10 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ V-2005

Sáng tạo vì thương hiệu doanh nghiệp

Sáng tạo vì thương hiệu doanh nghiệp

Điểm chung nhất của 10 cá nhân đoạt giải năm nay là đề xuất và triển khai nhiều giải pháp công nghệ mới phù hợp với điều kiện lao động và ngân sách của đơn vị, góp phần tiết giảm chi phí ngoại tệ mua sắm thiết bị mới hay thuê mướn chuyên gia bên ngoài... Tối 20-8-2005, lễ trao giải sẽ được tổ chức tại  Nhà hát Thành phố.

Làm chủ công nghệ cao 

Sáng tạo vì thương hiệu doanh nghiệp ảnh 1
Trần Quốc Sỹ (bên phải)

Trưởng ban Quản lý kỹ thuật HTV Cao Anh Minh nhớ lại, giai đoạn 1996-1997, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng cho ngành truyền hình rất đắt, ngân sách của đài có hạn.

Tuổi trẻ nhiều hoài bão thôi thúc anh lao vào nghiên cứu thiết kế nâng cấp công nghệ để hoàn thiện chất lượng phát sóng với kinh phí chấp nhận được. Chính kiến thức 6 năm đèn sách ngành phát thanh truyền hình ở Nga đã giúp anh hoàn tất thiết bị dựng trên đĩa cứng (dựng phi tuyến) bằng linh kiện trong nước, vật tư thanh lý.

Thừa thắng xông lên, anh và các đồng nghiệp triển khai một cuộc “cách mạng công nghệ” mini trong đơn vị với những đề tài: Thiết kế hệ thống phát hình tự động cho truyền hình cáp HTV 1 (làm lợi 1,6 tỷ đồng); thiết kế quy trình trao đổi tin tức trên Internet sử dụng công nghệ MPEG-4 (giá thành khoảng 150 triệu đồng so với chi phí truyền và gởi tin qua mạng cáp quang VTN là 200 triệu đồng/năm)...

Khả năng tiếp cận, làm chủ công nghệ cao còn có thể bắt gặp ở Nguyễn Trần Duy Linh, Phó đài Vô tuyến cố định (VTCĐ) Tân Bình, Công ty Điện thoại Tây TP ở tuổi 30. Các giải pháp của anh đã làm lợi cho Bưu điện TPHCM hàng trăm triệu đồng như: Hệ thống cảnh báo bằng âm thanh cho tổng đài VTCĐ; viết chương trình OMT từ xa cho hệ thống VTCĐ CDMA LGE; thiết kế mạch theo dõi, tự động phát hiện tình trạng đàm thoại của thuê bao cần giám sát, phục vụ công tác an ninh… Theo anh, nếu thế hệ trẻ không dấn thân, tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ trở thành xưởng gia công cho thế giới.

Vì thương hiệu doanh nghiệp 
  

Sáng tạo vì thương hiệu doanh nghiệp ảnh 2
Hồ Ngọc Hương

Khi được hỏi cảm nghĩ về khuynh hướng chọn nghề “làm thầy hơn làm thợ”, trưởng ca bảo trì Nguyễn Hữu Lộc (PX chiết bia, Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn) cho rằng các bạn trẻ cần tự lượng sức mình nếu muốn nuôi dưỡng niềm đam mê ngành nghề sẽ theo đuổi.

Đó cũng chính là kinh nghiệm bản thân khi 20 năm trước, vì chiều ý gia đình, anh theo học khóa đào tạo y sĩ được 3 tháng mới thấy rằng không phù hợp bản thân.

Nhờ sớm chuyển sang học cơ điện mà bia Sài Gòn có thêm một chuyên gia tài năng với hàng loạt cải tiến mới, như việc “cải lão hoàn đồng” cho dây chuyền chiết bia lon số 1 làm tăng năng suất từ 12.500 thùng lên 14.500 thùng/ngày, làm lợi 778 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, ở Công ty Truyền tải điện 4, danh sách những sáng kiến kỹ thuật của Lê Đình Tuấn, Tổ trưởng sản xuất Xưởng bảo trì thí nghiệm cứ ngày càng dài.

Các thiết kế và giải pháp do anh đề xuất, triển khai đều giúp các trạm biến áp rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vật tư, chi phí gia công nên làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Vậy mà anh chỉ nghĩ đơn giản: đó là việc phải làm, khi thực tế công việc luôn đặt ra những thách thức không có trong sách.

