Sắp xếp lại để tiến xa hơn, nhanh hơn - Bài 4: Cải thiện chất lượng dịch vụ công

Tổng kết phiên giám sát tối cao của Quốc hội về sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2019-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiệu quả của chủ trương này không đơn thuần đo lường bằng việc cắt giảm được bao nhiêu ĐVHC, tinh giản bao nhiêu biên chế…, mà quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Hữu Thuyết, Chủ tịch UBND phường Đồng Hải (nhập từ phường Đồng Mỹ và Hải Đình, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Khi sáp nhập cấp xã, phường, trước hết phòng nội vụ nên rà soát tình hình cán bộ, hết sức tránh cán bộ dôi dư, khó bố trí. Lộ trình phải hợp lý nhằm đảm bảo cơ hội phát triển ngày càng bền vững của cán bộ, vì bộ máy nhà nước cần người lành nghề, quen việc”.

Đại diện lãnh đạo cơ sở ở một đô thị lớn, ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội), cũng chia sẻ: “Khi bắt đầu thực hiện sắp xếp thực sự rất khó khăn, có nhiều tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhưng, chúng tôi xác định phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nên cố gắng giải quyết tốt nhất chế độ chính sách; đặc biệt với đội ngũ cán bộ dôi dư, ngoài chế độ theo quy định, quận còn thực hiện các chế độ đặc thù. Quận cũng phối hợp tích cực với các sở ngành của thành phố giải quyết tốt thủ tục hành chính cho người dân được thuận tiện, nhất là liên quan giấy tờ về đất đai”.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) nhận xét, việc xử lý số lượng cán bộ dôi dư ảnh hưởng lớn đến đời sống, công việc thậm chí là sự nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có năng lực; ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm không chỉ của người “đi” mà cả người “ở lại”, vì vậy đây là vấn đề lớn cần được tập trung giải quyết một cách hợp lý, hợp tình.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài cơ chế chính sách chung về tinh giản biên chế phải có chính sách và mức hỗ trợ phù hợp, thỏa đáng đối với cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc do dôi dư, khuyến khích cán bộ tự nguyện thực hiện chính sách tinh giản. Bên cạnh đó, cần xem xét toàn diện công tác cán bộ trong 1 ĐVHC cụ thể để có sự vận động, điều động thích hợp, phù hợp chuyên môn nghiệp vụ, phát huy năng lực, sở trường, giữ chân người tài và làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở địa phương mới.

Phường Đồng Hải, Đồng Hới, Quảng Bình (sau sáp nhập 2 phường Đồng Mỹ và Hải Đình) có không gian phát triển rộng hơn. Ảnh: MINH PHONG

Phường Đồng Hải, Đồng Hới, Quảng Bình (sau sáp nhập 2 phường Đồng Mỹ và Hải Đình) có không gian phát triển rộng hơn. Ảnh: MINH PHONG

Vừa qua, tại hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp ĐVHC giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, công khai, minh bạch, không cầu toàn, không nóng vội”. Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, yêu cầu đầu tiên là bảo đảm ổn định hệ thống chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Muốn vậy, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC là nhiệm vụ chính trị rất lớn, hệ trọng. Vấn đề này rất khó, phức tạp, nhạy cảm và tác động sâu rộng trong xã hội, cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những nơi được tổ chức sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân để quyết tâm tiến hành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần thật sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp đảm bảo đồng bộ, toàn diện, thận trọng, cụ thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất, bám sát các tiêu chí, điều kiện đặc thù đảm bảo việc sắp xếp thỏa mãn các yêu cầu thực tiễn, nhất là yếu tố đặc thù.

Nhìn trước những vấn đề giai đoạn tới

Rút kinh nghiệm triển khai sáp nhập giai đoạn 2019-2021, khi có những trường hợp người dân không tán thành chủ trương sáp nhập, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 đã quy định rất rõ tiêu chí, nguyên tắc chung việc sáp nhập; xác định rất cụ thể các yếu tố đặc thù không bắt buộc sắp xếp ĐVHC.

Về vấn đề này, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nhận định: “Chủ trương sắp xếp ĐVHC là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến đời sống, do vậy cần thu thập và cân nhắc ý kiến, trí tuệ, tâm tư, tình cảm của người dân. Từ câu chuyện về quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), có thể thấy, việc sáp nhập huyện, xã không thể làm theo kiểu sáp nhập cơ học mà phải đảm bảo nhiều mục tiêu, gồm giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của giai đoạn trước và tính không gian phát triển cho giai đoạn sau”.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh nhấn mạnh, điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, các phương tiện, hạ tầng giao thông phát triển; nhất là trong thời đại kỹ thuật số, các tiện ích do công nghệ thông tin phát triển. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện hơn nhiều so với trước, nên trở ngại của người dân do các thủ tục liên quan đến dịch vụ công ngày càng giảm. Các địa phương cần có không gian đủ lớn để phát huy lợi thế vùng, giảm bớt các đầu mối hành chính cấp xã, huyện.

Từ đó, khi tính toán sáp nhập phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, có tầm nhìn dài hạn để thu hút đầu tư phát triển, phát huy thế mạnh của từng vùng, địa phương. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia và hiện nay, nhiều tỉnh thành đã hoàn thành và công bố quy hoạch. Đây là căn cứ quan trọng để sau sáp nhập, các ĐVHC được mở rộng không gian phát triển, thêm động lực mới.

Về phía người dân, doanh nghiệp, để hạn chế những xáo trộn, bất tiện, các sở, ngành cần chủ động, linh hoạt trong triển khai rà soát các quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để hướng dẫn UBND cấp huyện, xã tại những ĐVHC mới hình thành. Bộ máy ĐVHC mới cần chủ động, kịp thời hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do thay đổi địa giới ĐVHC; không thu các loại lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC nhằm tạo sự đồng thuận và hợp tác của người dân.

Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây (theo ĐVHC cũ) nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. Chỉ khi chất lượng dịch vụ công được đảm bảo, tạo được sự hài lòng, đồng thuận cho người dân, doanh nghiệp, lúc đó chủ trương sắp xếp ĐVHC mới đạt được mục tiêu trọn vẹn.

Về kế hoạch sắp xếp các ĐVHC huyện, xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc này sẽ gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; cải cách chính sách tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, bảo đảm xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Đến năm 2030 sẽ hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Hiện cả nước có 58 địa phương phải tiến hành rà soát 33 ĐVHC cấp huyện và hàng ngàn ĐVHC cấp xã. Đến nay, đã có 48/58 địa phương thuộc diện sắp xếp lại gửi phương án về Bộ Nội vụ.

Tin cùng chuyên mục