Năm 2012 được xem là năm đại bầu cử bởi các cường quốc từ châu Mỹ, châu Á đến châu Âu đồng loạt đến thời điểm bầu lại nhà lãnh đạo. Tuy không có những cơn chấn động địa chính trị thế giới như năm 2011 nhưng các cuộc bầu cử đã tác động không nhỏ đến địa chính trị và kinh tế thế giới.
Bùng nổ tranh chấp thương mại lẫn địa chính trị
Để vận động tranh cử, các ứng cử viên là những nhà lãnh đạo đương nhiệm và những gương mặt mới đã không ngần ngại thực hiện hoặc đưa ra những lời hứa bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ việc làm trong nước, bảo vệ thị trường nội địa cũng như thị trường truyền thống trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng mà lại đang đối mặt rủi ro suy thoái kép. Cùng với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cuộc chạy đua tranh cử đã dẫn đến việc bảo hộ mậu dịch gia tăng mạnh trong năm 2012. Căng thẳng nhất là các cuộc va chạm thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ở xứ sở Cờ hoa, ông Obama và quốc hội thường chia rẽ trong nhiều quyết sách nhưng lại luôn đứng bên nhau trong các luật trừng phạt hàng hóa Trung Quốc. Nổi bật nhất trong năm là Mỹ liên tục áp thuế chống bán phá giá lên các thiết bị năng lượng mặt trời của đối thủ bên kia bờ Thái Bình Dương. Nói về việc làm, ông Obama không ngần ngại chỉ đích danh hàng hóa Trung Quốc tràn ngập đã ảnh hưởng đến sản xuất của Mỹ, kéo theo thất nghiệp gia tăng ở đất nước này. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng đánh thuế ngành ô tô của Mỹ ước tính trị giá đến 3 tỷ USD. Cuộc đụng độ giữa châu Âu và Trung Quốc cũng không kém phần khốc liệt. Châu Âu cũng đánh thuế các thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc và Trung Quốc nộp đơn kiện EU lên WTO vì đánh thuế vô lý.
Trong năm 2012, WTO đã nhận 26 đơn kiện tranh chấp thương mại giữa các nước, mức cao nhất kể từ năm 2003 và gấp 3 lần năm 2011. Riêng Mỹ và Trung Quốc mỗi nước đều là bị đơn trong 6 vụ kiện khác nhau. Mỹ kiện nhiều nhất với 3 đơn chống Trung Quốc, 1 đơn chống
Argentina và Ấn Độ. Tình hình này buộc WTO phải tuyển thêm luật sư để giải quyết tranh chấp. Nguyên nhân, theo WTO là do các nhà lãnh đạo muốn khẳng định vị thế của mình bằng cách ra lệnh trừng phạt thương mại thay vì đàm phán với đối tác.
Không chỉ tác động đến quan hệ thương mại giữa các nước, sự vận động đổi ngôi của các sao trong năm 2012 cũng ảnh hưởng đến sự dịch chuyển sức mạnh quân sự trên phạm vi toàn thế giới. Như lịch sử từng chứng kiến, mỗi lần Trung Quốc chuẩn bị chuyển giao thế hệ lãnh đạo, họ luôn tăng cường sức mạnh cả trong nước lẫn ngoài nước. Trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11-2012, Trung Quốc đầu tư tăng tốc sức mạnh quân đội, tỏ ra cứng rắn không khoan nhượng dù không có bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền những vùng lãnh hải mà các quốc gia láng giềng tuyên bố chủ quyền. Thái độ của Trung Quốc đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang gay gắt nhất từ trước tới nay ở khu vực châu Á và biến châu Á trở thành nhà vô địch trong cuộc đua mua sắm vũ khí.
Điều trớ trêu là trong khi Bắc Kinh đang muốn chứng tỏ sức mạnh cường quốc của mình thì có hơn 80% dân chúng cho rằng Trung Quốc chưa là một cường quốc. Kết quả cho thấy người dân Trung Quốc thật sự hiểu cường quốc là gì chứ không chỉ là giương oai diễu võ và có GDP đứng hàng thứ 2 thế giới mà số người nghèo vẫn còn ngất ngưởng.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông, vùng biển có đến 2/3 tàu bè thế giới qua lại, gây sóng gió trong vùng biển Hoa Đông với các đồng minh thân cận của Mỹ đã khiến Mỹ lo sợ mất ảnh hưởng khu vực. Mỹ chính thức tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược cùng 60% sức mạnh quân sự về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hậu quả của sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc là châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á, đã chiếm ngôi đầu bảng trong danh sách các điểm nóng nhất thay cho khu vực Trung Đông trong năm 2012.
Phép thử cho những “kỳ thủ”
Sự trở lại Điện Kremli của Tổng thống Nga V.Putin cũng đang đóng vai trò khá quyết định đối với bàn cờ chính trị thế giới. Trong giai đoạn tranh cử, ông Putin khẳng định nước Nga cần đứng vững trên đôi chân của mình và cứng rắn hơn với phương Tây. Nước Nga dưới thời ông Putin sẽ không có chuyện bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an LHQ đối với bất kỳ một nghị quyết mở đường cho một cuộc chiến tranh hay cấm vận vô lý. Và từ khi đặt bàn tay phải lên bản Hiến pháp ông Putin đã có những quyết định khiến Mỹ bất ngờ: chấm dứt hoạt động của Cơ quan Viện trợ quốc tế Mỹ USAID vì cơ quan này trên thực tế chỉ can thiệp công việc nội bộ của Nga; cấm tuyệt đối người Mỹ nhận con nuôi từ Nga; cấm các tổ chức phi thương mại hoạt động chính trị ở Nga bằng kinh phí của Mỹ… Nga cũng hiểu rõ vai trò của châu Á trong tiến trình phát triển quyền lực chính trị và kinh tế của mình nên đang ra sức tăng cường quan hệ hợp tác với các nước châu Á nhưng có phần lặng lẽ chứ không khua chiêng đánh trống kiểu người Mỹ.
Quay trở lại Trung Đông và Bắc Phi, nơi hai năm trước Mùa xuân Ả Rập mang theo những cơn bão táp quật ngã hàng loạt chính phủ. Những diễn biến trên chính trường các nước Trung Đông năm qua khiến phương Tây thật sự bối rối bởi họ chính là lực lượng ủng hộ làn sóng cách mạng lật đổ các chế độ mà họ cho rằng độc tài ở các nước Trung Đông nhưng rồi kết quả đã không như mong đợi.
Tình hình thực tế trong khu vực đã cản trở Mỹ và các đồng minh phương Tây có một giải pháp quyết liệt cho vấn đề Syria bởi phe đối lập ở Syria đang bắt tay với các nhánh Al Qaeda và các tổ chức khủng bố khác. Mỹ chưa muốn động binh với Syria (như thông lệ chính sách đối ngoại của nước này) không phải vì kinh tế Mỹ đang khó khăn, cũng không phải vì sự cứng rắn của Nga. Lịch sử chứng minh sau mỗi lần lâm chiến, các chính phủ Mỹ luôn lấy điểm với cử tri vì chứng tỏ được sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới và các tập đoàn sản xuất, buôn bán súng, theo sau là các nhà thầu tái thiết sẽ thu được những món hời khổng lồ. Vấn đề ở chỗ Mỹ không muốn rơi vào tình thế khó xử như ở Ai Cập, đất nước hiện đang trong tầm kiểm soát của các lực lượng Hồi giáo không mấy thiện cảm với Mỹ - nhà viện trợ hàng đầu cho Ai Cập bao năm nay.
Những nước cờ chính trị trong năm 2012 đang tạo ra một thế cờ mới buộc các kỳ thủ - những nhà lãnh đạo các nước lớn phải có những bước đi tiếp theo phù hợp. Và điều chắc chắn là đối đầu Trung - Mỹ không suy giảm nếu không có sự đổi chác lợi ích đột phá, đối đầu Nga - Mỹ cũng tăng lên ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin. Và các nước châu Á sẽ là những đối tác “quý báu” trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga ở khu vực đang được xem là năng động nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, không có quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những thách thức một cách đơn lẻ. Vì vậy các nước lớn dù còn nhiều mâu thuẫn cũng sẽ chơi nước cờ vừa hợp tác vừa kiềm chế để phục vụ lợi ích quốc gia của mình.
Việt Trung