
(SGGPO). – Sáng nay, 17-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn cần tập trung vào những vấn đề chung, mang tầm vĩ mô, những vấn đề bức xúc mà đa số cử tri quan tâm. Các phiên chất vấn sẽ được tiến hành theo nhóm vấn đề với tinh thần tập trung cao hơn nữa, tránh dàn trải, vụn vặt.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu là thành viên Chính phủ đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn của các ĐBQH với 3 nhóm vấn đề lớn: hiệu quả gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, điều hành tỷ giá, điều hành lãi suất. Về gói hỗ trợ lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết đây là giải pháp kích thích kinh tế tối ưu, chi phí thấp, và đến nay đã có hiệu quả thiết thực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Văn Giàu trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội. Ảnh: Minh Điền
Bên hành lang kỳ họp QH sáng nay, nhiều ĐBQH quan tâm đến câu chuyện tiền xu – vấn đề được Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Thị Nga đưa ra chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) nói, ông đồng tình với việc không phát hành tiếp tiền xu, nhưng cho rằng, lẽ ra Thống đốc phải cho biết kế hoạch để tiếp tục sử dụng số tiền xu đang tồn tại trong xã hội, chứ không thể thụ động chấp nhận việc tiền xu bị loại khỏi lưu thông. Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch nói: “Tiền xu không thể thiếu trong một xã hội văn minh, ít sử dụng tiền mặt. Nếu tính toán kỹ lại mệnh giá tiền xu để phù hợp hơn với thời giá bây giờ thì sẽ khả thi hơn”. Ông Lịch gợi ý thêm về việc lắp đặt các loại máy bán hàng, bán vé tự động sử dụng tiền xu và cho biết “tôi vẫn đang sử dụng tiền xu”. BÌNH AN |
Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng góp phần làm tăng dư nợ tín dụng, gây sức ép tăng tỷ giá, có thể phát sinh hiện tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi. Đối với công tác quản lý ngoại hối, Thống đốc cho biết từ năm 2007 đến nay thị trường ngoại hối diễn biến khá phức tạp. Nếu như năm 2007 nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và kiều hối đổ vào Việt Nam lên đến gần 9 tỷ USD, thì năm 2008 và 10 tháng đầu năm 2009 lại sụt giảm mạnh. Tính đến nay, nguồn vốn FII ở mức âm 500 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhập siêu cũng gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối. Năm 2008, nhập siêu đến 18 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2009 nhập siêu 8,9 tỷ USD, và dự báo trong 2 tháng còn lại của năm có thể nhập siêu khoảng 3-3,5 tỷ USD. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường, tính từ cuối năm 2008 đến nay VND mất giá so với USD khoảng 5,18%.
Là người chất vấn đầu tiên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt vấn đề, theo luật, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Để VND trượt giá như vậy, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến đâu: “Thống đốc nhiều lần nói Việt Nam không phá giá tiền đồng. Chúng tôi nhất trí chủ trương này. Tuy nhiên, sắp tới nhiều mặt hàng có tác động lớn sẽ thả nổi giá theo cơ chế thị trường, lương cơ bản cũng sắp tăng. Vậy Thống đốc sẽ tham mưu những giải pháp gì cho Chính phủ để ổn định giá trị đồng tiền, vừa bảo đảm theo cơ chế thị trường?”.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, mặc dù Ngân hàng Nhà nước luôn theo đuổi mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, nhưng vấn đề này còn liên quan đến cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế. “Sắp tới sẽ thị trường hoá giá xăng dầu, giá than, tăng lương cơ bản, chắc sẽ có những tác động nhất định. Chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tiếp thu, xây dựng phương án để điều hành một cách tốt nhất” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.
Liên quan đến gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nêu số liệu chỉ có 20% doanh nghiệp được tiếp cận gói kích cầu: “Như vậy, không thể nói như Thống đốc là gói kích cầu này rất hiệu quả. Chính việc nới lỏng chính sách tiền tệ mới giúp DN tiếp cận vốn tín dụng không có hỗ trợ lãi suất để vượt qua khó khăn”.

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiền xu. Ảnh: Minh Điền
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lý giải, quan điểm của Chính phủ khi đưa ra gói kích cầu hỗ trợ lãi suất là chỉ lựa chọn một số đối tượng trực tiếp sản xuất, xuất khẩu, có nhiều lao động… để hỗ trợ. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 102.000 DN được tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất, trong khi theo VCCI nước ta hiện có khoảng 360.000 DN. “Như vậy, nói chỉ 20% DN tiếp cận gói kích cầu là không phù hợp lắm” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Cũng liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ĐB Danh Út (Kiên Giang) băn khoăn rằng, dù gói kích cầu đạt hiệu quả, nhưng có quá nhiều thủ tục và điều kiện, chẳng hạn như theo Quyết định 479, nông dân phải đáp ứng được 8 điều kiện mới được vay. Vì thế, người nông dân “với tay không tới”, khó tiếp cận nguồn vốn này.
“Thủ tục đã vậy, nhưng khoản vay cũng quá nhỏ, chỉ được vay 7 triệu đồng, trong khi nhu cầu của dân ít nhất là 15 triệu đồng. Bắt dân mua hàng trong nước, nhưng Bộ Công thương, các sở công thương không chỉ ra cho dân hàng nội địa bán ở đâu. Để vay được, người dân phải mua hoá đơn VAT với giá 10%, trong khi chỉ hỗ trợ lãi suất vay 4%, người dân thiệt đến 6%” – ĐB Danh Út bức xúc.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, Quyết định 497 khi đi vào thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc như các ĐBQH phản ánh. Chính phủ đã giao Bộ Công thương sửa đổi ngay, và phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi 3 vấn đề. Cụ thể là: làm rõ vấn đề nội địa hóa; bỏ thủ tục xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã; không giới hạn mức vay 7 triệu đồng. Liên quan đến vấn đề hoá đơn, theo quy định hiện mua hàng hoá từ 100.000 đồng trở lên phải có hoá đơn VAT. “Nếu ngân hàng bỏ qua quy định này thì sẽ tiếp tay cho trốn thuế. Đây là vấn đề rất khó” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.
ĐB Danh Út tiếp tục có thêm ý kiến: “Từ tháng 5-2009, Quốc hội đã có kiến nghị sửa đổi Quyết định 497, nhưng đến nay chưa sửa là chậm. Nghe Thống đốc nói sắp sửa, tôi rất mừng và sẽ chờ xem”.

Đại biểu Trần Du lịch đang chất vấn. Ảnh: Minh Điền
Là một chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn nói: “Với Quyết định 497, nơi nào chấp hành nghiêm các quy định là không giải ngân được. Chỉ nơi nào “xé rào” mới cho vay được. Vậy hành vi xé rào này có bị xử lý?”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời, sẽ xem xét việc “xé rào” này. Nếu các ngân hàng về cơ bản không vi phạm các quy định thì sẽ… xem xét (!?).
Đang là chủ một doanh nghiệp lớn, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) đem đến nghị trường bức xúc lớn về vấn đề tỷ giá. Bà cho biết hiện nay quan hệ cung - cầu ngoại hối đang căng thẳng, doanh nghiệp muốn mua USD rất khó. Tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn giá chính thức tới 300-400 đồng/USD: “Phải chăng tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước không phản ánh đúng thực tế?”. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để ổn định tỷ giá, nhưng hơn 20 năm qua Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Năm ngoái nước ta nhập siêu 18 tỷ USD, khó khăn còn chưa giải quyết hết. Năm nay, nền kinh tế có nhiều sụt giảm, trong đó có xuất khẩu tăng trưởng âm; kiều hối, FII và du lịch giảm… gây thêm nhiều khó khăn mới gây áp lực cho tỷ giá.
