành vi buôn bán người. Ông lập luận: “Có một số hành vi khác, như chuyển nhượng cầu thủ chẳng hạn, cũng là mua bán, nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật”.

Lưu ý đến yếu tố tâm lý của các nạn nhân, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) yêu cầu bổ sung quy định về “quyền được giữ bí mật thông tin” cho nạn nhân bị mua bán (về hình ảnh nhận dạng, đời tư...).

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập đến một hành vi mới phát sinh trong đời sống xã hội: hiện tượng đẻ thuê được phát hiện ở Thái Lan trong thời gian gần đây. Ông cho rằng, đây cũng là một trường hợp mua bán trẻ em, mà người đẻ thuê vừa là nạn nhân vừa là tội phạm. Cần xem xét quy định vào Luật để có căn cứ xử lý.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục