Nghe tin HLV Vương Tiến Dũng về với Xi măng Hải Phòng, vừa mừng, vừa băn khoăn cho ông. Băn khoăn vì thấy tuổi già đang đè nặng trên đôi vai trong khi nhiệm vụ thì không hề dễ dàng trong cuộc chơi V-League mùa tới...

HLV Vương Tiến Dũng sẽ “tái xuất giang hồ” ở CLB Xi măng Hải Phòng tại V - League 2008. Ảnh: Quang Minh
Ông Dũng có thể thích hợp với đội bóng Hải Phòng đơn giản vì ông sẽ được bắt đầu từ con số 0. Hải Phòng là tân binh của V-League, con người hầu như không nổi bật, nói như Giám đốc Sở TDTT Ngô Văn Hổ là Hải Phòng không có kiêu binh. Với lực lượng ấy, một người chỉ biết làm chuyên môn như ông Dũng sẽ dễ dàng nhập cuộc hơn.
Ông Dũng đã thất bại ở Bình Dương và Hòa Phát vì ông không có được cái uy quyền của một vị “tướng”. Ông không dàn xếp được những vấn đề bên ngoài chuyên môn và vì thế, không được cầu thủ kính nể thật sự. Nhưng ở Hải Phòng, danh tiếng của ông có thể sẽ tạo thêm lòng tin cho các cầu thủ vốn không thật sự tiếng tăm.
Mặt khác, việc Hải Phòng mời ông Dũng cho thấy họ am hiểu khá rõ năng lực của mình. Thay vì lao vào thị trường chuyển nhượng nhiều tốn kém nhưng lắm rủi ro, họ đầu tư vào một HLV giỏi để xây dựng đội bóng từ điểm thấp nhất. Cách làm ấy thích hợp trong bối cảnh hiện nay và cũng hoàn toàn hợp lý. Khi mà thị trường chuyển nhượng đầy rẫy những giá trị ảo thì tại sao không đầu tư vào người lái tàu?
Thử nhìn lại 2 đội bóng được xem là thành công nhất trong 5 năm vừa qua, đó là ĐT.LA và HA.GL mà xem, bộ sậu BHL của họ không có sự thay đổi nào đáng kể và sự thành công của họ buộc các lãnh đạo CLB cần có cái nhìn nghiêm túc về chuyện đầu tư cho các vị “tướng”. Và việc đầu tư bắt đầu từ chuyện mời các vị “tướng” ấy ra sao.
Trên thực tế, những lãnh đạo CLB đều mong muốn có các HLV ở lại lâu dài với họ để định hình phong cách và chuẩn mực về lối chơi cho toàn đội, nhưng tại Việt Nam, những HLV có hợp đồng dài hạn cũng như chấp nhận hợp đồng dài hạn hơi ít. Bản thân các HLV trong nước của chúng ta hiện nay đều thiếu một chút... dũng khí để đi trọn con đường.
Mặt khác, khi nhận lời mời ở các đội bóng, HLV cũng khá e dè không biết mình được ủng hộ bao lâu. Nói chung, tại Việt Nam tồn tại sự mâu thuẫn: Lãnh đạo CLB không kiên nhẫn vào quá trình đầu tư, còn HLV thì không kiên nhẫn vào năng lực của họ.
Cách làm của GĐT.LA và HA.GL là cách làm căn cơ. Ai cũng biết, thành công của SLNA hồi V-League bắt đầu nhờ vào quá trình làm việc lâu dài của cặp Nguyễn Hồng Thanh - Nguyễn Thành Vinh. HA.GL thì có cặp Nguyễn Văn Vinh - Huỳnh Văn Ảnh; GĐT.LA thì là Calisto - Huỳnh Ngọc San.
Trong quá trình xây dựng đội bóng, có không ít những bất đồng và cũng có không ít những HLV đòi ra đi, nhưng vì cái chung của CLB và sự kiên định của lãnh đạo mà mối “lương duyên” ấy tồn tại để giữ được sức mạnh cho CLB.
Có một vị tướng giỏi, chưa hẳn đã thành công, nhưng nếu không có HLV tài năng thì dù lực lượng có mạnh đến mấy thì chắc chắn cũng không thể có được vinh quang. Bình Dương mấy mùa trước khi vô địch đã có được nhiều bài học về vấn đề trên cho đến lúc mời được ông Lê Thụy Hải về. ĐT.LA bảo là có được nền tảng CLB khá tốt, nhưng vẫn phải tìm cách giữ chân ông Calisto.
Nhưng không phải đội bóng nào cũng ưu tiên cho chiếc ghế quan trọng ấy nếu không nói rằng, nhiều đội vẫn xem HLV chỉ là một phần của CLB chứ chưa đánh giá hết tầm quan trọng của người lái tàu. Nhiều HLV là những người giỏi nhưng trong công việc, họ thiếu sự hết lòng ủng hộ của lãnh đạo CLB.
Từ sự thiếu ủng hộ trên mà cầu thủ không ngán các HLV, để rồi nói như một người từng cầm quân “ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ hết 3”. Quả thật, nếu quyền lực trong tay HLV là tối cao thì chính họ sẽ giữ được 3 chiếc chân ghế chứ không phải là cầu thủ. Hiện nay, ở làng bóng đá Việt Nam, khi cầu thủ “nổi loạn”, cách tốt nhất để giữ yên ổn là cho HLV từ chức.
HLV giỏi ở bóng đá Việt Nam không phải là nhiều, vì vậy, cần phải ưu tiên cho vị trí này. Nếu trong nước không có đủ thì có thể làm theo mô hình ở ĐT.LA. Chỉ tiếc là công cuộc tìm HLV ở Việt Nam thường được giải quyết sau cùng theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Hồ Việt
Nỗi niềm của riêng một người Làm bóng đá ở Việt Nam không chỉ giỏi về chuyên môn là đủ. Người ta khen ông thầy Calisto ở ĐT.LA là “phù thủy tâm lý”. Người ta nói ông Nguyễn Văn Vinh ở HA.GL là “nhà hiền triết bóng đá”, người ta khen ông Thanh của SLNA trước đây là “Khổng Minh”, tất cả đều nhắc đến thuật dùng người của những người thành công với các CLB của mình. Cũng cần phải nhắc lại: cả ba vị ấy đều không trực tiếp đứng tên làm HLV trưởng, nhưng họ như người cầm lái thành công của các CLB. Cầu thủ ở Việt Nam rất dễ thành “ngôi sao”, và họ cũng cảm nhận khá nhanh vai trò của mình, vì thế, HLV nếu không chắc tay, có thể sẽ không điều khiển được họ. Cầu thủ giỏi thì ít, tìm người thay thế họ không nhiều, nếu không quản được họ thì HLV là người phải chịu trách nhiệm. Chưa kể bóng đá Việt Nam còn khá nhiều mối quan hệ phức tạp cần phải giải quyết trước giờ ra sân thi đấu, thế nên, HLV nếu chỉ biết xếp binh đá trận là chưa đủ... Ông Hảo của Nam Định là người vốn nhẹ nhàng, thích uống trà sáng ở quán cóc, ít khoa trương. Ông Dũng của Bình Dương, Hòa Phát cứ hiền hiền như một nhà nghiên cứu. Cái phong cách ấy đôi khi không đủ để chống chọi với những con sóng dữ lúc khó khăn. Vì thế, khi ra đi, họ chấp nhận lặng thầm ôm nỗi niềm của riêng mình. H.V |