Ngay từ đầu năm 2006, ngành thể thao Việt Nam đã xác định rõ tâm điểm của đoàn thể thao nước nhà sẽ là cuộc tranh tài ở Asiad 15 diễn ra vào tháng 12 tới tại Doha (Qatar).
Từ đó, các đội dự tuyển quốc gia đã được thành lập ngay đầu năm, trong đó xác định rõ những nhóm môn sẽ chuẩn bị cho Asiad cũng như những nhóm sẽ tập trung cho các đại hội thể thao quan trọng khác như SEA Games 2007 vào năm sau.
Việc tập trung đã làm từ lâu, nhưng thuốc men bổ trợ cũng như chăm sóc y học cho các tuyển thủ hàng đầu quốc gia - một vấn đề tối quan trọng trong việc nâng cao thành tích của VĐV - lại chưa bao giờ được thực hiện song hành.

Bơi lội là một trong những môn rất cần các loại biệt dược bổ trợ, nhưng từ đầu năm đến nay, các tuyển thủ đều phải tự mua để sử dụng. Ảnh: NGUYỄN NHÂN.
Hiện nay, tại Trung tâm HLTTQG 1, nơi tập trung gần 40 đội tuyển và hàng trăm tuyển thủ, nhưng chỉ có hơn chục y, bác sĩ đảm trách việc chăm sóc sức khỏe. Trung tâm HLTTQG 2 ở khu vực phía Nam còn “thảm” hơn khi chỉ có 1 y sĩ và 2 bác sĩ quán xuyến cho cả Trung tâm lẫn trường Đại học TDTT được đặt chung tại đây.
Lực lượng y tế ít như thế nên họ không thể nào “chăm sóc sức khỏe” được hết các đội tuyển âu cũng là lẽ đương nhiên, trừ những trường hợp khám định kỳ hoặc sơ cứu tạm thời chấn thương trong lúc tập luyện.
Còn các tuyển thủ cũng không trông mong gì nhiều vào các bác sĩ nên mỗi khi trái gió trở trời, nhức đầu, sổ mũi… thì cứ tự “định bệnh” mà ra nhà thuốc mua uống cho nhanh, mà những loại thuốc ấy có dính vào “danh mục cấm” khi kiểm doping hay không thì chỉ có trời mới biết. Bài học từ SEA Games 22 trên sân nhà về việc này, đã 3 năm trôi qua, nhưng vẫn còn rất mới.
Những kỳ SEA Games vừa qua, đặc biệt là năm ngoái 2005, các tuyển thủ và ngành thể thao đã “kêu khan cả họng” vì sát đến thời điểm thi đấu mà kinh phí dùng để mua thuốc men bổ trợ đến sát thời điểm đại hội vẫn chưa được duyệt. Thuốc men bổ trợ phải uống trong một thời gian dài, lúc tập luyện nặng nhọc thì mới có nhiều tác dụng, chứ nếu đi thi đấu mới mang ra xài thì hiệu quả không được bao nhiêu. Còn nhớ, đến sát ngày lên đường tranh tài tại SEA Games 23 ở Philippines, thuốc men mới ùn ùn đổ về khiến các HLV và tuyển thủ nói đùa: “Uống ngập họng cũng không thể nào hết”.
Thế là sau SEA Games 23, thuốc men thừa mứa rất nhiều vì các tuyển thủ đã vào giai đoạn thả lỏng nghỉ ngơi nên đâu cần sử dụng làm gì, mà thuốc để lâu thì lại hết hạn sử dụng, gây ra sự lãng phí rất lớn. Bài học hồi năm ngoái tưởng sẽ được rút kinh nghiệm ở năm nay, nhưng xem ra chẳng thay đổi chút nào.
Nghe nói cách đây vài tháng, bộ phận y học của UBTDTT đã lên kế hoạch đến 2 tỉ đồng để chăm sóc y học toàn diện cho các đội tuyển tham dự ASIAD 15, nhưng đến nay, kế hoạch đó đã phá sản vì điệp khúc quen thuộc: “Không có kinh phí”. Cách đây 3 tuần, UBTDTT đã gút lại danh sách cuối cùng các tuyển thủ sẽ tranh tài tại ASIAD, đồng thời các lãnh đạo hứa sẽ đáp ứng thuốc men kịp thời cho các VĐV, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tịnh gì.
Trong khi các đội tuyển đang vào giai đoạn tập luyện nước rút và thuốc men thì không thể chờ nên họ đành phải tự bỏ tiền túi ra mua để mong cải thiện thành tích cho chính bản thân. Chưa kể một số đội tuyển đã lên đường ra nước ngoài tập huấn đến sát ngày tranh tài ASIAD thì số “biệt dược” nếu được mua về nước trong thời gian tới thì sẽ sử dụng ra sao? Xem ra sự lãng phí lại tiếp tục tái hiện.
Chuyện cũ, nhưng cứ đến mỗi kỳ đại hội lại tái diễn khiến dư luận cũng không khỏi bức xúc, có lẽ các vấn đề thuốc men, chăm sóc y học cho các tuyển thủ chưa được ngành thể thao xem trọng đúng mức để có những kế hoạch ngay từ đầu năm nên cứ để diễn ra tình trạng nước đến chân mới chịu nhảy như thế, rồi sau đó lại đổ cho việc “kinh phí không có, hoặc là được cấp chậm trễ”. Tình trạng thuốc men cho các đội tuyển “lúc cần thì không có, lúc có lại không cần” này đến bao giờ mới chấm dứt?
ĐỖ TUẤN