KTS Nguyễn Văn Thuận tốt nghiệp đại học năm 1980 vào cái thời mà mọi người không màng chuyện làm đẹp ngôi nhà vì phải lo cái ăn. Vậy là đi làm ở NVH quận Phú Nhuận trong 7 năm ròng rã trước khi tìm thấy môi trường làm việc thích hợp KS Bến Thành. Cùng góp sức khôi phục lại thương hiệu REX thân thuộc du khách. Việc nâng cấp KS được giao cho “ê-kíp” kỹ thuật của anh Thuận. Bây giờ, có dịp tham quan các phòng ngủ khu Tây, VIP Lounge… ắt du khách ngày xưa sẽ thích thú trước sự giao hòa của kiến trúc Đông-Tây.

Ở đó, thiết bị điều khiển điện đầu giường; thẻ từ cắt điện khi khách ra khỏi phòng đều là tác phẩm của anh. Kinh nghiệm lớn nhất mà anh muốn nhắn nhủ lớp thợ trẻ là hãy mạnh dạn xông vào công việc với tâm huyết và nỗ lực cao nhất.

Bởi vì sáng tạo không tự dưng xuất hiện mà thường là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc. Cũng với tâm niệm “cố gắng trong từng việc nhỏ”, quản đốc Hồ Ngọc Hương (XN Chế biến hải sản và thực phẩm xuất khẩu, Công ty Cholimex) đã cùng đồng nghiệp tìm ra bí quyết lưu giữ hương sắc không phai và tăng thời gian lưu trữ sản phẩm từ 6 tháng lên 2 năm, góp phần khẳng định thương hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao” của các loại tương ớt, tương cà, satế Cholimex.

Trưởng thành từ người thợ
Ở một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam - XNLH Ba Son, anh Trần Quốc Sỹ có điều kiện rèn luyện để kế thừa sự nghiệp của người thợ cả Tôn Đức Thắng.

Trưởng thành từ chính lò đào tạo công nhân kỹ thuật của Ba Son, trong “lý lịch sáng kiến” của vị phó giám đốc xưởng vỏ tàu này đầy ắp những công trình chế tạo như thiết bị thử kín đường hàn chân không; bộ gá và tay cuốn dây cho việc hàn tự động thay thế robot... giúp đơn vị tăng sức cạnh tranh với các xưởng tàu bên ngoài.

Trong khi đó, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phúc (XN Toyota Bến Thành, Tổng Công ty Cơ khí - GTVT Sài Gòn) đã góp phần làm rạng danh người thợ Việt Nam bằng chiếc huy chương vàng kỹ thuật viên Toyota châu Á-Thái Bình Dương năm 2003.

Không chỉ tiếp cận công nghệ bảo trì xe hơi hiện đại mà anh còn cải tiến quy trình kéo nắn khung, thân xe, chế tạo bộ kéo sửa chữa tấm vỏ xe bên ngoài thay thế cho phương pháp thủ công để đảm bảo an toàn lao động, giảm thời gian sửa chữa xe…

Cũng với quan điểm “cái khó ló cái khôn”, động lực nghiên cứu, sáng tạo của Tổ trưởng cơ điện Nguyễn Văn Tư (Công ty cổ phần Dược phẩm 2-9) chưa lúc nào nguội. Nhớ lại những năm đầu sau giải phóng, công việc không có gì nhiều, anh lang thang khắp nơi, đụng đâu làm đó - những việc có tên lẫn không tên - cho đến ngày anh được thu dụng vào dược phẩm 2-9 năm 1983.

Được sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo đơn vị, sức sáng tạo của anh dần được thăng hoa với đề tài thu hồi nước máy trong hệ thống sinh hàn máy nước cất; lắp quạt hút gió nhỏ trên hàm ép máy Mespack H110, tiết kiệm cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, việc cải tiến mạch điện của hệ thống cất nước 50 lít/giờ đạt hiệu quả đến nỗi nhà sản xuất… xin anh chuyển giao công nghệ để cải tiến sản phẩm. Hành trình lao động sáng tạo của Đinh Tuấn Kiệt khá ly kỳ khi những giải pháp kỹ thuật của anh dường như không liên quan gì đến ngành học mà anh được đào tạo ở Trường Trung cấp GTVT 3.

Đầu tiên là công việc thống kê ở các công trình nâng cấp hệ thống đường sắt Bắc- Nam, xây dựng cầu La Ngà, cầu Trị An; phân xưởng cơ điện một công ty giấy, thủ kho một công ty may và hiện là tổng quản lý Công ty TNHH sản xuất bóng đèn Vĩ Châu.

Chính nơi dừng chân cuối cùng này cho anh cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo được tích lũy hàng chục năm qua. Đơn cử như, giải pháp chấm chì không cần nước trong quá trình sản xuất đèn dây tóc C7, giúp đơn vị giảm công lao động lau khô bóng đèn đã giải được bài toán về công nghệ mà nhiều nhà sản xuất bóng đèn trong nước đã chào thua.

Tin cùng chuyên mục