“Giải pháp khắc phục nhanh nhất là thắt chặt chính sách, nhưng điều này lại mâu thuẫn với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Nhiều ý kiến cho rằng cần phá giá VND, nhưng điều này rất nguy hiểm vì nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp của ta đang rất cao. Vì thế, chúng ta phải giải quyết dần khó khăn bằng các biện pháp điều hành linh hoạt, không thể giải quyết tức thời” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chia sẻ.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Thị Loan phản bác: “Tôi nghĩ căng thẳng ngoại hối không phải di thiếu ngoại tệ mà do hiện tượng găm giữ. Xin Thống đốc cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?”. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước trả lời: “Hiện chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ về nguồn ngoại tệ bổ sung. Nhưng đây là vấn đề lớn và nhạy cảm, xin được báo cáo riêng”. ĐB Trần Du Lịch tham gia thêm: “Căng thẳng ngoại tệ hiện cơ bản là do mất cân đối cung - cầu do nguồn ngoại tệ vào giảm mạnh”. Ông Lịch kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không nên vì quá chú trọng tăng trưởng mà gia tăng tín dụng, “neo” tỷ giá, làm tăng cầu ngoại tệ, vì nếu không cẩn thận trong năm 2010, tỷ giá sẽ là yếu tố gây bất ổn vĩ mô.
Ngoài vấn đề tỷ giá, ĐB Phạm Thị Loan còn lưu ý về tốc độ tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, qua 10 tháng tăng trưởng tín dụng đã đạt 33%, dự đoán cả năm có thể lên đến 40%. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng ở mức 30% như mục tiêu đã đề ra: “Vấn đề không phải là tăng bao nhiêu, mà là chúng ta đã không kiểm soát được. Vậy thời gian tới liệu có thêm “cú sốc” thắt chặt tiền tệ nào để đối phó với tình trạng này, gây khó khăn cho DN không?”.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu giải thích, khác với năm 2007, Nhà nước đưa tiền ra mua ngoại tệ, năm nay cân đối vốn cho nền kinh tế do các tổ chức tín dụng huy động từ thị trường, không có cung tiền từ Ngân hàng Trung ương, nên tác động đến lạm phát rất ít. Huy động vốn hiện đang thấp dần, nên tăng trưởng tín dụng cũng sẽ chậm lại. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chủ trương chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, vẫn nới lỏng nhưng theo hướng thận trọng.
ĐB Trần Du Lịch đưa ra câu hỏi: “Tăng trưởng tín dụng lên gần 40%, nghĩa là cứ đạt 1 đồng tăng trưởng, phải chi ra 8 đồng tín dụng. Có nước nào như vậy không?”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời, nếu nước ta ở giai đoạn bình thường thì tăng trưởng tín dụng ở mức 3,85 lần so với GDP. Năm nay, ban đầu Chính phủ dự tính tăng trưởng tín dụng ở mức 4 lần GDP, nhưng sau đó do tập trung vượt qua suy giảm kinh tế nên tăng lên khoảng 6 lần. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ này ở khoảng 1-1,3 lần, riêng Indonesia khá cao, ở mức 3,2 lần. “Tín dụng tăng cao nhưng chúng ta giám sát chặt chẽ” – Thống đốc cam kết.
Để giải đáp các băn khoăn của ĐBQH, trong buổi sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu thêm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tham gia trả lời thêm về hiệu quả gói kích cầu. Chiều nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH thêm khoảng 30 phút, trước khi Quốc hội chuyển sang phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp.
HÀM YÊN
Chỉ có 26 kiến nghị chưa được hồi âm
(SGGPO). – Sáng nay, trước khi các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng đã đọc báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ ký họp thứ V tới nay. Theo thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có 967/993 kiến nghị của cử tri được trả lời.
Theo báo cáo này, chỉ có 26 kiến nghị chưa được hồi âm. Tuy nhiên, so với báo cáo về nội dung này tại kỳ họp trước, số kiến nghị chưa có hồi âm đã tăng hơn hai lần (kỳ trước là 12 kiến nghị). Trong số những kiến nghị đã được hồi âm, có tới 625 kiến nghị đã được xem xét giải quyết. Trong đó có thể kể tới nội dung: việc hỗ trợ lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm giá điện giờ cao điểm buổi sáng, hỗ trợ kinh phí khắc phục thiên tai, tăng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng...
Cũng theo ông Trần Thế Vượng, 172 ý kiến đang trong quá trình xem xét, giải quyết liên quan đến đầu tư lưới điện nông thôn, điều hành xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vấn đề quy hoạch, xây dựng sân golf….Đây cũng là những vấn đề trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và các bộ trưởng đã hứa sẽ giải quyết.
Vẫn còn tới 58 kiến nghị được trả lời sẽ “nghiên cứu, tiếp thu” để ban hành chính sách hoặc báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định, bao gồm quyền lợi của người mua nhà chung cư trong trường hợp nhà hết hạn sử dụng phải xây mới; chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam; chính sách hỗ trợ đối với học sinh thuộc diện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, việc cấp vốn cho các dự án…
Cũng theo báo cáo này, các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế tăng giá, vấn đề xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long… nằm trong 66 kiến nghị mà cơ quan có thẩm quyền giải trình còn có những khó khăn, vướng mắc.
Theo tổng hợp của VP Quốc hội về việc thực hiện lời hứa qua hoạt động chất vấn từ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII tới nay, về vấn đề cắt giảm sân golf, Bộ KH- ĐT cho hay, Bộ đã đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống sân golf đến năm 2020, số sân golf đã giảm từ 116 sân xuống còn 89 sân golf, trong đó có 19 sân golf đã đi vào hoạt động. “Như vậy, số lượng sân golf đưa vào quy hoạch đã giảm 77 sân golf, diện tích giảm hơn 9.000 ha so với 166 sân golf được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương có dự án quy hoạch sân golf. Địa phương giảm nhiều nhất là Hà Nội và Bình Thuận, mỗi địa phương giảm 11 sân, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 8 sân,...:, Bộ này cho biết.
Còn theo trả lời của bộ TN-MT, kết quả kiểm kê quỹ đất đã phát hiện việc các tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng đất chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, còn để xảy ra hiện tượng như sử dụng không đúng diện tích, không đúng mục đích, không sử dụng, để bị lấn chiếm, cho mượn, cho thuê trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật và đặc biệt qua kiểm kê đã phát hiện nhiều diện tích đất chưa sử dụng của các tổ chức, đặc biệt là khối cơ quan nhà nước; từ đó làm cơ sở để các cấp, các ngành đánh giá đúng thực trạng tình hình và đề xuất các biện pháp quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đối với quỹ đất đã giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng.
Từ thực tế giải quyết cử tri của các bộ ng ành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngày càng được coi trọng, chất lượng ngày càng được nâng cao: “Phần lớn những kiến nghị cụ thể đều đã được các bộ xem xét, giải quyết, trả lời, đã đưa ra giải pháp và chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, một số bộ chưa trả lời thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị, chưa nêu rõ phương hướng và lộ trình giải quyết với những kiến nghị việc giải quyết cần có quá trình. Còn có những trường hợp thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan dẫn đến việc giải quyết kéo dài, gây bức xúc cho cử tri.
Thậm chí, có những trường hợp các cơ quan đã trả lời, nhưng cử tri vẫn không đồng tình. Qua thực tế giám sát của Quốc hội thì thấy rằng việc giải quyết kiến nghị đó chưa chính xác, cần phải xem lại. Có những đơn vị chậm trả lời kiến nghị cử tri nên ĐBQH đã không thể báo cáo được kết quả giải quyết khi đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp mới.
PHAN THẢO
![]() ![]() ![]() ![]() |
| |
CÁC TIN, BÀI KHÁC >> | |
![]() | TPHCM: Chậm di dời tiểu thương đến chợ An Sương - Phường đổ quận, quận chờ thành phố (17/11/2009,03:09) |
![]() | Showroom hàng quà tặng Việt Nam 2009 (17/11/2009,02:06) |
![]() | Không để xảy ra tình trạng khan hiếm gạo (17/11/2009,01:17) |
![]() | Ở đâu “ngành công nghiệp” ti vi, máy vi tính Việt Nam? - Bài 1: Số “0” tròn trĩnh(16/11/2009,02:13) |
![]() | “Ế” nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên(16/11/2009,01:51) |
![]() | Thêm dây chuyền xử lý trứng sạch 120.000 quả/giờ (15/11/2009,01:47) |
![]() | Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp vừa và nhỏ hết cửa? (15/11/2009,01:23) |
![]() | Giá lúa, gạo nguyên liệu cao nhất từ đầu năm đến nay (15/11/2009,00:44) |
![]() | Xuất thiết bị khử mặn qua Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (14/11/2009,03:53) |
![]() | Các doanh nghiệp Việt – Pháp ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 9,5 tỷ USD (14/11/2009,02:19) |
|